Chuyên gia phân tích nói quân đội Mỹ tin rằng Ukraine đang phung phí đạn dược, khiến phương Tây cạn kiệt dự trữ

Hoàng Bách 29/08/2023 07:31

(Baonghean.vn) - Một nhà bình luận chính sách đối ngoại hàng đầu khẳng định, các lực lượng của Kiev đã bắn khoảng 2 triệu viên đạn pháo, khiến các kho dự trữ của phương Tây cạn kiệt.

64ecb0d520302775d45eb55e.jpg
Ảnh minh hoạ: Getty

Theo RT, chuyên gia bình luận David Ignatius của tờ Washington Post đã quả quyết, Lầu Năm Góc tin rằng các chỉ huy của Ukraine cần phải tránh phung phí đạn dược và thay đổi chiến thuật pháo binh để chỉ tấn công những mục tiêu quan trọng nhất.

Trong một bài báo xuất bản hồi cuối tuần qua, ông Ignatius khẳng định Mỹ cùng các đồng minh đã trở nên thất vọng với Kiev vì nước này không đạt được bất cứ kết quả quan trọng nào trong cuộc phản công mùa Hè vốn được họ “tâng bốc”, và hiện đã tiến hành một cuộc đánh giá về “những bài học rút ra” trong chiến dịch này.

Theo Ignatius, một trong những điểm chính đúc rút từ các đánh giá của Washington là xung đột Nga-Ukraine khó có thể được giải quyết trong năm nay, như nhiều người tại Kiev đã hy vọng. Thay vào đó, Lầu Năm Góc tin rằng chiến sự có thể sẽ kéo dài sang năm 2024, và có khả năng hơn nữa, đồng nghĩa với việc Washington và các đồng minh của mình sẽ phải tiếp tục hỗ trợ các lực lượng của Kiev.

Lầu Năm Góc được cho là đã thúc giục các chỉ huy Ukraine dành ưu tiên hơn cho các mục tiêu và tập trung các lực lượng của họ vào các điểm có thể tạo đột phá dọc chiến tuyến Nga-Ukraine.

Các chỉ huy của Mỹ cũng được cho là đang quan ngại rằng Kiev đã và đang lãng phí đạn pháo bằng việc mô phỏng các chiến thuật thời kỳ Liên Xô. Một ước tính của phía Mỹ được chuyên gia Ignatius dẫn ra cho thấy các lực lượng của Ukraine đã bắn khoảng 2 triệu viên đạn pháo 155mm kể từ khi chiến sự nổ ra vào tháng 2/2022, và gần như đã khiến các kho dự trữ của phương Tây cạn kiệt.

Đầu tháng này, tờ Washington Post cũng đưa tin rằng Mỹ đã rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu, đặc biệt là TNT, trong quá trình nước này cố gắng bổ sung kho vũ khí của mình và tiếp tục cung cấp đạn dược cho Ukraine. Theo nguồn tin trên, việc tăng sản xuất đạn pháo lên 28.000 quả mỗi tháng - theo mục tiêu hiện tại - sẽ không đủ để thoả mãn “cơn đói khát đạn pháo đáng kinh ngạc của Ukraine”, chứ chưa nói đến việc bổ sung cho kho dự trữ đã cạn kiệt của Washington.

Lựa chọn chiến thuật của Kiev trong suốt cuộc xung đột đã liên tục bị cả các đồng minh phương Tây của Ukraine lẫn Nga đặt dấu hỏi. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích các chỉ huy của ông Zelensky, cáo buộc họ biến binh lính của chính mình thành bia đỡ đạn. Ông gọi việc họ quyết định đưa binh sĩ Ukraine vào các bãi mìn của Nga dưới hoả lực pháo binh là "đáng sửng sốt”, và nói rằng Kiev đang hành động như thể những binh sĩ này thậm chí không phải là công dân của họ.

Mỹ có thể sẽ giảm viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm 2024

26/08/2023 15:07

Hoàng Bách