Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Kỳ vọng bước ngoặt đột phá

Chi Nguyễn 10/09/2023 10:16

(Baonghean.vn) - 28 năm không phải là quãng đường dài trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, song những gì hai nước đạt được đã kiến tạo nền móng cho giai đoạn mở đường và được kỳ vọng sẽ tiến xa hơn nữa trong thời gian tới.

Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam vào ngày 10-11/9/2023 không chỉ là cơ hội để hai bên đánh giá lại chặng đường đã qua, mà còn định hướng tạo đột phá cho quan hệ song phương.

Những dấu ấn đặc biệt

Cách đây hơn một phần tư thế kỷ, đêm 11/7/1995 (giờ Hoa Kỳ), rạng sáng ngày 12/7/1995 (giờ Việt Nam), Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Không ai có thể tưởng tượng rằng, hai quốc gia từng là kẻ thù không đội trời chung, có thể khép lại quá khứ đau thương, cùng nhau bước sang một chương mới trong lịch sử hai nước. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt, vượt lên trên kỳ vọng của người ngoài cuộc và trong cuộc. Từ đây, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có những bước tiến xa với dấu mốc đáng nhớ là việc hai bên nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác toàn diện vào năm 2013. Đây là “khung” đầu tiên được thiết lập giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ, đặt ra các khuôn khổ cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực và theo nguyên tắc cơ bản, như tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Theo các nhà quan sát, 10 năm qua là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất, toàn diện nhất, sâu sắc nhất trong mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ kéo dài gần 3 thập niên.

Viet My.JPG
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã tiến những bước dài.

Thực tế, sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, các đời Tổng thống Hoa Kỳ dù thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa đều chọn Việt Nam là điểm đến trong các chuyến thăm nước ngoài. Điều đó cho thấy sự đồng thuận lớn giữa hai đảng trong việc coi trọng mối quan hệ với Việt Nam. Từ chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Bill Clinton năm 2000, đến những chuyến thăm sau đó của Tổng thống George W.Bush, Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Donald Trump đều thúc đẩy quan hệ hai nước xích lại gần hơn.

Về phía Việt Nam, tháng 6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống George W.Bush. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Việt Nam thăm Hoa Kỳ sau chiến tranh. Trong những năm trở lại đây, hai nước đã có một loạt cuộc tiếp xúc cấp cao thông qua các chuyến thăm ngoại giao và các cuộc tiếp xúc bên lề cả tại khu vực và trên đất Hoa Kỳ. Đáng chú ý nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng - lần đầu tiên và là chuyến thăm lịch sử của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi đó, hai bên ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung, nhấn mạnh khuôn khổ hợp tác ổn định lâu dài, cùng có lợi, và nhấn mạnh các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ, trong đó có nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Có thể nói, trong các mối quan hệ song phương giữa các quốc gia, hoạt động ngoại giao cấp cao luôn đóng vai trò quan trọng nhất giúp định hình mức độ hợp tác và gắn kết cũng như tầm quan trọng của mỗi bên. Các chuyến thăm giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đã giúp tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong thời gian qua.

Thành tựu nổi bật

Khi ngoại giao đã “mở lối”, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được tạo đà cho những hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các kết quả nổi bật trong thập niên qua. Hợp tác về kinh tế luôn là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Qua 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 5 lần, từ 25 tỷ USD năm 2012 tăng lên gần 139 tỷ USD năm 2022; Việt Nam đã vươn lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ trên toàn thế giới. Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam liên tục tăng và đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng đang trở thành xu thế.

Các lĩnh vực khác cũng có những hợp tác tích cực, trong đó có điểm sáng trong lĩnh vực giáo dục. Hàng năm, có khoảng 23.000 đến 25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ; trước đại dịch Covid-19, có năm đã đạt hơn 31.000 sinh viên. Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới về số lượng sinh viên theo học ở Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực du lịch, khách từ “xứ cờ hoa” luôn duy trì trong tốp 5 số lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Hoa Kỳ đã tích cực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực lực lượng cảnh sát biển, hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế của Việt Nam. Việt Nam, Hoa Kỳ cùng các nước tích cực hợp tác duy trì tự do hàng hải và thực thi Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc UNCLOS 1982 tại khu vực Biển Đông. Hoa Kỳ cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc chống lại biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhiều chương trình y tế và sức khỏe tại Việt Nam.

Vinfast.jpg
Năm 2021, VinFast đưa vào hoạt động trụ sở chính của chi nhánh Hoa Kỳ. Ảnh: Vingroup

Trong 10 năm Đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển tất cả các mặt, từ chính trị, kinh tế tới xây dựng lòng tin, tạo dựng môi trường hợp tác cùng có lợi trong không gian chung ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN vì hòa bình và thịnh vượng chung.

Niềm tin vào tương lai

Gần ba thập kỷ trôi qua, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã tiến những bước dài không chỉ trên các lĩnh vực hợp tác được nhìn nhận bằng những con số, mà điều quan trọng là niềm tin giữa hai bên đã được củng cố, sự tôn trọng thể chế lẫn nhau được đề cao. Đây là nền tảng quan trọng để quan hệ hai nước tiến xa hơn, nhất là khi dư địa cho sự hợp tác là không hề nhỏ.

Các chiến lược, chính sách và quan điểm của cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều đặt trọng tâm mối quan hệ song phương này trong tổng thể phát triển của hai nước trong tương lai. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nêu rõ rằng Việt Nam và quan hệ đối tác với Việt Nam đóng vai trò trọng tâm trong cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực quan trọng này.

Hồi tháng 3, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai nước đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ. Theo các chuyên gia, thương mại và đầu tư vẫn là cốt lõi của mối quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ. Hoa Kỳ muốn tìm chuỗi cung ứng chất bán dẫn an toàn và linh hoạt từ Việt Nam, còn Việt Nam tìm kiếm nguồn đầu tư lớn hơn và tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen dường như củng cố cam kết của Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam cải cách kinh tế và hội nhập toàn cầu, thúc đẩy chuyển dịch hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa, nhằm mang lại cho Việt Nam một vị trí đặc quyền trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ. Những cải cách của Việt Nam về lực lượng lao động được đào tạo, năng lượng xanh và nhà cung cấp có chuyên môn cao cũng đang mở ra cơ hội thu hút nhiều vốn FDI từ Hoa Kỳ hơn nữa.

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, với những tiến triển trong quan hệ giữa 2 nước Việt Nam - Hoa Kỳ, tuy chưa được gọi tên song “chất chiến lược” đã có. Bối cảnh trong nước và quốc tế nhiều thay đổi sau một thập niên đưa lại cơ hội cho cả hai nước, để cùng nhau tìm ra hướng hợp tác mới và định danh cho mối quan hệ nhiều triển vọng này.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam trong 2 ngày 10-11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Biden kể từ khi ông nhậm chức đầu năm 2021 và cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Chi Nguyễn