Nỗ lực vượt khó của những tân sinh viên Nghệ An

Mỹ Hà 03/09/2023 07:48

(Baonghean.vn)- Đường vào đại học của nhiều sĩ tử Nghệ An gập ghềnh và lắm chông gai. Nhưng vượt lên khó khăn, các tân sinh viên vẫn không ngừng nuôi ước mơ để chờ một ngày mai tươi sáng.

Tân sinh viên tuổi 25

Mùa tuyển sinh năm nay, Nguyễn Thị Tú Anh (sinh năm 1998) có lẽ là một trong những tân sinh viên nhiều tuổi nhất của Đại học Kinh tế Nghệ An.

Cách đây 3 năm, Tú Anh từng là cựu học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật. Học xong lớp 12, dù thi tốt nghiệp THPT với số điểm khá cao nhưng em gác ước mơ vào đại học. Ba năm vừa qua cũng là một quãng thời gian đặc biệt của em bởi từ một học sinh có hoàn cảnh éo le, bị tật nguyền, em đã tự vươn lên, tự học để làm một giáo viên dạy tiếng Trung. Số tiền kiếm được, ngoài để lo lắng cho gia đình, em gom góp để có tiền vào đại học.

Tú Anh tự học và nay có thể dạy Tiếng Trung để có kinh phí vào đại học.jpg
Tú Anh bị tật nguyền từ nhỏ và để có thể đứng thẳng, em phải sử dụng chiếc nẹp để nẹp vào chân. Ảnh: NVCC

Nơi sinh sống của mẹ con Tú Anh là ở ngôi nhà cấp 4 gần đường Bùi Thị Xuân, phường Trung Đô, thành phố Vinh, trên thửa đất được ông bà ngoại cho. Lối vào nhà, chỉ có một con đường nhỏ rộng chừng 1 mét, đủ cho hai người đi ra đi vào. Ngôi nhà sơ sài, chỉ có duy nhất một phòng ngủ, một phòng khách và 1 chái bếp nhỏ cũng là do chính quyền hỗ trợ xây dựng dành cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn.

Điều kiện sinh hoạt chật hẹp nên phòng khách cũng chính là phòng ngủ. Trên tấm đệm sơ sài, hằng ngày Tú Anh đặt một chiếc bàn xếp nhỏ để làm nơi dạy học tiếng Trung cho các học trò. Vì điều kiện khó khăn, nên mỗi buổi học, Tú Anh cũng chỉ kèm được tối đa từ 1 đến 2 bạn.

z4658547169675_47793919cc69776b04fbc00170adce98 (1).jpg
Công việc hằng ngày nuôi sống Yến và gia đình lấy từ tiền làm gia sư tiếng Trung và trợ giảng ở một trung tâm ngoại ngữ. Ảnh: Mỹ Hà

Ở khối phố nơi gia đình Tú Anh ở, nhắc đến hoàn cảnh 4 mẹ con ai cũng thương. Nhà Tú Anh có 3 chị em, thì cả 3 đều bị tật nguyền, di chứng nhiễm chất độc da cam từ ông ngoại. Ngay cả mẹ Tú Anh cũng bị tật nguyền từ nhỏ, người gầy gò ốm yếu.

Mấy năm trước, khi còn sức khỏe, hàng ngày bà còn nhúc nhắc đạp được xe lên chợ ga để buôn bán củ khoai, củ sắn kiếm đồng ra đồng vào. Nhưng cách đây mấy năm, sau một lần bị tai nạn, người bà yếu hẳn, không còn đi chợ được nữa. Cuộc sống của mấy mẹ con trông chờ vào khoản trợ cấp dành cho người khuyết tật, chưa nổi 2 triệu đồng/tháng.

Bà Hoa - mẹ Tú Anh còn kể rằng, khi bà mới sinh ra gia đình đã biết là bị di chứng chất độc da cam. Nhưng vì bố bà mất hết giấy tờ, nên sau này bà và các con đều thiệt thòi không được hưởng chế độ. Cuộc đời bà cũng long đong, lận đận. Lấy chồng có với nhau mấy mặt con nhưng chẳng sống với nhau được bao lâu. Hai người chia tay, các con hầu như không còn liên lạc với bố. Sau này, bố mẹ cho mảnh đất nhỏ, mấy mẹ con dắt díu nhau về ngoại sống.

z4658549060905_f7f66cc01ecf68aad997892905e7025f.jpg
Tú Anh và mẹ trong ngôi nhà cũ kỹ. Ngoài làm gia sư, Tú Anh còn tự học nghề móc len để làm hàng thủ công. Ảnh: Mỹ Hà

Điều kiện gia đình khó khăn nên cả nhà bà Hoa chẳng ai học được đến nơi đến chốn. Trong đó, con gái đầu mới học đến lớp 9 thì bỏ học vào Nam làm công nhân. Đứa út, cũng chỉ học xong tiểu học rồi nghỉ học. Người ham học nhất là Tú Anh nhưng do bệnh tật, yếu ớt từ nhỏ, gia đình lại quá nghèo nên cũng 10 tuổi mới vào được lớp 1. Nhớ lại kỷ niệm đó, Tú Anh nói rằng: Em rất thích được đi học và háo hức được đến trường. Em nhớ, buổi học đầu tiên, mẹ em hẹn đi chợ lấy hàng về rồi sẽ đưa em sang trường. Vậy mà hơn 5 giờ sáng em đã cắp sách tự đi học.

Được đi học là hạnh phúc lớn nhất của Tú Anh. Thế nên, những năm tháng phổ thông, dù lớn tuổi hơn các bạn cùng lớp, việc đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng Tú Anh dường như chưa nghỉ học một buổi nào. Cô bé cũng rất lạc quan nên tuy so với các bạn em bị chậm hơn nhiều năm nhưng chưa bao giờ Tú Anh bi quan. Ngược lại, càng khó khăn, gian nan, Tú Anh lại tự nhủ mình phải cố gắng, để trước tiên là tự lo được cho bản thân rồi sau đó còn lo cho mẹ, cho em.

Trong những năm học phổ thông, Tú Anh tham gia một khóa học 6 tháng ở một trung tâm tiếng Trung và đạt chứng chỉ HSK5. Nhờ có vốn tiếng Trung khá tốt nên sau này trung tâm tạo điều kiện để Tú Anh trợ giảng và hỗ trợ kèm cặp riêng cho một số học viên mới vào học.

Thời gian còn lại, Tú Anh nhận gia sư ở nhà. Trước đó, những năm còn học phổ thông, gia sư cũng là công việc được Tú Anh làm thường xuyên như dạy các học sinh ở tiểu học, THCS. Ngoài ra, em còn nhận kèm cặp một số bạn học yếu ở lớp.

bna_Trước khi trở thành sinh viên, Tú Anh đã là một giáo viên Tiếng Trung được nhiều học viên yêu quý. Ảnh - Mỹ Hà.jpg
Trước khi trở thành sinh viên, Tú Anh đã là một giáo viên tiếng Trung được nhiều học viên yêu quý. Ảnh: Mỹ Hà

Nữ sinh này cho biết, ước mơ lớn nhất của em là sẽ vào học một trường ngoại ngữ để nâng cao trình độ tiếng Trung. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, em không thể ra Hà Nội học, ở Vinh lại chưa có một trường học nào đào tạo chuyên ngành này. Vì thế, Tú Anh chọn Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, chuyên ngành kế toán để thực hiện ước mơ của mình.

Em nghĩ 4 năm tới sẽ rất khó khăn. Nhưng nếu mình không cố gắng, thì 4 năm sẽ trôi qua vô nghĩa và mình sẽ không có gì trong tay cả. Thay vì ngồi than vãn, em muốn tự đứng lên bằng đôi chân của mình, dù có thể đôi chân ấy không lành lặn".

Nguyễn Thị Tú Anh - Tân sinh viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

Vào đại học để thay đổi cuộc đời

Cách đây 3 năm, khi mới vào học lớp 10 tại Trường THPT Nghi Lộc 5, Nguyễn Xuân Chiến chưa bao giờ nghĩ mình sẽ vào đại học. Nhà Chiến ở xóm 19, xã Nghi Văn, thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay. Bố Chiến bỏ đi khi mẹ Chiến vừa sinh em bé thứ hai.

