V. League 2023 - 2024: Thực lực và tham vọng mới

Bùi Hoa 04/09/2023 08:55

(Baonghean.vn) - Ngay sau mùa giải 2023 thi đấu 2 giai đoạn vừa kết thúc, các đội V.League1, 2 đang ráo riết bổ sung, xây dựng lực lượng, sẵn sàng cho một mùa giải mới với nhiều điều mới mẻ, tiến bộ ở phía trước.

Như nhiều người đã biết, theo kế hoạch đặt ra, V.League 2023-2024 sẽ khởi tranh từ ngày 20/10/2023-6/7/2024, nghĩa là vắt qua 2 năm như cách làm lâu nay của bóng đá thế giới.

IMG_9140-2.jpeg

Trên thực tế, một cuộc di chuyển hàng loạt theo nhiều hướng khác nhau, bến đỗ khác nhau đã diễn ra từ lâu nay. Các đội Bình Định, Đà Nẵng thay thế huấn luyện viên cũ và sẽ gấp rút bổ sung ban huấn luyện mới. Đội vô địch V.League 2023 Công an Hà Nội vốn thay đổi vị trí này xoành xoạch, tới đây, hẳn sẽ tìm kiếm một chiến lược gia tương xứng đáp ứng nhiệm vụ, bên cạnh một số vị trí đang được coi là chưa cân sức, cân tài với đồng đội.

Biến động lớn nhất là dòng cầu thủ đi, đến từ các đội bóng. Các đội bóng sống dựa vào nhà tài trợ, vốn đang gặp khó như Bình Định, Sông Lam Nghệ An… đang “cho phép” nhiều cầu thủ giỏi trụ cột chuyển đi, bên cạnh các cầu thủ hết hợp đồng, để dành chỗ cho các cầu thủ trẻ, lương thưởng và chế độ “vừa sức”. Hai đội bóng có thực lực như Nam Định (từ mùa trước nay vẫn duy trì) và Bình Dương (mới nổi trở lại) cũng cho phép thay thế nhiều cầu thủ cũ được coi là không phù hợp, săn tìm những nhân tố mới tiềm năng để phục vụ cho tham vọng mới…

Trước đây, cụm từ “chảy máu tài năng” thường được gắn với quá trình chuyển nhượng cầu thủ của Sông Lam Nghệ An, nhưng hiện nay, điều này đang “vận” vào nhiều đội bóng khác. Hoàng Anh Gia Lai không nghèo, nhưng không có tham vọng như xưa, rốt cuộc thì quá trình “tan đàn, sẻ nghé” cũng diễn ra như đã biết. Ngay cả “nhà giàu mới nổi” Bình Định dạo nào với việc mua sắm cả loạt thầy giỏi, trò giỏi cũng đến hồi “kêu cứu” và đến giờ thì cả thầy giỏi lẫn trò giỏi cũng lần lượt rời đi, như cách của ông Đức Thắng, ngoại binh Rafaelson, thậm chí đến cả Văn Lâm cũng đang rục rịch… Thanh Hóa đang được coi là thành công dưới thời ông Popov, nhưng rồi đội bóng cũng không giữ được Minh Tùng hay Thành Long…

Nói cho cùng, quy luật “nước chảy chỗ trũng” hay “không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền” đang hiện hình ngày một rõ ở V.League. Ngọc Hải không đến Công an Hà Nội hay Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mà chọn Bình Dương rủng rỉnh hầu bao là một ví dụ thơm lừng. Không ngẫu nhiên mà cả loạt tuyển thủ quốc gia lại “hội quân” ở Công an Hà Nội. Nhìn ra thế giới thì điều này càng không thể nói gì thêm vì họ làm việc này hàng ngày như đi chợ với mức giá ngày một cao chót vót. Chuyện cầu thủ “trăm triệu Bảng” không còn khiến ai bất ngờ, choáng váng dù chất lượng đáp ứng thì luôn luôn là dấu hỏi to tướng?

Tất nhiên, những chuyển động theo hướng tích cực, rầm rộ nói trên ở V.League là điều đáng mừng, đáng chờ đợi. Chất lượng cầu thủ và tham vọng của họ, việc sử dụng VAR, tăng số lượng cầu thủ Việt kiều, cầu thủ trẻ… là những yếu tố đảm bảo chất lượng giải đấu. V.League không chỉ là câu chuyện quẩn quanh của 3 đội bóng Thủ đô mà tới đây có thể thêm cả Bình Dương hay Nam Định?

Khán giả hâm mộ sẽ có nhiều lựa chọn để theo dõi dù phải trả tiền mới có cơ hội, bóng đá chuyên nghiệp lương thưởng chót vót nên chuyện miễn phí, phát sóng truyền hình quảng bá sẽ lùi về dĩ vãng. Một số sân vận động sẽ vãn khán giả so với truyền thống như Nam Định, Vinh, Pleiku, Quy Nhơn… Đáng lo là nhà tài trợ, doanh nghiệp có vẻ không mấy quan tâm tới mối bức xúc của người hâm mộ, mà câu chuyện ở Nam Định là minh chứng chẳng mấy vui vẻ. Quá trình thi đấu lượt đi, lượt về dài đằng dặc cũng có thể là “đất diễn”, “đất sống” cho nhiều biểu hiện nghiệp dư nào đó còn sót lại, nhất là những liên minh ma quỷ, những màn đánh hội đồng…

Mặc dù vậy, theo ông Bandovic- huấn luyện viên trưởng Hà Nội FC, người từng được bầu chọn xuất sắc nhất ở V.League và Thai League, dù có nhiều điểm tốt nhưng V.League vẫn thấp thua chất lượng so với người hàng xóm Thái Lan, nhất là việc họ thi đấu 3 giải (Việt Nam chỉ 2 giải, Vô địch Quốc gia và Cúp Quốc gia), cho phép đăng ký 6 cầu thủ thế giới, 1 cầu thủ châu Á, 3 cầu thủ Đông Nam Á. V.League hiện tại chỉ cho phép đăng ký 3-4 ngoại binh, 1 cầu thủ nhập tịch và 1 cầu thủ Việt kiều. Trong môi trường thi đấu hiện tại, rõ ràng sức hấp dẫn, sự cạnh tranh và cuối cùng là chất lượng trận đấu, giải đấu của V.League vẫn là điều còn nhiều băn khoăn, cải tiến, nâng cấp nhiều hơn.

Để thấy, dù có tăng tốc, nâng cao chất lượng thì V.League vẫn có nhiều điểm đi sau thế giới, sau khu vực dù khoảng cách đang dần được rút ngắn. Điều được hy vọng nhất là quá trình làm việc của ông Philippe Troussier cùng U23 và Đội tuyển Việt Nam sẽ thực sự truyền lửa cho quá trình phấn đấu của từng cầu thủ, lan tỏa ra từng đội bóng, thiết thực phục vụ mục tiêu World Cup khó khăn mà bóng đá Việt đang đặt ra nghiêm túc, có cơ hội hiện thực hơn bao giờ hết. V.League 2023-2024 đáng nói, đáng chờ đợi chắc chắn là ở nguyên nhân sâu xa và cụ thể đó?

Bùi Hoa