Nghề 'mổ' tàu thuyền cũ nát, bán phế liệu, phụ tùng ở Nghệ An
(Baonghean.vn) -Những chiếc tàu, thuyền lưới kéo, giã cào cũ nát được các chủ cơ sở ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu thu mua từ khắp nơi về để “mổ” bán phế liệu, hoặc đồ phụ tùng còn dùng được thì bán cho ngư dân quanh vùng.
Có mặt tại cơ sở thu mua tàu thuyền cũ ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu chúng tôi thấy tại ven bờ Lạch Vạn có khá nhiều tàu, thuyền lưới kéo, giã cào to, nhỏ cũ nát đã được chủ cơ sở “mổ” tháo hết các linh kiện phụ tùng, chỉ còn trơ lại những “xác” thuyền trống rỗng.
Anh Hoàng Văn Minh - một chủ cơ sở chuyên thu mua tàu thuyền cũ ở xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) chia sẻ: Chúng tôi thu mua tàu thuyền cũ từ các vùng ven biển Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai, thậm chí mua cả ở tỉnh Thanh Hoá. Những chiếc thuyền cũ thu mua từ 100-300 triệu đồng, cái còn sử dụng được có giá đến 450 triệu đồng.
Sau khi đưa về, nhóm thợ bắt đầu tháo dỡ từ phần buồng lái, cột gỗ chính và bộ phận bên trong thân tàu, sau cùng là phần vỏ. Mỗi tàu tuỳ kích thước lớn nhỏ, tháo từ 10-12 ngày mới xong.
Những người thợ phải chui vào trong các ô, hầm cá của tàu dùng máy cắt, máy khoan để cắt đinh, bulong, ra sức đục các đinh vít để tháo rời các tấm gỗ vốn được đóng, dán chặt chẽ.
Sau khi “mổ” xong tàu thuyền cũ, người thợ tháo dỡ hết các linh kiện, phụ tùng, máy móc, lựa chọn cái nào sử dụng được thì bảo dưỡng, bán cho ngư dân; cái nào không sử dụng được thì bán đồng nát. Còn xác mỗi con tàu, thuyền bán với giá 4-8 triệu đồng.
Quan sát tại kho chứa đồ phụ tùng của tàu thuyền cũ thấy rất nhiều linh kiện được tháo ra, từ các loại máy nổ cho đến ngư cụ, phao, lưới…
Anh Hoàng Văn Minh cho biết thêm: Máy nổ thuyền giã cào loại công suất 30CV tháo ra được sửa chữa, bảo dưỡng lại và bán 3-4 triệu đồng/máy, trong khi máy nổ loại mới có giá 14-15 triệu đồng/máy. Bộ phận chân vịt hay bị hỏng thường được ngư dân đến mua, chân vịt cũ giá tại đây chỉ 20 triệu đồng/chiếc, trong khi chân vịt mới có giá rất cao, từ 70-80 triệu đồng/chiếc.
Nghề này lấy công làm lãi, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, mỗi con tàu thuyền sau khi “mổ” ra trừ chi phí cũng lãi được từ 8-10 triệu đồng - anh Minh cho biết.
Ông Trần Nam, một ngư dân địa phương chia sẻ: “Từ khi có cơ sở bán đồ phụ tùng cũ cho tàu thuyền ở đây, ngư dân rất thuận tiện, mỗi chuyến đi biển về tàu thuyền bị hư hỏng nặng, nhẹ đều có đồ phụ tùng giá “mềm” để thay thế, chứ mua đồ mới giá cao lắm”.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: Địa bàn xã Diễn Ngọc hiện có 3 cơ sở thu mua tàu thuyền cũ. Những năm qua do khó khăn trong khai thác hải sản, chi phí vật tư đi biển tăng cao, nhiều chuyến biển thua lỗ nên có trên 30 tàu, thuyền cũ được người dân địa phương bán lại cho cơ sở này.
Cũng nhờ có các cơ sở này, nên bà con ngư dân dễ dàng mua được các phụ tùng cũ, giá rẻ để thay thế những bộ phận hỏng hóc sau mỗi chuyến đi biển về.
Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là, nơi tập kết tàu thuyền cũ nát của các cơ sở thu mua không có, nên các loại thuyền cũ nát phải để dọc cảng cá Lạch Vạn xen lẫn với thuyền đánh cá khác.
Qua tìm hiểu trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu hiện có trên 800 tàu thuyền lớn nhỏ nhưng chỉ có 1 cơ sở sửa chữa tàu thuyền ở xã Quỳnh Nghĩa, còn lại các thuyền cũ nát hàng năm đều bán cho các cơ sở ở Diễn Châu, từ 25-30 tàu cá cũ nát các loại.
Đại diện Chi cục Thuỷ sản Nghệ An cho biết: Địa bàn Nghệ An có bờ biển dài trên 82 km thuộc các địa phương Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Diễn Châu, thị xã Cửa Lò, trong đó toàn tỉnh có trên 3.300 tàu thuyền các loại. Những năm 2010 về trước, Nghệ An có trên 25 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, hiện nay chỉ còn lại 9 cơ sở nhưng hoạt động cầm chừng. Các cơ sở này chủ yếu tu sửa nâng cấp các tàu cá cũ. Đối với các tàu thuyền quá cũ nát, hàng năm ngư dân thanh lý khoảng từ 80-100 chiếc, bán cho các cơ sở thu mua tàu thuyền cũ chủ yếu tập trung ở huyện Diễn Châu.