Cảnh giác với các chiêu lừa 'chạy việc' để chiếm đoạt tài sản
(Baonghean.vn) -Thời gian qua, tình trạng các đối tượng “nổ” có nhiều mối quan hệ, có thể “xin việc”“ chạy việc”, sau đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra tại nhiều địa bàn. Đây là thủ đoạn không mới, nhưng do mong muốn có việc làm ổn định, cộng với sự cả tin, nên không ít người dân đã “sập bẫy”.
Tạo vỏ bọc “quan hệ rộng” để lừa đảo
Dù không đủ khả năng xin việc nhưng một số đối tượng lừa đảo đã đánh vào tâm lý khao khát việc làm ổn định của người dân; đồng thời tự tạo cho mình một vỏ bọc hào nhoáng về các mối quan hệ lớn để dụ dỗ người khác “sập bẫy”. Trước nhu cầu lớn về việc làm, không ít người cả tin vào các đối tượng lừa đảo để rồi lâm vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.
Thời gian qua, rất nhiều vụ án lừa đảo xin việc, chạy việc rồi chiếm đoạt tài sản đã bị các cơ quan chức năng đưa ra xét xử. Điển hình ngày 15/8/2022, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 2 bị cáo Trần Anh Tuấn, trú huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và Trần Văn Quân, trú phường Trường Thi (TP.Vinh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuấn là bác sĩ, làm việc tại Trung tâm Tiêm chủng vắc-xin Nghệ An, còn Quân không có việc làm ổn định. Cơ quan điều tra xác định, Quân và Tuấn cùng nhau thực hiện 18 hành vi lừa đảo để xin việc làm, xin học tại các trường đại học cho 51 người, với số tiền chiếm đoạt hơn 3,67 tỷ đồng. Tại phiên tòa, cả 2 khai không có chức năng, nhiệm vụ bố trí việc làm, nhưng đã nhận tiền của nhiều người để chiếm đoạt tiền, tiêu xài cá nhân. Xem xét vai trò của từng bị cáo, tòa tuyên phạt Trần Văn Quân 16 năm tù, Trần Văn Tuấn 10 năm tù.
Ngày 18/4/2023, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Chung, trú xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vốn là giáo viên tiểu học lâu năm, từng được chứng nhận giáo viên dạy giỏi, tuy nhiên, từ khi nắm được nhu cầu xin vào biên chế ngành Giáo dục và thuyên chuyển công tác từ vùng khó khăn đến vùng thuận lợi, Chung đã chủ động tiếp cận nhiều người để lừa đảo. Trong đó, có chị Moong Thị H. (SN 1995), trú xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn.
Chị H. biết Chung thông qua người đồng nghiệp cũng là giáo viên. Đầu năm 2020, Chung liên hệ với chị H. và nói dối hiện huyện Kỳ Sơn còn 3 suất biên chế bổ sung, nếu muốn, Chung có thể xin cho chị H. vào dạy bậc mầm non... Sau khi chiếm đoạt 159 triệu đồng của chị H. Chung đã cắt đứt liên lạc. Đáng nói, không chỉ lừa đảo chị H., Chung còn lừa thêm người em họ của chị này, vừa tốt nghiệp đại học, đang có ý định xin dạy học tại một trường cấp 3 ở huyện Kỳ Sơn. Chung đảm bảo xin được việc và ra giá 200 triệu đồng. Tin tưởng nên em họ chị H. đã chuyển cho Chung số tiền trên và chờ đợi mãi cũng không nhận được quyết định nhận công tác.
Tương tự, chị Vi Thị Th., trú xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) cũng bị Chung lừa đảo số tiền lên đến 500 triệu đồng để xin cho 2 cháu vào dạy tại một trường cấp 3 trên địa bàn huyện Kỳ Sơn... Đến ngày 30/12/2021, Nguyễn Văn Chung bị bắt theo Quyết định truy nã. Cơ quan chức năng làm rõ, trong thời gian từ tháng 6/2019 đến tháng 3/2021, Chung đã lừa 14 bị hại, chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí chạy biên chế dao động từ 250-300 triệu đồng, chi phí chạy thuyên chuyển công tác 135-240 triệu đồng. Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Chung 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Mới đây nhất, ngày 17/8/2023, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử Cao Thị Thu Hà (SN 1990), trú xã Diễn Hoa (Diễn Châu) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do nợ nần, lại không có công việc ổn định nên Cao Thị Thu Hà nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác bằng cách đưa ra các thông tin gian dối như có thể mua được ô tô với giá rẻ, xin việc vào ngân hàng để chiếm đoạt tiền của 3 bị hại, với tổng số tiền gần 4,1 tỷ đồng.
Trong đó, anh Phan Thế T., trú xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn đã bị Hà lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng... Tại phiên tòa ngày 17/8/2023, Hà bị tuyên phạt 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tải sản”.
Qua một số vụ việc xảy ra trên địa bàn cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chạy việc là tự “nổ” mình có các mối quan hệ lớn, quen biết với lãnh đạo, người nhà lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước... để khuếch trương thanh thế, tạo sự tin tưởng. Đáng chú ý, có cả những đối tượng đang là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước nhưng ham làm giàu bất chính nên vẫn thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.
Theo ngành chức năng ở một số vụ án, đối tượng lừa đảo và nạn nhân thường chỉ viết giấy dưới hình thức vay nợ, trên đó không đề cập đến nội dung xin việc nên công tác điều tra gặp không ít khó khăn. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người dân vì quá sốt ruột vấn đề việc làm… mà sập bẫy các đối tượng lừa đảo, gây nhiều hệ lụy về vật chất lẫn tinh thần.
Nâng cao cảnh giác
Theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hành vi lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để lừa “xin việc” rồi chiếm đoạt tiền phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, số tiền chiếm đoạt từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 7 - 15 năm. Số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12 - 15 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, tịch thu một phần, hoặc toàn bộ tài sản.
Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức “chạy việc”, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, lực lượng chức năng cũng khuyến cáo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch nhu cầu tuyển công chức, viên chức, người lao động, từ việc hướng dẫn làm hồ sơ lý lịch, điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng, thủ tục đăng ký đến việc tổ chức thi tuyển, công bố kết quả thi tuyển. Về phía người dân cần tỉnh táo trước chiêu lừa “chạy việc” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số đối tượng.
Khi có nhu cầu tìm việc làm, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng của các cơ quan, ban, ngành, địa phương được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc đến tận nơi có nhu cầu tuyển dụng để tìm hiểu, không nên đặt niềm tin, giao tài sản cho các đối tượng trung gian để tránh trở thành “con mồi” của những kẻ lừa đảo. Trong trường hợp phát hiện đối tượng nhận “chạy việc” có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể tố cáo với các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn. Mặt khác, người dân cũng cần nhận thức rõ việc chi các khoản tiền lớn để “chạy việc, xin việc” không chỉ ẩn chứa rủi ro về tiền bạc mà còn rủi ro về mặt pháp lý, bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm.