Bộ Giáo dục đào tạo yêu cầu hoàn thành phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 trong tháng 9

Thanh Hùng 13/09/2023 17:41

Bộ trưởng GD-ĐT yêu cầu nghiên cứu, giải trình rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, những điểm mới và khó khăn trong triển khai để xem xét, lựa chọn số môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Bộ GD-ĐT vừa thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp về dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Nghiên cứu để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vào thời điểm sớm hơn hiện nay

Sau khi nghe báo cáo của Cục Quản lý chất lượng - đơn vị chủ trì xây dựng Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; góp ý của các đơn vị liên quan, Bộ trưởng kết luận giao Cục Quản lý chất lượng chủ trì hoàn thiện dự thảo.

bna_Các thí sinh nghe quy chế Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Các thí sinh nghe quy chế Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Đồng thời, tiếp tục xin ý kiến bằng văn bản 63 Sở GD-ĐT để có thêm căn cứ hoàn thiện dự thảo phương án trình lãnh đạo Bộ để trình Thường trực Chính phủ xem xét, cho phép công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (dự kiến trong tháng 9/2023). Các nội dung cụ thể:

Về mục đích, thời gian thi, sẽ giữ nguyên mục đích, ý nghĩa của kỳ thi tốt nghiệp THPT như đã nêu trong Dự thảo phương án đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến xã hội. Thực hiện tốt sự phân cấp, trách nhiệm trong tổ chức thi; nghiên cứu để tổ chức kỳ thi hằng năm vào thời điểm sớm hơn hiện nay.

Tổ chức thi theo môn, gồm các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học.

Nghiên cứu, giải trình rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, những điểm mới và những khó khăn vướng mắc chủ yếu trong triển khai thực hiện để xem xét, lựa chọn số môn thi của phương án thi.

Về hình thức thi: Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Về nội dung thi: Bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu của lớp 12 trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Có lộ trình phù hợp để tăng nội dung đánh giá năng lực mỗi năm phù hợp với thời gian học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của học sinh.

Về phương thức xét tốt nghiệp: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp.

bna_sang-nay-7-7-hon-34000-thi-sinh-nghe-thi-dau-tien-cua-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2021-hinh-anh-2.jpeg
Thí sinh đến coi số báo danh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra những nhiệm vụ cần triển khai ngay.

Thứ nhất, sau khi có thêm ý kiến của 63 tỉnh, thành bằng văn bản, hoàn thiện phương án trình lãnh đạo Bộ báo cáo xin ý kiến Thường trực Chính phủ trước khi công bố, hoàn thành trong tháng 9/2023.

Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 với các thành viên từ các đơn vị liên quan, phân công công việc cụ thể để triển khai nhiệm vụ. Xây dựng đề án và kế hoạch triển khai thực hiện phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo lộ trình từ nay đến năm 2030.

Nhiệm vụ tiếp theo là nghiên cứu, xây dựng định dạng câu hỏi thi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước mắt, ngành Giáo dục tập trung chuẩn bị sớm lực lượng giáo viên ra đề thi (ưu tiên chọn giáo viên nhiều kinh nghiệm với Chương trình giáo dục phổ thông 2018); đồng thời tổ chức tập huấn lực lượng giáo viên xây dựng câu hỏi thi, ra đề thi phù hợp với yêu cầu Chương trình phổ thông 2018 bao gồm cả chuyên sâu và đại trà; tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ và tập huấn cho nhiều đối tượng tham gia xây dựng câu hỏi thi. Các công tác này cần bắt đầu từ quý IV năm 2023.

Thanh Hùng