Dòng sông Quàng nổi tiếng với làn nước trong xanh tận đáy. Sau khi ngăn đập Thủy điện Châu Thắng, nước sông dâng cao và luôn dồi dào. Với tiềm năng, lợi thế đó, người dân đã tập trung nuôi nhiều cá lồng bè, chủ yếu là cá trắm. Ảnh: Hoài Thu Hiện toàn xã Châu Thắng (Quỳ Châu) có 10 hộ nuôi cá lồng trên sông Quàng, mỗi hộ 3-4 lồng nuôi. Ảnh: Thanh Phúc Cá nuôi trong lồng không khác gì cá ngoài tự nhiên, thức ăn chủ yếu là sinh vật phù du, rong, rêu, các phụ phẩm nông nghiệp khai thác từ nương rẫy và trong rừng. Ảnh: Hoài Thu Hộ ông Sầm Văn Hoa ở bản Chiềng Ban, xã Châu Thắng nuôi 4 lồng cá, thức ăn được ông khai thác từ rẫy về như cỏ voi, cây sắn, lá bầu bí… Ảnh: Thanh Phúc Hộ ông Sầm Văn Dự ở bản Chiềng Ban cũng có 4 lồng cá, mỗi lồng thả 20-30 con, sau 1 năm nuôi cho trọng lượng khoảng 6-7 kg/con. Với giá bán cá 100.000 - 120.000 đồng/kg, ông thu về 50-60 triệu đồng. Ảnh: Thanh Phúc Các hộ nuôi cá lồng trong bản Chiềng Ban cũng thành lập tổ hội nuôi cá lồng để tiện lấy giống, chia sẻ cách chăm sóc cá và thống nhất giá bán ra thị trường; hợp tác để nuôi gối vụ, tránh xuất bán ồ ạt cùng lúc và tránh tình trạng “cháy hàng” cùng thời điểm. Ảnh: Hoài Thu Nhiều hộ đầu tư mua thuyền máy để tiện chăm sóc, vận chuyển và tiêu thụ cá lồng. Trong ảnh: Ông Vi Văn Thi mua thuyền máy 20 triệu đồng để đi lại và nuôi cá lồng trên sông Quàng. Ảnh: Thanh Phúc Cá lồng nuôi trên sông Quàng trong môi trường hoàn toàn tự nhiên, thời gian nuôi kéo dài gần 1 năm nên thịt thơm ngon, được người dân ưa chuộng. Cá lồng sông Quàng rất thích hợp để làm các món gỏi, chẻo cá, mọc… với các loại gia vị đặc trưng của núi rừng như mắc khén, rau rừng... Ảnh: Thanh Phúc Với phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ và cá lồng đặc sản, tương lai, các lồng cá trên sông Quàng sẽ là điểm du lịch trải nghiệm khá thú vị. Ảnh: Hoài Thu
Clip: Phúc - Thu
Phúc - Thu