Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ mang lại cho Nga nhiều lợi ích
(Baonghean.vn) - Một số người đặt nhiều hy vọng vào chuyến thăm của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Nga. Những người khác, bao gồm cả đối thủ của Nga lại có những lo ngại thực sự. Moskva và Bình Nhưỡng có thể cung cấp cho nhau những lợi ích gì?
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến ga Khasan ở vùng Primorsky (Nga) vào sáng 12/9, và có thể đang trên đường đến thành phố cảng Vladivostok của Nga - nơi Tổng thống Vladimir Putin đang tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông.
Mỹ và đồng minh tuyên bố trừng phạt
Nhiều chuyên gia có xu hướng tin rằng, chủ đề trọng tâm của các cuộc đàm phán là sự đóng góp của Triều Tiên trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Nó có thể rất đa dạng. Một trong số đó là Triều Tiên sản xuất các hệ thống tên lửa phóng loạt, và hệ thống tên lửa tác chiến -chiến thuật tương tự của Liên Xô. Ngoài ra, kho vũ khí của Triều Tiên đang dự trữ một lượng lớn đạn cỡ nòng 100-152mm - loại đạn đang trở thành nhu cầu lớn ở mặt trận.
Nhiều ý kiến thậm chí không loại trừ chủ đề quân đội Triều Tiên sẽ cử tình nguyện viên tham gia mặt trận tại Ukraine. Thực tế, quân đội Triều Tiên được xem là một trong những lực lượng mạnh nhất trong khu vực, nhưng họ đã không chiến đấu trong hơn 70 năm qua. Điều đặc biệt quan trọng của Triều Tiên, quân đội nước này là một phần của quân đội kiểu Xô-Nga. Vậy nên, nếu thực sự có cử binh lính tình nguyện tham gia chiến đấu, thì dễ dàng quen với vũ khí và cơ hội thành công cao.
Tất nhiên, hơn ai khác, Mỹ là quốc gia đầu tiên thể hiện sự không hài lòng với những triển vọng như vậy. Không ít lần, Mỹ đưa ra những cáo buộc về việc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gọi thoả thuận bán vũ khí của Triều Tiên là “hành động tuyệt vọng” của Moskva, đồng thời cảnh báo “sự cô lập thậm chí còn lớn hơn đối với Nga và Triều Tiên”.
Mùa thu năm ngoái, tờ New York Times dẫn dữ liệu tình báo Mỹ cho rằng, Nga có thể đã mua hàng triệu đạn pháo và rocket từ Triều Tiên. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, để đổi lấy đạn dược, Nga rất có thể sẽ gửi lương thực cho Bình Nhưỡng. Một thoả thuận có thể xảy ra giữa Nga và Triều Tiên được cho là do nhà buôn vũ khí người Slovakia Asho Mkrtychev môi giới, dẫn đến việc ông này bị chính quyền Mỹ trừng phạt. Tháng 12 năm ngoái, Washington đã cáo buộc Bình Nhưỡng cung cấp tên lửa chiến đấu và rocket cho nhóm Wagner.
Trước những cáo buộc về việc “mua” và “viện trợ” như vậy, cả Moskva và Bình Nhưỡng luôn bác bỏ. Triều Tiên không cung cấp vũ khí cho Nga, và cũng không có lý do cung cấp cho Ukraine. Nga không mua vũ khí của Triều Tiên. Như Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng Alexander Matsegora nhấn mạnh, Triều Tiên thực sự đang ở trong tình trạng chuẩn bị chiến tranh và chính Triều Tiên mới là bên cần đến số vũ khí tích luỹ được.
Kim En Un, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, cho rằng, những nỗ lực gây tranh cãi về mối quan hệ giữa Nga và Triều Tiên càng thúc đẩy Moskva và Bình Nhưỡng duy trì bầu không khí “trăng mật”.
