Chuyển nhượng bóng đá Việt Nam thời ‘lạm phát’

Hoài Hoan 26/08/2023 09:36

(Baonghean.vn) -Trong vài năm trở lại đây, mặc dù kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi, nhiều câu lạc bộ gặp khó khăn về nguồn tài trợ nhưng giá cầu thủ bóng đá Việt Nam đã và đang "lạm phát" ở mức cao theo hướng không mấy tích cực.

Câu chuyện của châu Âu và Ả Rập Xê Út

Đầu năm 2023, Cristiano Ronaldo gây bất ngờ khi rời Man United và đến Ả Rập Xê Út để gia nhập Al Nassr. Sự có mặt của ngôi sao Bồ Đào Nha tại Saudi Pro League đã mở đường cho một cuộc “di cư” quy mô lớn, sự đổ bộ của những ngôi sao lớn hàng đầu của bóng đá thế giới về với mảnh đất này.

Giải đấu này tiếp tục đón nhận Quả bóng Vàng 2022 Karim Benzema, với mức lương lên đến 84 triệu bảng mỗi năm, cùng bản hợp đồng 3 năm thi đấu ở Al Ittihad. Một nhà cựu vô địch thế giới khác là Kante cũng nhận được 67,6 triệu bảng mỗi năm khi đặt bút ký vào bản hợp đồng 4 năm với cùng đội bóng của Benzema.

Mới đây nhất là trường hợp Neymar từ PSG chuyển đến Al Hilal. Để có được chữ ký của siêu sao người Brazil, đội bóng của Ả Rập Xê Út đã phải bỏ ra số tiền lên đến 250 triệu euro. Trong đó, 90 triệu euro được thanh toán ngay lập tức cho PSG (chưa gồm phụ phí), còn 160 triệu euro chảy thẳng vào túi tiền của cá nhân Neymar.

Ngay cả một đội bóng xếp áp chót mùa giải vừa qua ở Saudi Pro League cũng “thay máu” lực lượng bằng việc sở hữu bộ ba vẫn đang ở đỉnh cao phong độ là Riyad Mahrez từ Man City (30 triệu euro), Roberto Firmino từ Liverpool (chuyển nhượng tự do) và Allan Saint-Maximin đến từ Newcastle (27 triệu euro).

Ảnh 1 - Ả Rập.jpeg
Ả Rập Xê Út trở thành nơi dưỡng già của nhiều ngôi sao lớn của bóng đá thế giới. Ảnh: ST

Theo thống kê, có đến gần 30 ngôi sao lớn của bóng đá thế giới đã về với Ả Rập Xê Út và có thể đưa giải đấu này một bước lên cao, vượt các giải đấu khác tại châu Âu. Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2023 ở châu Âu chưa kết thúc và chuyến bay đưa các ngôi sao rời châu Âu đến Ả Rập Xê Út vẫn sẽ chưa dừng lại.

Huấn luyện viên Jurgen Klopp, người từng nói rằng ông sẽ không bao giờ chi 100 triệu Bảng cho một cầu thủ vào năm 2016. Nhưng rồi ông lại chính là người đã phải làm quen với điều này trong bối cảnh giá cầu thủ đang ở mức điên rồ. “Tất cả đều đã thay đổi. Tôi có thích điều đó không? Không! Nhưng tôi đã nhận ra mình đã sai. Đó là cách mọi thứ đã diễn ra, dù chẳng phải điều tốt đẹp gì”.

Rõ ràng, việc các ngôi sao lớn lũ lượt đến đây với mức giá cao ngất ngưởng giúp giải đấu trở nên hấp dẫn hơn, nhưng nó cũng cho thấy một sự “lạm phát” ngoài sức tưởng tượng của thị trường chuyển nhượng thế giới.

Việt Nam không phải Ả Rập Xê Út

Bóng đá Ả Rập Xê Út dường như đang đi theo vết xe đổ của bóng đá Trung Quốc khi mà họ đang làm bóng đá từ ngọn. Tức là dùng tiền để phát triển hệ thống bóng đá, mua cầu thủ bằng mọi giá thay vì phát triển bóng đá trẻ. Một số câu lạc bộ bóng đá Việt Nam chắc hẳn hiểu câu chuyện này, nhưng thật tiếc, họ vẫn chọn cách làm bóng đá từ ngọn.

