Trước sự biến động của thời gian, hoàn cảnh sống, ảnh hưởng của quá trình hội nhập khiến cho một số nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Tương Dương dần mai một. Để gìn giữ và phát triển nghề, những năm gần đây, các nghệ nhân làm nghề đan lát ở huyện Tương Dương đã đa dạng hoá mẫu mã các sản phẩm, chú trọng tính mỹ thuật và vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống. Nhờ vậy, các sản phẩm được tạo ra được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Đình Tuân Ông Xeo Văn Quê (dân tộc Khơ mú), trú tại bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương chia sẻ: “Tôi biết đan lát từ nhỏ, nhưng mới tập trung làm nghề khoảng hơn 5 năm nay. Nhiều thời điểm, không kịp làm ra sản phẩm để bán”. Ảnh: Đình Tuân Những người làm nghề đan lát ở bản Na Bè chia sẻ, nếu chăm chỉ, mỗi tháng thu nhập gần 4 triệu đồng từ nghề. So với phát nương làm rẫy thì làm nghề mây tre đan đỡ vất vả, cho thu nhập cao và ổn định hơn. Ảnh: Đình Tuân Ông Vang Văn Vọng, trú tại bản Can, xã Tam Thái chia sẻ: “Làm nghề đan lát, vừa tranh thủ được thời gian nhàn rỗi lại kiêm được việc trông coi cháu”. Ảnh: Đình Tuân Không chỉ có nghề đan lát, mà nghề dệt thổ cẩm cũng đang mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Nhờ có đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú nên nhiều phụ nữ đã có thêm thu nhập khá trong thời gian nông nhàn. Ảnh: Đình Tuân Thời gian gần đây, nhiều phụ nữ ở bản Hợp Thành, xã Xá Lượng nhận gia công những tấm thổ cẩm được đặt hàng từ Lào. Mỗi tấm thổ cẩm khi hoàn thành, người thêu được trả công khoảng 150 - 250 ngàn đồng tùy theo kích thước và sự tinh xảo. Ảnh: Đình Tuân Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều trẻ tuổi tham gia làm nghề truyền thống. Có tay nghề, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, nắm bắt nhu cầu thị trường và quan tâm cải thiện chất lượng nên nghề truyền thống đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân bản địa, đồng thời góp phần lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Ảnh: Đình Tuân
Đình Tuân