Chiến thuật nào cho U23 Việt Nam ở vòng chung kết U23 châu Á?
(Baonghean.vn) -Rơi vào bảng đấu không quá khó, U23 Việt Nam vượt qua vòng bảng với ngôi đầu chỉ sau 2 trận thắng U23 Guam và U23 Yemen nên trận cuối gặp U23 Singapore chỉ có tính chất thủ tục với cả hai đội.
Tuy vậy, từ đây lại nảy sinh một số vấn đề đáng chú ý với thầy trò ông Philippe Troussier nếu không muốn bị loại sớm ở Vòng chung kết U23 châu Á sắp tới khi đối đầu với các đối thủ hàng đầu châu lục.
Ở trận đấu cuối cùng, ông Troussier bố trí một đội hình chủ yếu được coi là dự bị, 2 cầu thủ đá chính liên tục trong 2 trận trước đó là hậu vệ Ngọc Thắng và tiền vệ trụ Thái Sơn cũng có mặt từ đầu. Nhưng nói như ông Troussier “cầu thủ dự bị quyết định trận đấu” như Văn Khang, Vỹ Hào… nay đá chính. Thực ra, đội hình gặp Singapore chỉ có những người “thực sự dự bị” trước đó là thủ môn Văn Bình, hậu vệ Đức Anh, Nhật Nam, còn lại đã xung trận, không hề ngỡ ngàng khi được gọi tên.
Và trong một thế trận thoải mái với cả hai, U23 Việt Nam thỏa sức cầm bóng, tính cả trận là 85% thời lượng, đạt mục tiêu “kiểm soát bóng” theo yêu cầu mà ông thầy người Pháp đặt ra. Khác với 2 trận đấu trước, U23 Việt Nam mở được tỷ số ngay từ phút 12 từ quả penalty do tiền đạo Đình Bắc ghi nên mọi chuyện càng dễ dàng hơn với các học trò ông Troisier. Với phương châm cho tất cả các cầu thủ còn lại vào sân, nghĩa là tất cả những người được gọi đều được tận hưởng không khí vòng loại châu lục, không bị áp lực phải thắng, tha hồ trình diễn những năng lực, phẩm chất mà họ có, nên nhìn chung U23 Việt Nam gần như đã bộc lộ hết những gì họ thu nhận được qua quá trình tập trung, đồng thời cũng bộc lộ những non yếu mà ai ai cũng dễ dàng nhận ra, dù chỉ đối đầu với một đối thủ trung bình.
Trước hết là khả năng chống bóng bổng, khả năng xử lý các tình huống cố định. Ông Troussier sau trận đấu khen U23 Việt Nam và bóng đá Việt Nam có khả năng tận dụng tốt các tình huống cố định (bàn thắng của Vỹ Hào từ phạt góc của Văn Khang phút 85 trận gặp U23 Yemen là ví dụ thuyết phục nhất, chưa kể 2 bàn thắng trong trận gặp U23 Singapore mới nhất). Cần nói là cũng trong một tình huống phạt góc của đối thủ, hậu vệ Hồng Phúc đã để bóng chạm lưng bay vào lưới nhà, nghĩa là khả năng phòng ngự bóng bổng quá tệ của chính hậu vệ biên đã làm hại đội nhà, một điều cần phải gấp rút rút kinh nghiệm nếu Hồng Phúc còn ra sân với nhiệm vụ của một cầu thủ phòng ngự. Với một quả phạt góc như thế, yêu cầu cao nhất là phải phán đoán chính xác để phá bóng hoặc phải theo kèm nghiêm ngặt kiên quyết không để đối thủ có cơ hội kết thúc tình huống. Tất nhiên, tình huống này nếu bộ ba trung vệ gồm Quang Thịnh, Tuấn Tài và Ngọc Thắng, vấn đề có thể sẽ khác. Nhưng để thấy dù có Ngọc Thắng, nhưng Duy Cương, Đức Anh cùng Hồng Phúc đã không hoàn thành nhiệm vụ trong tình huống đáng nói này.
Bàn thua thứ 2 của U23 Việt Nam là một tình huống mải mê tấn công và bị phản công sấp mặt. Trong tình thế 2 đối 2, Duy Cương và Đức Anh đã không thể làm gì trước sự nhanh nhẹn và quyết đoán của đối thủ với phương châm rình rập, chờ thời và họ đã thành công. Chính U23 Việt Nam thời ông Troussier từ bỏ lối đá truyền thống “phòng ngự - phản công” để tiến lên “kiểm soát bóng tấn công” thì khi gặp đối thủ chơi phòng ngự - phản công, Duy Cương và đồng đội đã không có bài vở gì cụ thể để khắc chế đối thủ, bị sập bẫy trong tích tắc và đầy tiếc nuối. Tất nhiên, lỗi ở đây là ở các tiền vệ phòng ngự. Thái Sơn cày ải liên tục 3 trận đấu và có vẻ chủ quan sau những gì đặt trọn niềm tin với ông thầy. Người đá cặp Minh Khoa chơi không tốt trong trận gặp U23 Guam nay trở lại vẫn không cho thấy tiến bộ so với đồng đội Đức Phú.
Điều dễ thấy nữa là nhiều cầu thủ sẽ chỉ chơi hay nếu vào sân từ ghế dự bị và câu chuyện của U23 Việt Nam hiện tại cũng không là ngoại lệ. Những Văn Khang, Vỹ Hào, Đình Bắc và cả “quân bài tẩy” Văn Cường từng chơi cực hay trong trận gặp đối thủ mạnh U23 Yemen thì nay vào trận từ đầu đã không thể hiện điều gì nổi trội. Đó cũng là bế tắc chung của U23 Việt Nam khi đối thủ cho phép tự do cầm bóng, luân chuyển qua lại vô hại nhưng khi vào vòng cấm thì bế tắc thực sự trước những bức tường phòng ngự kín kẽ, linh hoạt mà đối thủ linh hoạt giăng ra.
Câu chuyện đặt ra là tới đây khi vào vòng chung kết U23 châu Á, dù muốn thì U23 Việt Nam cũng khó lòng cầm được bóng khi đối thủ vây ráp triệt để, phá lối chơi của thầy trò ông Troussier. Lúc đó, liệu U23 Việt Nam có đối sách chủ động gì, linh hoạt biến hóa ra sao để giành và giữ được thế trận, để ghi được bàn thắng theo bài bản mà không phải do ngẫu nhiên, may mắn, thường gọi là “rùa”?
Khó đấy, nếu nhớ lại những gì U23 Việt Nam thể hiện ở các trận đấu vừa qua, nhất là việc để lọt 2 bàn thua trước U23 Singapore mới đây trong bối cảnh tấn công thì…cùn và bị phản công rồi thua một cách…sắc lẹm? Và cũng đừng quên có chuyên gia bóng đá từng nhận xét đại ý: U23 của ông Hoàng Anh Tuấn xem ra linh hoạt, chủ động hơn so với U23 do ông Troussier dẫn dắt.
Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ xem U23 Việt Nam với lực lượng mạnh nhất, được lựa chọn kỹ càng nhất sẽ thể hiện ra sao khi “ra biển lớn” ở Vòng chung kết U23 châu Á đầy khó khăn sắp tới./.