Nhiều năm qua, một mình mẹ Chiến làm ruộng, nuôi hai anh em, thu nhập chỉ chưa đến 2 triệu đồng/tháng. Số tiền ít ỏi này, chi phí cho cuộc sống hàng ngày đã khó chứ chưa nói để lo cho Chiến vào đại học "Ngày trước, em chỉ nghĩ mình cố gắng học xong có bằng tốt nghiệp rồi sẽ đi làm công nhân, sớm có tiền đỡ đần cho mẹ, cho em", Chiến kể.

z4587562733198_1ce8147d06701c514ee954a96b7e5dfe.jpg
Ba mẹ con Chiến sống ở xã Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc) trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp. Ảnh: Mỹ Hà

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Chiến rất thông minh, chịu khó. Những năm học THCS, Chiến từng nhiều lần đạt học sinh giỏi huyện. Lên THPT, với lợi thế của mình, Chiến cũng được thầy cô chọn vào Đội tuyển học sinh giỏi môn Toán. Năm lớp 12, Chiến tham dự Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh và đem giải Ba về cho nhà trường.

Bước ngoặt này, đã giúp Chiến thay đổi suy nghĩ của mình. Khát khao lớn nhất của Chiến bây giờ không phải là đi làm công nhân, đi xuất khẩu lao động mà em muốn vào đại học, có tầm bằng tử tế và sau đó có việc làm ổn định. Trong lúc khó khăn đó, thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Văn Lý là người đã kết nối và đưa em đến với học bổng "Thắp sáng niềm tin".

17 năm qua, có người bảo 2 anh em học hết cấp III thì đi làm, giúp mẹ; có người thì bảo nếu mà 2 anh em học được, thi điểm cao thì cố vào mấy trường quân đội để mẹ đỡ vất vả; Nhưng, dù em ích kỷ một chút nhưng em thực sự vẫn muốn theo thế mạnh của mình là các ngành thuộc khối Tự nhiên nên em vẫn luôn cố gắng từng ngày. Những kết quả đã đạt được làm cho em rất vui và em càng có động lực cố gắng học tập để thoát nghèo, để gia đình em có cuộc sống dễ chịu hơn".

Nguyễn Xuân Chiến viết trong lá đơn xin học bổng "Thắp sáng niềm tin".

z4658560236902_6881cd6eb414801444ec862cc666564a.jpg
Nguyễn Xuân Chiến cùng mẹ và thầy giáo chủ nhiệm trong lễ tốt nghiệp lớp 12. Ảnh: NVCC

Với kết quả nhiều năm liền là học sinh giỏi, giải Ba học sinh giỏi tỉnh môn Toán và điểm thi đánh giá năng lực khá cao, trước khi có kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Chiến đã có thông báo trúng tuyển vào ngành An toàn thông tin – Học viện Bưu chính viễn thông.

Trong thời gian chờ kết quả xét tuyển học bổng, hàng ngày Chiến đi hơn 20km vào TP. Vinh để xin làm phục vụ ở quán cà phê. Số tiền lương ít ỏi có được, em cố gắng không chi tiêu để dành đóng học phí nhập học.

Sau nhiều nỗ lực, tin vui cũng đã đến với Chiến khi cuối tháng 7, em nhận được kết quả được xét duyệt hồ sơ và học bổng "Thắp sáng niềm tin" được trao hàng năm sẽ giúp Chiến trang trải toàn bộ học phí và một phần sinh hoạt trong 4 năm học tập tại Hà Nội.

Tân sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông cũng chia sẻ nhiều ước mơ, hoài bão và tự hứa sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng để sớm tốt nghiệp, có công việc ổn định, giúp đỡ gia đình và giúp đỡ nhiều bạn học khác có hoàn cảnh tương tự để cùng vươn lên, chiến thắng nghịch cảnh.

Mỹ Hà