Ukraine xác nhận về 'cuộc họp bí mật' với các chỉ huy của NATO
(Baonghean.vn) - Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Zelensky khẳng định, Kiev duy trì cập nhật tình hình trên thực địa cho các đồng minh phương Tây của mình.
Theo RT, cố vấn cấp cao của Tổng thống President Vladimir Zelensky đã xác nhận thông tin về một cuộc họp mới diễn ra gần đây giữa tướng cấp cao Valery Zaluzhny của Kiev với các chỉ huy NATO. Nguồn tin này cũng tiết lộ, các quan chức phương Tây thường xuyên nhận được các thông tin cập nhật từ chiến trường tại Ukraine.
Cụ thể, hôm 26/8, Mikhail Podoliak nói với một kênh truyền hình Ukraine: "Có rất nhiều cuộc họp như vậy". Theo cố vấn Podoliak, chiến lược quân sự của Kiev duy trì "linh hoạt", ứng biến tùy theo tình hình trên thực địa.
Vị cố vấn này phát biểu: "Bộ tổng tham mưu thường xuyên đưa ra những sự điều chỉnh, phụ thuộc vào những gì đang diễn ra tại tiền tuyến. Rõ ràng là những sự điều chỉnh này luôn được thảo luận với các đối tác của chúng tôi nhằm hiện thực hóa việc cung cấp thêm các vũ khí".
Cũng hôm 26/8, tờ Guardian đưa tin, “11 ngày trước, một số quân nhân cấp cao nhất trong liên minh NATO đã đến một địa điểm bí mật ở biên giới Ba Lan-Ukraine” để gặp Zaluzhny và “toàn bộ nhóm chỉ huy của ông ta”.
Tờ báo cho biết, mục tiêu của cuộc họp kéo dài 5 giờ là “giúp thiết lập lại chiến lược quân sự của Ukraine” trong bối cảnh cuộc tấn công diễn ra chậm chạp của nước này. Các quan chức Ukraine và NATO được cho là cũng đã thảo luận về kế hoạch cho mùa Đông tới và sau đó.
Cuộc phản công của Kiev, được phát động vào đầu tháng 6, cho đến nay vẫn chưa giành được bất kỳ vùng lãnh thổ quan trọng nào, thậm chí trong quá trình này còn khiến quân đội Ukraine tổn thất nặng nề về quân số và xe thiết giáp do phương Tây cung cấp.
Tờ New York Times và Wall Street Journal gần đây đưa tin rằng, các quan chức Mỹ và Anh đã có những bất đồng với các nhà hoạch định Ukraine liên quan đến các chiến thuật. Có thông tin nói rằng, một trong những nội dung than phiền là quân đội Ukraine đã phân tán các đơn vị được trang bị tốt nhất dọc theo chiến tuyến, thay vì tập trung tấn công vào một nơi.
Sau khi được Washington chấp thuận, Đan Mạch và Hà Lan tuần trước đã hứa sẽ gửi máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất tới Ukraine. Các máy bay phản lực này từ lâu đã nằm trong “danh sách mong muốn” của Kiev, vì nước này hy vọng sẽ cứu vãn được các chiến dịch chiến đấu của mình.
Trong khi đó, Nga nhiều lần cảnh báo rằng, vũ khí của phương Tây sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc xung đột mà chỉ kéo NATO đến gần hơn với cuộc đối đầu công khai với Moskva.