Cộng đồng người Thái khăng huyện Kỳ Sơn nằm rải rác ở các bản của xã Phà Đánh, Mỹ Lý, Hữu Lập, Nậm Cắn… Người Thái khăng có truyền thống ăn Tết hoa, quả vào những ngày tháng Bảy (âm lịch). Tại bản Piêng Hòm (xã Phà Đánh), cộng đồng này luôn chọn đúng vào ngày 15/7 (âm lịch) để tổ chức ngày lễ “Khầu xạc” (ăn Rằm). Ảnh: Đào Thọ Trước ngày lễ, những người phụ nữ trong gia đình thường chuẩn bị nhiều món ăn từ các vật phẩm trên rừng hoặc dưới khe, suối về để chế biến mâm cúng. Một số món ăn đã trở thành tục lệ không thể thiếu như moọc, cá nướng, hoa, quả, bánh chưng… Ảnh: Đào Thọ Người Thái khăng khi mời thầy mo về làm lễ luôn chuẩn bị đủ 3 mâm cúng: 1 mâm ở gian nhà thờ thần linh, 1 mâm ở gian thờ gia tiên và 1 mâm phía ngoài cửa để cúng các cô hồn. Ảnh: Đào Thọ Sau khi gia chủ ở nhà làm lễ xong, các hộ đều cử người mang vật phẩm của gia đình đến góp vào nhà của trưởng họ để trưởng họ cúng tổ tiên. Lễ vật được gói kín trong lá dong có thể là nắm xôi nhỏ kèm thịt, cá… Ảnh: Đào Thọ Mâm cúng tại nhà của trưởng họ Lô ở bản Piêng Hòm (xã Phà Đánh). Mâm cúng này sau đó đều chia ra cho con cháu trong dòng họ ngồi ăn uống cùng nhau. Ảnh: Đào Thọ Ông Lô Xu Lin – một già làng ở bản Piêng Hòm cho hay: Ngày Tết hoa, quả chủ yếu là để con cháu nhớ ơn tổ tiên của mình. Dưới xuôi có ngày Rằm tháng Bảy, lễ Vu lan, còn người Thái khăng ăn Tết hoa, quả cũng chỉ vì mục đích báo hiếu. Ảnh: Đào Thọ Cũng như ở một số địa phương miền xuôi, người Thái khăng cũng dành ra một ít thức ăn treo trước cửa nhà để cúng các cô hồn. Theo cộng đồng này, đó chính là cách để các cô hồn có thức ăn và không vào trong nhà quấy phá. Ảnh: Đào Thọ Những đứa trẻ người Thái khăng đến cửa nhà các gia đình trong bản để gom đồ cúng cô hồn. Việc này đều được gia chủ vui vẻ đồng ý. Ảnh: Đào Thọ Sau các phần lễ, mọi người ngồi lại cùng nhau ăn uống vui vẻ, cầu chúc nhau sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Có thể nói đây là một nét đẹp cần được lưu giữ của cộng đồng người Thái khăng ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Đào Thọ
Đào Thọ