Bí đầu ra, một số doanh nghiệp sản xuất xi măng tại Nghệ An hoạt động cầm chừng

Văn Trường 08/09/2023 10:33

(Baonghean.vn) - Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp sản xuất xi măng tại địa bàn Nghệ An phải đối mặt với bối cảnh tiêu thụ nội địa giảm, xuất khẩu khó khăn dẫn đến tình trạng kinh doanh sụt giảm, thua lỗ.

2A0A3D98-FAA5-451C-9157-48E568167062.jpeg
Nhà máy Xi măng Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu hiện đang tạm dừng sản xuất clinker. Ảnh: Văn Trường

Khó tiêu thụ sản phẩm

Ngành xi măng Nghệ An đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, không ít nhà máy phải tạm dừng lò hoặc giảm sản lượng. Như Nhà máy Xi măng Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu có công suất hoạt động 2 triệu tấn sản phẩm/năm, hoạt động từ đầu năm 2020. Đây là nhà máy được đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho gần 400 lao động. Tuy nhiên, đầu năm 2023 đến nay, nhà máy phải hoạt động cầm chừng.

Đại diện Nhà máy Xi măng Tân Thắng cho biết: Từ đầu năm 2023, tình hình tiêu thụ rất khó khăn, do đó, nhà máy phải tạm dừng hơn 3 tháng. Tính đến thời điểm này, nhà máy mới tiêu thụ được trên 200.000 tấn clinker, xi măng tiêu thụ được trên 300.000 tấn, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, sản phẩm clinker còn tồn bãi hàng trăm tấn, nhà máy đã cho dừng lò hẳn. Đối với sản phẩm xi măng khi có đơn hàng thì mới sản xuất, bởi nếu sản xuất ra không tiêu thụ được, để hàng trong kho lâu ngày sẽ bị hư hỏng.

Nguyên nhân bế tắc đầu ra là do thị trường clinker xuất bán sang Mỹ suy giảm, thị trường xi măng nội địa cũng khó tiêu thụ. Gần 400 lao động mặc dù công việc không ổn định nhưng nhà máy vẫn phải giữ chân và cho hưởng 70% mức lương.

bna_van truong 2.jpeg
Một số đại lý bán hàng vẫn đang tồn kho xi măng. Ảnh: Văn Trường

Cũng nằm trong tình trạng trên, thời gian qua, Nhà máy Xi măng Hoàng Mai cũng suy giảm sản lượng tiêu thụ. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, nhà máy chỉ tiêu thụ được trên 1 triệu tấn sản phẩm, bao gồm xi măng trên 800.000 tấn, trên 125.000 tấn clinker, sản phẩm tiêu thụ giảm gần 15% so với cùng kỳ năm 2022. Giá xi măng xuống thấp, từ 50 USD/tấn giảm xuống còn 47 USD/tấn.

Nguyên nhân tiêu thụ khó khăn bởi thị trường xuất khẩu của Nhà máy Xi măng Hoàng Mai là Philippines vẫn duy trì mức giá thấp do cạnh tranh về giá giữa các nhà xuất khẩu. Nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm, khách hàng clinker dừng nhận hàng từ ngày 20/3 đến nay và dự kiến chưa có kế hoạch nhận hàng. Chưa kể, có nhiều nhà máy xi măng ở các tỉnh chào bán sản phẩm thấp hơn so với Nhà máy Xi măng Hoàng Mai nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến khâu tiêu thụ.

Giải pháp tháo gỡ

Đại diện Nhà máy Xi măng Tân Thắng cho biết: Để vượt qua khó khăn, khắc phục những yếu tố bất lợi của thị trường, ban lãnh đạo Nhà máy tiếp tục nghiên cứu, áp dụng công nghệ và đẩy mạnh đầu tư để hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ; tập trung phát triển thị trường nội địa, trong đó, chú trọng phát triển gia tăng thị phần tại thị trường khu vực miền Trung và phát triển thị trường phía Nam…

Với Nhà máy Xi măng Hoàng Mai, thời điểm này đang thực hiện một số giải pháp như: Giảm công suất sản xuất xi măng, tiếp cận các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh để cung cấp xi măng, tìm kiếm một số thị trường nội địa và các nước để xuất khẩu. Cùng với đó, thường xuyên tổng hợp, phân tích đánh giá thị trường, nâng cao năng lực dự báo, xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Hiện toàn tỉnh có 4 nhà máy xi măng , sản lượng xi măng theo thiết kế đạt 7,8 triệu tấn/năm, gồm: Nhà máy Xi măng Sông Lam (Đô Lương) công suất 4 triệu tấn/năm, Nhà máy Xi măng Hoàng Mai 1,4 triệu tấn/năm, Nhà máy Xi măng Sông Lam 2 (Anh Sơn) công suất 0,6 triệu tấn/năm, Nhà máy Xi măng Tân Thắng công suất 1,8 triệu tấn/năm.

Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp xi măng trên địa bàn Nghệ An gánh áp lực lớn khi tiêu thụ xi măng giảm, giá bán giảm, nhưng giá vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng, hoặc đang ở mức cao, khiến hiệu quả sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng.

8 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh sản xuất được trên 6,2 triệu tấn xi măng, giảm trên 300.000 tấn so với cùng kỳ, clinker sản xuất được trên 5,3 triệu tấn, giảm trên 310.000 tấn so với cùng kỳ.

bna_van truong 23.jpeg
Các công trình Nhà nước và dân sinh xây dựng ít hơn các năm trước nên tiêu thụ xi măng khó khăn. Ảnh: Văn Trường

Trước diễn biến khó khăn còn tiếp diễn, Sở Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp ngành xi măng phải theo dõi sát tình hình thị trường, tìm các giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt như tìm kiếm các thị trường để xuất khẩu. Nghệ An cần đẩy nhanh phát triển đầu tư công, cũng như phát triển nông thôn mới nâng cao giúp các nhà máy tiêu thụ sản phẩm xi măng.

Văn Trường