Những vụ chuyển nhượng đình đám nhất trong vài năm trở lại đây thuộc về Câu lạc bộ Công an Hà Nội với sự có mặt của những ngôi sao đình đám như Phan Văn Đức, Nguyễn Quang Hải, Hồ Tấn Tài, Đoàn Văn Hậu… và sắp tới còn nhiều gương mặt nữa. Đương nhiên mức giá để có được họ là không hề rẻ. Thậm chí có những cầu thủ sẵn sàng không làm theo lời hứa ban đầu, phá hợp đồng với câu lạc bộ chủ quản để ra đi.

Thị trường chuyển nhượng V.League 2023/24 chưa chính thức bắt đầu (từ 01/09) nhưng Becamex Bình Dương đã sẵn sàng chi ra đến 6 tỷ đồng/mùa cho Quế Ngọc Hải. Mặc dù trước đó, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh định giá cựu đội trưởng Sông Lam Nghệ An với mức giá đã rất cao là 4 - 4,5 tỷ đồng/mùa và Sông Lam Nghệ An là khoảng 3,5 tỷ đồng - 4 tỷ đồng/ mùa. Tương tự, dù còn 1 năm hợp đồng với Sông Lam Nghệ An, nhưng Xuân Mạnh nối gót Văn Đức ra thủ đô với mức lót tay cao hơn.

Ảnh TK.jpg
Bóng đá Việt Nam sẽ đi xuống nếu không chú trọng vào đào tạo trẻ và nâng cao trình độ HLV. Ảnh: TK

Cũng làm bóng đá từ ngọn ở V.League còn có Câu lạc bộ Topenland Bình Định. Họ đưa về hàng loạt ngôi sao với mức giá khủng như Hồ Tấn Tài, Đặng Văn Lâm, Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân… Để rồi hôm nay, “bom tấn” mang tên Đặng Văn Lâm ngày nào của Bình Định giờ đang phải tìm kiếm bến đỗ mới dù vẫn còn hợp đồng 2 năm. Đây là hệ quả của kinh tế đi xuống và gánh nặng tài chính dành cho đội bóng chủ quản. Từ bài học Than Quảng Ninh, Sài Gòn, Cần Thơ và tới đây sẽ là đội bóng nào khi mà nguồn tiền không còn được dư giả.

Nói về cách làm bóng đá của Ả Rập Xê Út, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu ông Aleksander Ceferin từng chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng đó là một sai lầm của bóng đá Ả Rập Xê Út. Tương tự như bóng đá Trung Quốc trước đây. Họ đưa về những cầu thủ đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Hãy kể cho tôi một cầu thủ hàng đầu ở độ tuổi sung sức nhất bắt đầu sự nghiệp của mình có ai đang chơi bóng ở Ả Rập Xê Út. Đó là một vấn đề đối với họ”.

Chủ tịch UEFA kết luận rằng: “Ả Rập Xê Út nên đầu tư vào các học viện, đưa về những huấn luyện viên giỏi và họ nên phát triển những cầu thủ của riêng mình. Mua cầu thủ ở giai đoạn cuối của sự nghiệp của họ không phải là cách phát triển bóng đá”.

Trở lại câu chuyện của bóng đá Việt Nam. Hàng chục năm theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp, các đội bóng V.League vẫn đang loay hoay với bài toán giữ chân những cầu thủ do chính mình đào tạo ra. Ngược lại, các đội bóng lắm tiền nhiều của không chú trọng đào tạo trẻ vẫn sẵn sàng vung tiền mua cầu thủ với giá cao ngất ngưỡng.

Đáng tiếc, Việt Nam nói chung hay các câu lạc bộ V.League nói riêng không giống như Ả Rập Xê Út. Xét về cả kinh tế, độ chịu chơi lẫn hiệu quả sau này. Tuy nhiên, lời khuyên của Chủ tịch UEFA có lẽ không chỉ dành cho bóng đá Ả Rập Xê Út hay bóng đá Trung Quốc mà nó còn dành cho cả các đội bóng tại V.League./.

Hoài Hoan