Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Quỳ Hợp

Văn phòng UBND tỉnh 28/08/2023 16:11

(Baonghean.vn) -Thông báo kết luận về cuộc làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung với lãnh đạo huyện Quỳ Hợp về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023; phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Ngày 22 tháng 8 năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã làm việc với lãnh đạo huyện Quỳ Hợp về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023; phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Cùng dự buổi làm việc có Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành: Văn phòng UBND tỉnh, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã Hội; đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nội vụ, Văn hóa và Thể thao.

bna_IMG_1623.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã làm việc với lãnh đạo huyện Quỳ Hợp Ảnh: Phạm Bằng

Sau khi nghe Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Quỳ Hợp đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và đạt được một số kết quả tích cực.

1. Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đã tập trung chỉ đạo sớm triển khai cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm 2020-2025; huyện ủy Quỳ Hợp đã ban hành 15 Nghị quyết chuyên đề và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả.

2. Kinh tế đạt được nhiều kết quả, trong đó:

- Năm 2022, có 22/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt, 04/28 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 6,97%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 7 tháng năm 2023 ước đạt 4,87%.

- Tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 270,45 tỷ đồng, bằng 179,8% so với kế hoạch tỉnh giao (đặc biệt cơ cấu thu từ tiền đất chiếm tỷ trọng thấp, năm 2022 tiền đất chỉ chiếm 5% tổng nguồn thu; thu ngân sách đứng thứ 5 toàn tỉnh nếu không tính tiền đất); 7 tháng đầu năm 2023 đạt 120,8 tỷ đồng, đạt 73,83% kế hoạch được giao và bằng 81,2% so với cùng kỳ.

- Có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, đặc biệt là các mô hình trang trại, sản xuất, chế biến. Kết quả giải ngân tính đến ngày 10/8/2023 đạt 41,58%, cao hơn trung bình toàn tỉnh (34,18%) và xếp thứ 9 khối huyện (30,71%).

3. Văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực:

- Tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện và Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tỉnh Nghệ An năm 2023, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An nhân dịp kỷ niệm Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam,...

- Chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân tiếp tục có chuyển biến tích cực, trong đó lĩnh vực giáo dục và đào tạo được xếp vào tốp đầu trong các huyện miền núi. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, thực hiện tốt, kịp thời các chính sách đối với người có công, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Triển khai kịp thời và thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn.

bna_IMG_1543.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác kiểm tra tình hình sản xuất tại Công ty cổ phần Trung Hải đóng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp Ảnh: Phạm Bằng

4. Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, xử lý kịp thời, đặc biệt là các vấn đề về khai thác khoáng sản, đất đai, không để các vụ việc phức tạp kéo dài.

5. Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm giải quyết kịp thời.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thống nhất với những khó khăn, tồn tại đã được huyện Quỳ Hợp nêu trong báo cáo, trong đó cần tiếp tục quan tâm, nỗ lực khắc phục một số nội dung trọng tâm sau:

- Kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra (Năm 2021 xếp thứ 20/21, năm 2022 xếp thứ 19/21 huyện, thành phố, thị xã).

- Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường còn một số bất cập; công tác giao đất rừng sản xuất sau khi Lâm trường trả về cho người dân vẫn còn vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm.

- Tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công.

II. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

1. Quan điểm, định hướng

- Định hướng phát triển huyện Quỳ Hợp phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, phù hợp với tiềm năng và lợi thế sẵn có, phù hợp với giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và yêu cầu phát triển, các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

- Tập trung xây dựng, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn một cách hiệu quả.

- Các chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển cần phải hợp với lòng dân và phải vì lợi ích của người dân.

2. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

2.1. Tiếp tục rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là 05 nhiệm vụ trọng tâm và 03 đột phá phát triển. Tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu đạt kết quả thấp sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết để có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo.

2.2. Tập trung rà soát, hoàn thiện, bổ sung và tổ chức thực hiện các quy hoạch một cách toàn diện, khoa học, phù hợp với yêu cầu phát triển và đặc thù của địa phương, đồng bộ với quy hoạch tỉnh và có tính kết nối với quy hoạch vùng, nhất là vùng Tây Bắc Nghệ An, kết nối với các địa phương lân cận (Quỳ Hợp - Thái Hòa - Nghĩa Đàn - Hoàng Mai) để tạo sự phát triển, khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế của địa phương.

2.3. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp:

- Về công nghiệp: Ưu tiên phát triển công nghiệp về chế biến khoáng sản; trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào khai thác và chế biến khoáng sản, tăng cường đầu tư trang thiết bị tiên tiến, hiện đại nhằm tiết kiệm tài nguyên, nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa.

- về du lịch, dịch vụ: Chú trọng phát triển dịch vụ du lịch, nhất là việc kết nối và phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và các lễ hội đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường tính liên kết, kết nối các điểm, tuyến du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.

- về nông nghiệp:

+ Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và các ngành liên quan lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để phát triển và đẩy mạnh, đồng thời nhân rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả.

+ Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), lồng ghép nhiều chương trình, nguồn lực để tập trung xây dựng Nông thôn mới thực chất và hiệu quả. Tạo ra các sản phẩm OCOP chủ lực, có thương hiệu và giá trị cao gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thị trường tiêu thụ.

bna_IMG_1407.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra hiện trạng tỉnh lộ 532. Ảnh: Phạm Bằng

2.4. Tiếp tục thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trên địa bàn huyện, nhất là sử dụng nguồn vốn đầu tư công và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; tìm kiếm, kêu gọi, vận động các nguồn lực xã hội để phục vụ phát triển; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội (hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế,...).

