Khí thế mới trên quê hương Diễn Châu
(Baonghean.vn) -Tháng 8, chúng tôi tìm về những vùng đất, di tích mang dấu ấn lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện Diễn Châu; chứng kiến khí thế chào mừng Lễ Quốc khánh 2/9/2023, hiểu thêm về mảnh đất giàu truyền thống yêu nước đang từng ngày thay da đổi thịt này...
Dày dặn giá trị giáo dục của những địa chỉ đỏ
Diễn Châu là huyện có bề dày truyền thống cách mạng, có lịch sử danh xưng đến nay là 1.396 năm. Hiện nay, toàn huyện có 55 di tích được xếp hạng, trong đó có 14 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và 41 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó có nhiều di tích gắn với từng thời kỳ lịch sử của dân tộc, tiêu biểu như Di tích Đình Phượng Lịch (Diễn Hoa) - nơi diễn ra cuộc họp quyết định phát lệnh giành chính quyền ở Diễn Châu vào sáng 21/8/1945.
Theo tài liệu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh: Từ cuối năm 1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở vùng Diễn Hoa, Diễn Viên, Diễn Hạnh được thành lập tại đình Phượng Lịch. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, các tổ chức Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ giải phóng được thành lập và phát triển sôi nổi. Đình Phượng Lịch trở thành địa điểm hội họp, in ấn tài liệu, báo chí, truyền đơn của Đảng và là nơi diễn ra cuộc biểu tình của nhân dân trong vùng vào những năm 1930-1931, 1936-1939, mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng 8/1945. Vào đêm 20/8, tại đình Phượng Lịch, các đồng chí trong Đảng bộ huyện Diễn Châu triệu tập hội nghị khẩn cấp bàn kế hoạch giành chính quyền ở phủ lỵ.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đình Phượng Lịch là địa điểm tổ chức bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cùng nhiều hoạt động quan trọng khác phục vụ cho sự nghiệp cách mạng lúc bấy giờ.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cùng với thời gian, đình Phượng Lịch đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo để hôm nay đình vẫn nguyên vẹn ở vị trí cũ, là nơi để người dân Diễn Hoa tổ chức các hoạt động văn hóa thường niên, nâng cao đời sống tinh thần; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ của địa phương...
Ở Diễn Châu có đền Pháp Độ (Đan Trung - Minh Châu) cũng là một di tích đậm dấu ấn truyền thống yêu nước. Đền là một trong những địa điểm quan trọng để hội họp, trao đổi, liên lạc trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19, nơi in ấn tài liệu bí mật trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Đặc biệt, trong Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí Nguyễn Tất Thắng (được phân công lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Diễn Châu) đại diện Tổng bộ Việt Minh về treo cờ đỏ sao vàng trước đền Pháp Độ để tập trung nhân dân đi cướp chính quyền và thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Đan Trung.
Về giá trị văn hóa của đền Pháp Độ, được biết, trước năm 1945, cứ đến ngày 15/7 âm lịch hàng năm, nhân dân quanh vùng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, báo công, dâng lên vị thần “bảo hộ” của mình những thành tích đã đạt được sau 1 năm lao động, sản xuất. Qua lễ hội, tinh thần học tập, lao động, hăng say sản xuất của nhân dân được động viên, khuyến khích, tính cộng đồng của cư dân địa phương ngày càng thêm gắn bó. Đây là một lễ hội điển hình của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở Nghệ Tĩnh. Từ năm 1945 đến nay, lễ hội hàng năm đã hội nhập với ngày Tết Độc lập của dân tộc (2/9 dương lịch).
Bà Trần Thị Phương Thu - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Diễn Châu cho biết: Cùng với các di tích lịch sử in đậm dấu ấn Cách mạng Tháng Tám như đình Phượng Lịch, đền Pháp Độ, trên địa bàn huyện còn có di tích đình Long Ân gắn với phong trào 1930-1931... Và đặc biệt là Di tích lịch sử Khu lưu niệm Phùng Chí Kiên – người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh truy phong hàm cấp Tướng đầu tiên trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ khi hoàn thành đến nay, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động để phát huy giá trị của di tích như xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với Khu lưu niệm Phùng Chí Kiên; tổ chức các đợt sinh hoạt Đoàn, kết nạp đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tại di tích; khuyến khích các trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để các em học sinh có dịp tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương; tổ chức tham quan thực tế tại các di tích; tổ chức sinh hoạt tìm hiểu với chủ đề “Em yêu di sản quê hương”...
Sôi nổi hoạt động mừng kỷ niệm Quốc khánh
Để có cuộc sống khởi sắc hôm nay, nhân dân huyện Diễn Châu luôn ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Theo thống kê, mỗi năm, huyện vận động được trên 1,8 tỷ đồng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, kết hợp với các nguồn xã hội hóa khác. 5 năm qua, huyện đã hỗ trợ xây dựng mới được hơn 200 nhà tình nghĩa, sửa chữa và nâng cấp trên 150 nhà; tặng trên 50 sổ tiết kiệm cho người có công.
Đặc biệt, chào mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, 37/37 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức mít tinh, trao Huy hiệu Đảng, gặp mặt cán bộ từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và trao hàng trăm suất quà đến các gia đình chính sách.
Cùng với hoạt động tri ân, UBND huyện Diễn Châu đã ban hành Kế hoạch về tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và truyền thông, yêu cầu các phòng ban, ngành, đơn vị, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Trực quan, khẩu hiệu, cờ, băng rôn, qua hệ thống đài truyền thanh, mạng xã hội… tổ chức sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể thao, ngày hội thiếu nhi, thi nghi thức Đội; tổng dọn vệ sinh, chỉnh trang cơ quan, công sở, đường làng ngõ xóm, đảm bảo an ninh trật tự.
Về xã Diễn Vạn những ngày này sẽ chứng kiến sự náo nức của người dân chào mừng kỷ niệm ngày hội của non sông với rợp thắm đất trời màu cờ Tổ quốc. Loa truyền thanh vào mỗi buổi sáng, chiều đều phát nội dung tuyên truyền về lịch sử Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngợi ca cuộc sống quê hương ngày càng khởi sắc, khơi gợi những giá trị cao đẹp, niềm tự hào trong mỗi người dân.
Dịp này, nghiệp đoàn Nghề cá Diễn Ngọc phát động 300 đoàn viên thay mới cờ Tổ quốc trên tàu. Cùng với đó là phong trào thi đua lao động, sản xuất, đẩy mạnh vươn khơi bám biển đạt năng suất cao. Ngư dân Thái Bá Quý, ở xóm Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định vươn khơi bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là trách nhiệm của mỗi ngư dân. Mừng ngày kỷ niệm Quốc khánh, chúng tôi ý thức rất rõ ý nghĩa thiêng liêng của việc treo mới cờ Tổ quốc trên tàu... Vào đúng ngày Quốc khánh 2/9, cũng như mọi năm, các gia đình ngư dân chúng tôi đều làm mâm lễ tưởng nhớ đến Bác Hồ, các anh hùng liệt sĩ”...
Như thế, trên khắp quê hương Diễn Châu những ngày này dậy khí thế mới, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân, đoàn kết, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển, hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...
Đến nay 36/36 xã của huyện Diễn Châu đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Hội đồng thẩm tra nông thôn mới của tỉnh đã tiến hành thẩm tra các tiêu chí huyện nông thôn mới và thống nhất đề nghị Trung ương công nhận huyện Diễn Châu đạt chuẩn nông thôn mới.