3 cách dùng sài đất giảm triệu chứng viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là tình trạng bệnh mạn tính, gây khô, nứt nẻ da và ngứa dữ dội trong giai đoạn bệnh vượng. Sử dụng sài đất là một trong những biện pháp làm giảm các triệu chứng khó chịu này.
1. Đặc điểm của bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là một bệnh da liễu liên quan đến yếu tố cơ địa, biểu hiện đặc trưng là tình trạng da khô đỏ, ngứa, có nốt tổn thương dạng chàm.
Bệnh viêm da cơ địa là một tổn thương da mạn tính có liên quan đến cơ địa dị ứng , yếu tố di truyền, thường khởi phát khi còn nhỏ tuổi, dai dẳng, khó điều trị khỏi hoàn toàn.
Theo tây y, viêm da cơ địa khởi phát mạnh khi có yếu tố gây kích ứng như chất tẩy rửa, xà phòng, côn trùng, kim loại...
Đông y cho rằng viêm da cơ địa do chính khí suy giảm, phong, thấp, nhiệt xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Phong tích tụ gây ngứa ngáy dữ dội, thấp nhiệt gây nổi mụn nước . Thấp nhiệt lâu ngày gây huyết táo, biểu hiện da khô tróc, nứt nẻ.
2. Những lưu ý khi sử dụng sài đất
Sài đất gọi là cúc nháp, húng trám. Cây thuộc họ cúc Asteraceace, ưa sống nơi ẩm ướt, thân màu xanh, trên thân có các lông tơ trắng, cứng, lá mọc đối, hình bầu dục, thon dài ở hai đầu, hoa nhiều cánh màu vàng tươi.
Theo y học cổ truyền, sài đất vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc gan , tiêu nhọt, kháng viêm, được sử dụng để làm giảm bớt các triệu chứng ngoài da như ngứa ngáy, mẩn đỏ mụn nước... của bệnh viêm da cơ địa.
Chỉ nên sử dụng sài đất như một biện pháp điều trị, giảm bớt triệu chứng, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế uy tín để có phác đồ điều trị toàn diện, hiệu quả.
Khi sử dụng sài đất để chữa trị viêm da cơ địa cần chú ý:
Tránh xa các loại chất kích ứng da như xà phòng, mỹ phẩm, sữa tắm để hạn chế tổn thương trên da. Không nên tắm nước quá nóng, quá lạnh để tránh khô da . Không sử dụng chất kích thích như rượu, bia, cà phê. Ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung rau xanh, vitamin B, C, uống đủ nước, hạn chế đồ ăn cay nóng, giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng , stress. Người bị viêm da cơ địa cần mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, thấm hút mồ hôi giúp da luôn được sạch sẽ, khô thoáng. Không sử dụng sài đất khi vùng da bệnh có biểu hiện nhiễm trùng, mưng mủ, áp xe do gãi, vệ sinh không tốt. Sử dụng nguyên liệu sạch, các dụng cụ bào chế cũng phải được vệ sinh, hấp sạch sẽ tiệt trùng, tránh gây nhiễm khuẩn cho da. Trong thời gian sử dụng sài đất, có dấu hiệu dị ứng, viêm da cơ địa lan rộng thì phải dừng ngay và đến khám tại các cơ sở y tế uy tín.
3. Các cách dùng sài đất chữa viêm da cơ địa
3.1 Thuốc sắc
Dùng 30g sài đất, 15g kim ngân hoa , 16g cam thảo đất, 10g thổ phục linh, 20g bồ công anh . Sắc uống ngày 1 thang giúp giảm ngứa, giảm khô da, bong tróc da.
3.2 Đắp và uống nước sài đất tươi
Chuẩn bị 100g sài đất, muối ăn. Rửa sạch sài đất ngâm với nước muối pha loãng 15-20 phút. Sai đó đem giã nát, lọc lấy nước, pha thêm 100ml nước sôi, thêm ít muối, chia làm 2 lần uống trong ngày. Phần bã đắp lên khu vực da bệnh giúp xoa dịu cơn ngứa, cải thiện triệu chứng viêm da cơ địa .
3.3 Tắm với nước cây sài đất
Sử dụng 70g sài đất, 15g kim ngân hoa, 10g bồ công anh đem nấu với 2 lít nước. Để nước nguội, lọc cặn pha với nước sạch sử dụng tắm hàng ngày giúp diệt khuẩn, dưỡng ẩm da rất tốt.