Thứ nhất, truyền thông phương Tây không có thông tin về thời điểm chính xác các vũ khí được cho là của Triều Tiên được vận hành ở Ukraine. Cần lưu ý rằng, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, thậm chí đã nhiều lần mở rộng, sau các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng vào các năm 2009, 2013, 2016, 2017 và 2018. Cụ thể, khoảng 50% hàng xuất khẩu của Triều Tiên nằm trong các gói lệnh cấm vận của Liên hợp quốc. Chưa kể, nhiều quốc gia còn áp đặt riêng các biện pháp trừng phạt khác.
Thứ hai, trước khi hứng chịu các lệnh trừng phạt, Triều Tiên đã bán đạn dược cho các quốc gia ở châu Phi và Trung Đông. Nhưng kể từ khi Triều Tiên bắt đầu tiến hành các vụ thử hạt nhân đầu tiên từ 14 năm trước, cũng là lúc Liên hợp quốc bắt đầu thông qua các nghị quyết trừng phạt, trong đó bao gồm cả quy định khám xét các tàu vận chuyển của Triều Tiên tại các cảng nước ngoài và vùng biển quốc tế. Nga – một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua các nghị quyết này, và nghiêm túc tuân thủ. Vậy nên, việc cáo buộc Moskva mua vũ khí từ Triều Tiên là thiếu cơ sở.
Hơn nữa, kể từ năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biên giới Triều Tiên luôn ở trong trạng thái “cửa đóng then cài”, mọi hoạt động trao đổi thương mại và ngoại giao hoàn toàn bị đóng băng. Không có gì rời khỏi đất nước. Đồng thời, cũng không một con tàu nào có thể vào đó.
Alexander Perendzhiev - Phó giáo sư khoa học phân tích chính trị và quá trình tâm lý xã hội của Đại học kinh tế Nga, thành viên hội đồng chuyên gia của Các sĩ quan Nga, cho rằng những động thái của Mỹ và các đồng minh là dấu hiệu của sự lo ngại ở phương Tây về việc Nga và Triều Tiên nối lại quan hệ trong lĩnh vực quân sự. Một liên minh quân sự đối trọng với phương Tây thực sự đang nổi lên. Vốn dĩ, phương Tây đã lo sợ về một liên minh giữa Nga và Trung Quốc, thì giờ đây, một liên minh “tam giác chiến lược” rất thực tế của các cường quốc hạt nhân đã bắt đầu xuất hiện.
Tại sao Nga “bắt tay” với Triều Tiên?
Các mối liên hệ chặt chẽ, gần gũi đã được thiết lập giữa Nga và Triều Tiên đã được hình thành từ những tiến trình sâu sắc trong lịch sử. Nga là đối tác ngoại giao và kinh tế quan trọng của Triều Tiên, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Moskva đã sát cánh với Bình Nhưỡng trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh Triều Tiên với sự hỗ trợ khí tài, xe tăng, máy bay và cố vấn chiến lược. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nga là đồng minh chính quan trọng nhất của Bình Nhưỡng, chiếm 1/2 kim ngạch thương mại với nước ngoài của Triều Tiên.
Cùng chịu các đòn trừng phạt từ phương Tây, Nga và Triều Tiên tìm thấy sự đồng điệu. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga trước chuyến đi Bình Nhưỡng của ông Sergei Shoigu hồi cuối tháng 7/2023 vừa qua, khẳng định: “Triều Tiên là một đối tác quan trọng, có chung biên giới, và truyền thống hợp tác phong phú”. Về phía Triều Tiên, Bình Nhưỡng bắt đầu đưa ra những khái niệm mới như “hợp tác chiến thuật và chiến lược” để nói về mối quan hệ với Moskva.
Nói cách khác, Nga và Triều Tiên dường như đang hình thành “liên minh tình thế”, đôi bên cùng có lợi, vì cả hai đều bị Mỹ và tập thể phương Tây dồn vào chân tường. Theo nhận định của giáo sư Artyom Lykin trên trang 38 North: Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã mở ra một thực tế địa chính trị mới. Theo đó Điện Kremlin và Bình Nhưỡng ngày càng thân thiết hơn, thậm chí có thể lên đến mức quan hệ gần như là đồng minh từng tồn tại trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Đối với cả Nga và Triều Tiên - những quốc gia hứng chịu các lệnh trừng phạt nghiêm khắc từ Mỹ và phương Tây, những lời cảnh báo về sự trừng phạt sẽ xảy ra sau chuyến thăm Nga của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, không có gì gây ngạc nhiên. Tuy nhiên, thực tiễn trong thời gian qua đã chứng minh, dù đưa ra hơn 17.000 lệnh trừng phạt với Nga, song phương Tây chưa đạt được mục tiêu, nhưng các biện pháp đã cạn kiệt.
