Ví nền kinh tế Thái Lan như ‘người ốm’, tân Thủ tướng Srettha hứa khẩn trương giải quyết các vấn đề

Hoàng Bách 11/09/2023 21:38

(Baonghean.vn) - Chính phủ của ông Srettha Thavisin hiện đang đối mặt với những yêu cầu phải giải quyết một loạt vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường trong nhiệm kỳ 4 năm của mình.

17090109_0-443-6000-3378.jpeg
Ông Srettha ví nền kinh tế hậu đại dịch của Thái Lan như “một người ốm”, với sự phục hồi chậm chạp khiến nước này “có nguy cơ rơi vào suy thoái”. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã cam kết sẽ nhanh chóng hành động để xoa dịu các vấn đề kinh tế của nước này. Đây là nội dung được ông đưa ra trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, sau 4 tháng bất ổn về chính trị khi các nghị sỹ không thể đi đến thống nhất về việc thành lập chính phủ.

Nền kinh tế Thái Lan đã suy thoái sau khi đại dịch Covid-19 gần như làm tê liệt ngành du lịch của nước này. Ông Srettha cho biết, nợ công đã tăng lên hơn 60% GDP vào năm 2023, trong khi nợ hộ gia đình tăng vọt lên hơn 90% GDP trong năm nay.

Hôm 11/9, ông Srettha ví nền kinh tế Thái Lan sau đại dịch như “một người ốm”, với sự phục hồi chậm chạp khiến nước này “có nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái”.

Ông cam kết sẽ nhanh chóng tiến hành các biện pháp để giảm bớt các vấn đề liên quan đến nợ, giảm thiểu chi phí năng lượng đang có chiều hướng tăng, đồng thời thúc đẩy du lịch…

Ông cũng nói rằng chính phủ của mình sẽ ngay lập tức hành động để thực thi một lời hứa trong chiến dịch tranh cử - đó là cấp 280 USD (10.000 baht) cho tất cả người Thái Lan từ 16 tuổi trở lên nhằm kích thích nền kinh tế bằng cách thúc đẩy chi tiêu ngắn hạn.

Tuy không nêu chi tiết, song tân Thủ tướng Thái Lan từng khẳng định, nội dung này sẽ tốn khoảng 15,8 tỷ USD (560 tỷ baht) và sẽ sẵn sàng thực hiện vào quý I năm sau.

Lời hứa trên đã thu hút được sự quan tâm lớn trong chiến dịch bầu cử, nhưng các nhà phê bình đã đặt dấu hỏi liệu nó có tác động mang tính bền vững hay không.

Sửa đổi hiến pháp

17030295_0-62-4000-2252.jpeg
Chính phủ mới của Thủ tướng Srettha đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Reuters

Các mục tiêu dài hạn được ông Srettha đề cập trong phát biểu của mình bao gồm thúc đẩy thương mại quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng giao thông, cải thiện sản xuất nông nghiệp, phân quyền cho chính quyền địa phương và tăng khả năng tiếp cận quyền sở hữu đất đai.

Chính phủ Thái Lan cũng sẽ tìm cách sửa đổi hiến pháp hiện hành do quân đội ban hành thông qua một quy trình cho phép sự tham gia của công chúng. Theo ông Srettha, những bước đi này sẽ tạo điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng và người dân có thể “sống đàng hoàng”.

Theo AP, các kết quả của các cuộc bầu cử tại Thái Lan hồi tháng 5 cho thấy yêu cầu mạnh mẽ cần phải thay đổi sau gần một thập kỷ dưới quyền kiểm soát của quân đội.

Nhưng Quốc hội Thái Lan đã không thành công trong việc ủng hộ một liên minh do đảng Tiến bước thành lập, dù đây là đảng giành được nhiều ghế nhất trong các cuộc bỏ phiếu hồi tháng 5. Lý do là bởi nhiều thành viên trong Quốc hội nước này không ủng hộ lời kêu gọi tiến hành một số thay đổi, cải cách đối với hoàng gia.

Sau đó, đảng Pheu Thai của ông Srettha, bên về nhì sát sao trong cuộc bầu cử, đã thành lập một liên minh cầm quyền mà không có sự góp mặt của đảng Tiến bước, và đã giành được sự ủng hộ của Thượng viện.

Tuy nhiên, đảng này thành công là nhờ đưa vào liên minh các đảng ủng hộ quân đội và một số đảng là thành viên của chính phủ tiền nhiệm, dù khi vận động tranh cử đã cam kết không làm như vậy.

AP cho rằng, thoả thuận trên đã khiến hoài nghi gia tăng về khả năng đảng Pheu Thai có thể hoàn thành những lời hứa tranh cử trong lúc phải dung hoà các đồng minh xuất thân từ nhiều phe phái chính trị.

Hoàng Bách