2.5. Tăng cường quản lý khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên; sử dụng đất đai hướng đến phát triển bền vững và gắn với công tác bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động, không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản.

2.6. Chăm lo phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn; phát huy vai trò huyện điểm văn hóa miền núi và các dân tộc thiểu số; bảo tồn các giá trị văn hóa, các mô hình sinh hoạt văn hoá. Dành nguồn lực để từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với nhu cầu của người dân. Quan tâm nâng cao chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa. Quan tâm công tác kết nối cung cầu lao động, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu việc làm trên địa bàn. Tập trung đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

2.7. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó đề ra các giải pháp cụ thể, nhất là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức trách nhiệm, hướng đến người dân, doanh nghiệp. Tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện mạnh mẽ công tác chuyển đổi số và Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác cải cách hành chính.

2.8. Tăng cường giữ vững mục tiêu đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, mâu thuẫn tranh chấp của người dân ngay từ cơ sở.

III. CÁC KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Đề nghị hỗ trợ kinh phí để xây dựng trường, lớp học của 04 trường theo thứ tự ưu tiên sau đây: Trường THCS Châu Đình: Nhà 3 tầng 04 phòng học, 08 phòng bộ môn, 03 phòng chờ giáo viên, 03 phòng vệ sinh nam nữ, dự kiến tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng; Trường THCS Châu Quang: Nhà 3 tầng 18 phòng học, 03 phòng chờ giáo viên, 03 phòng vệ sinh nam nữ, dự kiến tổng mức đầu tư 19 tỷ đồng; Trường THCS Nghĩa Xuân: Nhà 3 tầng 14 phòng học, dự kiến tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng; Trường THCS Thị trấn: Nhà 3 tầng 14 phòng học, dự kiến tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng.

Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND huyện Quỳ Hợp và các cơ quan liên quan, nghiên cứu, rà soát theo thứ tự ưu tiên để thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

2. Đề nghị hỗ trợ kinh phí để tu sửa, nâng cấp hoàn thành 8km và các công trình tuyến đường Tam Hợp - Đồng Hợp từ nguồn ngân sách tỉnh. Tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng; Đề nghị hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp tuyến đường giao thông liên xã Nghĩa Xuân - Minh Hợp - Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp từ nguồn ngân sách tỉnh. Tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ khoảng 56 tỷ đồng.

Giao UBND huyện Quỳ Hợp làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan rà soát về quy mô, mức độ cải tạo, nâng cấp và thứ tự ưu tiên của các công trình phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

3. Đề nghị hỗ trợ 30.000 tấn xi măng ngoài cơ chế hỗ trợ xây dựng NTM để bổ sung nâng cấp các xã, các xóm đã về đích NTM giai đoạn 2015 - 2020; Hỗ trợ những xã, xóm đăng ký về đích NTM giai đoạn 2020 - 2025 và trả nợ xi măng cho tỉnh.

Thống nhất chủ trương hỗ trợ tối đa 7.000 tấn xi măng/năm trong giai đoạn 2023-2025 để triển khai thực hiện đảm bảo đúng mục tiêu và phát huy hiệu quả. Giao Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định theo đúng quy định.

4. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và các sở, ban, ngành liên quan cải tạo, nâng cấp hoàn thành tuyến đường Tỉnh lộ 532.

Thống nhất chủ trương giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát về quy mô, lập hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư trên cơ sở lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định.

5. Đề nghị cho chủ trương và kinh phí mua sắm xe ô tô công để đảm bảo hoạt động của lãnh đạo HĐND, UBND huyện. Kinh phí đề nghị khoảng 1,5 tỷ đồng.

Thống nhất chủ trương giao UBND huyện Quỳ hợp căn cứ tiêu chuẩn, định mức theo quy định hiện hành, đề xuất gửi Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

6. Đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương và hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2026 - 2030 để lập dự án: Đầu tư xây dựng tuyến đường từ Bản Choọng, xã Châu Lý - xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp đi xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, dài 13 km, đường cấp VI miền núi, đã có trong quy hoạch. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

Thống nhất chủ trương giao UBND huyện Quỳ Hợp phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư trên cơ sở lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện triển khai vào giai đoạn 2026-2030, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đề nghị triển khai đầu tư xây dựng khu công nghiệp Sông Dinh. Trường hợp Khu công nghiệp Sông Dinh không khả thi thì đề nghị cho chủ trương quy hoạch xây dựng mới Cụm công nghiệp Châu Đình, diện tích từ 150 đến 200 ha.

Thống nhất chủ trương về quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp Châu Đình, giao UBND huyện Quỳ Hợp hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, gửi Sở Công thương và các cơ quan liên quan thẩm định, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định theo chỉ tiêu sử dụng đất được giao và phù hợp với quy hoạch vùng huyện.

7. Đề nghị xử lý dự án đất Tổng đội thanh niên xung phong 3.

Giao Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh văn bản yêu cầu Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để giải thể Tổng đội TNXP 3. Sau khi hoàn thiện thủ tục giải thể, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất để bàn giao cho địa phương quản lý đảm bảo đúng quy định.

Trên đây là kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Quỳ Hợp, UBND tỉnh thông báo để các đơn vị liên quan biết và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả./.

Văn phòng UBND tỉnh