Một số chuyên gia Nga tin rằng, Washington có thể đáp trả Bình Nhưỡng không phải trực tiếp, mà là gián tiếp. Ví dụ, tăng cường mức độ hợp tác kỹ thuật quân sự với Hàn Quốc, bao gồm cả lĩnh vực công nghệ hạt nhân, từ đó buộc Triều Tiên phải ứng phó với thách thức mới bằng cách tạo ra các hệ thống vũ khí mới về cơ bản mà Bình Nhưỡng không có. Cùng với đó, mức độ hợp tác quân sự Mỹ-Hàn sẽ tăng lên.
Cùng với đó, hai đối thủ khác của Triều Tiên là Hàn Quốc và Nhật Bản, đều có quan điểm chống Nga một cách có hệ thống. Trong thời gian tới, có thể sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt với Nga.
Về phía mình, Bình Nhưỡng có thể mong đợi từ Moskva, không chỉ là hợp tác kỹ thuật quân sự, mà còn cả hợp tác kinh tế và chính trị. Kinh tế chủ yếu là cung cấp thực phẩm, cũng như hợp tác trong khai thác mỏ và các lĩnh vực công nghiệp khác.
Kim En Un, Nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết: "Nga đang đề xuất các biện pháp đào tạo nhân sự cho Triều Tiên. Đơn cử như vùng Viễn Đông có trữ lượng lớn đá vôi – nguyên liệu sản xuất xi măng, song Nga không có khả năng làm việc này. Do đó, Nga đang tính toán có thể xây dựng một nhà máy ở Triều Tiên. Điều đó có lợi cho tất cả mọi người. Các nhà nghiên cứu còn ước tính rằng Triều Tiên giàu tài nguyên kim loại đất hiếm trị giá 2.000 tỷ USD. Trong khi đó, Nga không đủ nguồn cung. Tại sao không phát triển sản xuất ngay bây giờ trong điều kiện thuận lợi như vậy?"
Tất nhiên, Bình Nhưỡng có thể có được tất cả những điều này từ Bắc Kinh, nhưng giới lãnh đạo Triều Tiên thận trọng trước sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, và muốn đa dạng hoá quan hệ đối ngoại. Và Nga là ứng cử viên duy nhất, bởi Moskva và Bình Nhưỡng được kết nối bởi bề dày lịch sử lâu dài, tạo dựng niềm tin lẫn nhau.
Năm 2019, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok, Nga. Cũng vào năm đó, trong điện chúc mừng sinh nhật nhà lãnh đạo Nga, ông Kim Jong-un ca ngợi ông Putin là “đã nghiền nát những thách thức và đe doạ của Mỹ”; đồng thời cam kết “nắm chặt tay”, tăng cường hợp tác chiến lược với Moskva. Bên cạnh lời hứa “thắt chặt hợp tác quốc phòng”, Nga và Triều Tiên nối lại hoạt động giao thương vốn bị trì trệ do đại dịch.
Hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên (KCNA) ngày 13/9 cho hay, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác Triều Tiên – Nga lên một “tầm cao mới”.
Tựu chung lại, Triều Tiên phản đối chủ nghĩa đế quốc phương Tây, trong khi Nga kêu gọi trật tự thế giới đa cực, phản đối chủ nghĩa tập thể. Cuối cùng, cả Nga và Triều Tiên đều có một mục tiêu chung là chống lại phương Tây. Vậy nên không có gì ngạc nhiên, khi Nga không từ chối bất kỳ tình bạn nào. Việc Nga cần có “bạn” cũng giúp quốc gia khép kín nhất thế giới được hưởng lợi./.