Tiếp nối hào khí trên quê hương Xô viết anh hùng
(Baonghean.vn) - Đã 93 năm đi qua với bao thăng trầm, cuộc sống trên những vùng quê Xô viết Nghệ Tĩnh năm xưa nay đã có rất nhiều đổi thay, khởi sắc. Tiếp nối hào khí của cha ông, thế hệ hôm nay nỗ lực chung sức, đồng lòng dựng xây quê hương giàu đẹp, cùng hướng tới tương lai tươi sáng.
Nơi một thời máu đổ
Có dịp ngược xuôi Quốc lộ 46, qua thị trấn Hưng Nguyên (Hưng Nguyên) hành khách ấn tượng với một quảng trường mới quy mô, cụm tượng đài khắc họa hình tượng những người nông dân vùng lên đấu tranh xóa bỏ cường quyền. Đó là Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh rộng gần 13 ha sắp sửa hoàn thành với mức đầu tư 245 tỷ đồng cho 25 hạng mục.
Ông Lê Thanh Hưng – Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện Hưng Nguyên cho biết: “Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh được xây dựng nhằm tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong ngày 12/9/1930. Đây sẽ là điểm sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương và là “địa chỉ đỏ” để du khách đến tham quan, tri ân tiền nhân đã ngã xuống vì quê hương, đất nước…”.
Theo tư liệu trên bia dẫn tích, vị trí quảng trường là nơi ghi dấu cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân huyện Hưng Nguyên và các vùng phụ cận trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931).
Đồng thời, là nơi chứng kiến tội ác tàn bạo của thực dân phong kiến. Vào sáng 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân thuộc 3 tổng: Phù Long, Thông Lãng (Hưng Nguyên) và Nam Kim (Nam Đàn) dưới sự lãnh đạo của Đảng, trang bị vũ khí thô sơ, giương cao cờ đỏ búa liềm kéo về phủ lỵ Hưng Nguyên.
Khi đoàn biểu tình vừa đến Thái Lão, thực dân Pháp cho máy bay ném bom vào giữa đám đông làm nhiều người chết và bị thương. Buổi chiều, khi nhân dân ra khâm liệm và mai táng những người hy sinh, máy bay Pháp lại ném bom một lần nữa. Cuộc khủng bố dã man đã làm 217 người chết, 125 người bị thương và hàng chục người bị bắt giam, gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế.
Trải qua 93 năm, hôm nay vùng quê Hưng Nguyên đã thực sự khởi sắc, cuộc sống đang đổi thay từng ngày. Thị trấn Hưng Nguyên ngày càng đông vui, nhộn nhịp với đủ các loại hình dịch vụ. Các làng quê cũng đã thực sự đổi thay với những ngôi nhà khang trang, những con đường rải nhựa và bê tông sạch, đẹp cùng những cánh đồng cho năng suất cao.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 14%, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp. Năm 2020, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ lệ 19,3%, đến năm 2023 ước giảm xuống còn 13,7%; ngành công nghiệp - xây dựng năm 2020 chiếm 44,7% đến năm 2023 chiếm 55,6%; ngành dịch vụ duy trì khá ổn định, dao động trong khoảng 35,9% - 30,7%.
Toàn bộ 17 xã đã về đích nông thôn mới, trong đó, có 3 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm…
Đặc biệt, trên địa bàn huyện Hưng Nguyên có Khu Công nghiệp VSIP thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế với số vốn lên đến hơn 250 triệu USD. Khu công nghiệp này đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, trong đó, người dân địa phương chiếm số lượng lớn.
Đồng thời, Khu Công nghiệp VSIP còn góp phần thay đổi diện mạo của vùng quê Hưng Nguyên và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của toàn tỉnh…
Dưới mái đình Võ Liệt
Từ huyện Hưng Nguyên, tiếp tục ngược Quốc lộ 46, chúng tôi lên với mảnh đất Võ Liệt (Thanh Chương), vùng quê một thời sục sôi phong trào đấu tranh trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 -1931, nay còn đó uy nghi ngôi đình Võ Liệt - chứng tích của thời “bão táp cách mạng”.
Sáng 1/6/1930, nhân dân đã tay gậy, tay cuốc tập trung tại đình Võ Liệt rồi kéo lên huyện đường đưa yêu sách. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, tri huyện Phan Thanh Kỷ phải chấp nhận bản yêu sách của quần chúng với lời hứa sẽ đệ trình lên quan trên xem xét, giải quyết.
Vào ngày 1/9/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, 2 vạn quần chúng đã vượt sông Lam sang bao vây huyện đường, khiến tri huyện, nha lại hoảng sợ. Trước sự tan rã của bộ máy hương hào ở địa phương, chi bộ Đảng đã họp ở đình Võ Liệt quyết định thành lập tổ chức Nông hội đỏ và công khai giải quyết mọi công việc như một chính quyền cách mạng. Đình Võ Liệt trở thành trụ sở làm việc của chính quyền Xô viết…
Như bao vùng quê khác, xã Võ Liệt nay đang vươn tới, đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Bùi Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND xã, Võ Liệt hiện có gần 11 nghìn dân, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm. Thu nhập của người dân Võ Liệt cơ bản vẫn là sản xuất nông nghiệp, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nên năng suất, sản lượng tăng cao, nguồn thu ngày càng ổn định.
Hệ thống kết cấu hạ tầng khang trang, đặc biệt là giao thông thuận lợi, tạo điều kiện để xã Võ Liệt phát triển kinh tế, dịch vụ. Xã có các tuyến Quốc lộ 46 và 46C đi qua, cách đường Hồ Chí Minh và Cửa khẩu Thanh Thủy không xa, là lợi thế hứa hẹn những nét khởi sắc mới và sự tăng tốc về đích nông thôn mới trong tương lai gần.
“Công trình trung tâm thương mại của xã được đầu tư quy mô và sắp sửa hoàn thành, các trường học trên địa bàn đều được xây dựng kiên cố, góp phần đưa xã Võ Liệt đứng tốp đầu toàn huyện về chất lượng giáo dục. Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc thẩm định các tiêu chí nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay”, Chủ tịch UBND xã Bùi Xuân Lĩnh cho biết.
Cùng với xã Võ Liệt, các địa phương khác của quê hương Thanh Chương đều đang chuyển mình mạnh mẽ trong các lĩnh vực phát triển. Kinh tế toàn huyện có mức tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 7,55%.
Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 47 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế đang chuyển mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; gặt hái được nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, huyện Thanh Chương đã xây dựng được một số sản phẩm có thương hiệu như chè công nghiệp, gà đồi, điểm du lịch sinh thái đảo chè…
Đầu Thu này, đi qua những vùng quê Xô viết Nghệ Tĩnh, chợt nhớ tới “Bài ca cách mạng” của Đặng Chánh Kỷ: “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/Nọ Thanh Chương tiếp bước, bước lên/Nam Đàn, Nghi Lộc, HưngNguyên/Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi…”. Nhờ có hào khí năm xưa, những vùng quê này đang trở mình, tiếp bước vươn lên trong cuộc sống mới, xứng đáng là quê hương Xô viết anh hùng./.