Thấp thỏm nỗi lo từ những tuyến đê xuống cấp
(Baonghean.vn) -Mùa mưa bão cận kề, người dân nhiều địa phương ở các huyện ven cửa sông, cửa biển Nghệ An lại canh cánh nỗi lo, do còn nhiều tuyến đê xung yếu xuống cấp nghiêm trọng chưa được đầu tư, sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Khả năng đảm bảo an toàn chống lũthấp
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai... nhiều tuyến đê chống lũ sau nhiều năm vận hành, đến nay đang xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi mùa mưa lũ đến.
Men theo những đầm tôm, chúng tôi có mặt tại tuyến đê sông Mai Giang đi qua xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu). Hiện nhiều đoạn, mặt cắt đê bị biến dạng, mái đê bị sạt lở, đỉnh đê bị bào mòn.
Ông Trần Minh- một hộ nuôi tôm ở xã Quỳnh Thanh chia sẻ: "Cứ mỗi mùa mưa bão, bà con xã Quỳnh Thanh chúng tôi lại bất an, lo lắng không yên, khi nước lũ lên ngập cả nhà cửa, đầm tôm, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. Mong muốn lớn nhất của bà con là được các cơ quan chức năng đầu tư nâng cấp tuyến đê kiên cố".
Ông Hồ Xuân Xuyên - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh cho biết: Đê sông Mai Giang đi qua địa bàn xã với chiều dài 3,2 km. Hệ thống đê này có vai trò rất quan trọng, bảo vệ cho 75 ha tôm của xã Quỳnh Thanh và hàng ngàn hộ dân của các xã lân cận như Quỳnh Thạch, Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu. Thế nhưng, hiện nay, hầu hết đều đã xuống cấp, hiện có 3 vị trí bị sạt lở. Có những thời điểm lũ lớn vượt tràn qua mặt đê sông Mai Giang gây ngập úng lên cả Quốc lộ 1A đoạn qua xã Quỳnh Thạch.
Tương tự, dọc tuyến đê sông Thái đi qua các xã Quỳnh Diện, Quỳnh Hưng, Quỳnh Hồng… cũng xuống cấp nặng; một số đoạn qua xã Quỳnh Diện không có bờ đê ngăn lũ. Chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài là nước sông Thái dâng cao ngập cả vào ruộng đồng, nhà cửa của người dân.
Theo báo cáo của UBND huyện Quỳnh Lưu: Hệ thống đê sông trên địa bàn huyện dài trên 50 km, trong đó, bao gồm hệ thống đê sông Thái, đê sông Mơ, đê kênh tiêu Bến Hải, đê sông Hàu. Hiện trạng các đê sông trên chủ yếu đắp bằng đất chưa có gia cố, chỉ chống chịu được triều cường và bão cấp 6, cấp 7, nước sông cao đến 2,5m.
Nhằm từng bước kiên cố hóa bờ đê, từ năm 2020 đến nay, lồng ghép từ các nguồn vốn, huyện Quỳnh Lưu đã nâng cấp được 5 km đê sông Thái tại 2 xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Hồng. Năm 2021 đến nay, huyện Quỳnh Lưu tiến hành nâng cấp 5 km tuyến đê sông Mai Giang đi qua các xã Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng. Theo đó, tuyến đê được kè đá, có tường chắn, đường bê tông trên thân đê, hiện nay đã đạt khối lượng trên 80%.
Với hệ thống đê biển, huyện Quỳnh Lưu có trên 20 km, mới được nâng cấp hơn 5 km, hiện tại còn hơn 15 km đê biển xuống cấp cần được sửa chữa.
Cũng nằm trong tình trạng trên, địa bàn huyện Diễn Châu hiện có hơn 45 km đê sông, tập trung ở các xã Diễn Hoa, Diễn Quảng, Diễn Bình, Diễn Thái hầu hết chưa được nâng cấp, sửa chữa. Ngoài ra, huyện còn có hơn 15 km đê biển, nhưng chỉ mới nâng cấp được 7 km, còn lại là hư hỏng.
Ứng phó trong mùa mưa lũ
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi, Nghệ An có hệ thống đê cửa sông với chiều dài 129,19 km, các tuyến đê này có nhiệm vụ chống lũ vùng các cửa sông Mai Giang, sông Hoàng Mai, sông Thái, sông Bùng. Ngoài ra, Nghệ An còn có 41,783 km đê biển từ xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu đến Cửa Hội (phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò).
Trong những năm gần đây, nhiều tuyến đê xung yếu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được đầu tư tu bổ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phòng, chống lũ. Tuy nhiên, việc đầu tư chưa được đồng bộ, khép kín nên vẫn còn hơn 100 km đê sông, hơn 10 km đê biển chưa bảo đảm chống lũ theo cao trình thiết kế; trong đó, nhiều đoạn có nền đê yếu, xảy ra sạt trượt khi có mưa lũ, trong thân đê ẩn chứa nhiều ẩn họa như tổ mối, hang chuột...
Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, Chi cục Thủy lợi khuyến cáo các địa phương rà soát, xác định vị trí hư hỏng để có phương án phối hợp kịp thời trong các đợt dự báo có mưa lớn; có phương án di dời đảm bảo an toàn cho người dân. Chuẩn bị sẵn sàng phương án “4 tại chỗ" vật tư, nhân lực, phương tiện để xử lý sự cố khi cần thiết. Cụ thể là chuẩn bị tập kết đá, cọc tre, bao cát để sẵn sàng ứng phó khi thân đê bị vỡ.
Các địa phương tăng cường lực lượng kiểm tra, canh gác phát hiện sớm những sự cố đê điều để xử lý, ứng cứu ngay từ giờ đầu, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu. Xây dựng các kịch bản, phương án, tổ chức huy động lực lượng kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả, đảm bảo sớm ổn định đời sống sản xuất và tái thiết sau thiên tai.
Đồng thời, các địa phương tập trung đôn đốc các nhà thầu thi công các công trình đang dang dở, đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là các hạng mục chống lũ, bảo đảm chất lượng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật để kịp thời đưa vào phục vụ phòng, chống lụt bão năm 2023.