Rô-bốt và tự động hóa sẽ tác động như thế nào đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe?

Phan Văn Hoà 14/09/2023 09:43

(Baonghean.vn) - Những công nghệ tiên tiến như rô-bốt điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa đã được ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đã làm thay đổi các ca phẫu thuật, chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân, mở ra một kỷ nguyên mới của ngành chăm sóc sức khỏe.

111.jpg
Ảnh minh hoạ.

Rô-bốt và tự động hóa đã mở ra một kỷ nguyên mới về tính hiệu quả, độ chính xác trong phẫu thuật và chăm sóc bệnh nhân. Các công nghệ bao gồm rô-bốt, AI và máy móc tiên tiến đang thay đổi cách các chuyên gia y tế chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân. Với các ca phẫu thuật được hỗ trợ bằng rô-bốt, các quy trình phức tạp hiện được thực hiện với độ chính xác cực kỳ cao giúp giảm thiểu các sai sót do con người gây ra, từ đó nâng cao hiệu quả trong điều trị bệnh.

Rô-bốt và tự động hóa sẵn sàng cách mạng hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe theo nhiều cách khác nhau như tăng cường chăm sóc bệnh nhân, nâng cao hiệu quả trong điều trị bệnh, hợp lý hóa các nhiệm vụ hành chính, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và cải thiện việc phân bổ nguồn lực y tế.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá những tác động nhiều mặt của rô-bốt và tự động hóa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả những cơ hội và thách thức mà chúng mang lại.

1. Nâng cao độ chính xác trong phẫu thuật

Một trong những ứng dụng nổi bật nhất của rô-bốt trong chăm sóc sức khỏe là ứng dụng trong phẫu thuật. Rô-bốt có thể thực hiện các thủ tục phức tạp và chính xác với độ chính xác cao hơn bác sĩ phẫu thuật. Chúng có thể loại bỏ hiện tượng rung lắc và mang lại tầm nhìn ổn định, phóng to về vị trí phẫu thuật. Điều này dẫn đến giảm khả năng xâm lấn, thời gian phục hồi nhanh hơn và cải thiện kết quả của bệnh nhân.

2. Y học từ xa và chăm sóc từ xa

Tự động hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị từ xa và chăm sóc sức khoẻ từ xa. Các công cụ chẩn đoán tự động, kết hợp với hội nghị từ xa, cho phép bác sĩ theo dõi và điều trị bệnh nhân từ xa, đặc biệt là ở những vùng khó khăn hoặc vùng sâu vùng xa. Điều này càng trở nên đặc biệt trong thời kỳ diễn ra đại dịch COVID-19, giúp giảm thiểu nguy cơ lây truyền vi-rút.

3. Tự động hóa phòng thí nghiệm

Các phòng thí nghiệm đang áp dụng tự động hóa để hợp lý hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại như xử lý và phân tích mẫu. Điều này không chỉ đẩy nhanh quá trình chẩn đoán bệnh mà còn giảm được các sai sót do con người gây ra. Hệ thống tự động có khả năng xử lý một khối lượng lớn các mẫu xét nghiệm một cách hiệu quả, điều này rất quan trọng trong trường hợp có nhiều mẫu cần xét nghiệm đặc biệt là trong các đợt bùng phát dịch bệnh.

4. Khám phá và phát triển thuốc

Rô-bốt và tự động hóa đang đẩy nhanh quá trình khám phá và phát triển thuốc. Rô-bốt sàng lọc hiệu suất cao có thể kiểm tra hàng nghìn hợp chất một cách nhanh chóng, giúp phát triển các loại thuốc mới nhanh hơn. Hệ thống tự động cũng được sử dụng trong sản xuất thuốc, đảm bảo tính nhất quán và an toàn.

Thực tế cho thấy, quá trình phát triển thuốc truyền thống tốn nhiều thời gian, chi phí và công lao động. Số liệu thống kê cho thấy để phát triển được một loại thuốc chữa bệnh tốn từ 12 đến 14 năm, tiêu tốn vài trăm triệu đến một tỷ USD. Sự trợ giúp của máy tính và tự động hoá có thể tiết kiệm được hơn 50% chi phí này, rút ngắn thời gian phát triển thuốc chữa bệnh, góp phần đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng.

5. Tự động hóa các nhà thuốc

Tại các nhà thuốc, tự động hóa có thể giúp phân phối thuốc chính xác, giảm thiểu sai sót về thuốc. Rô-bốt có thể quản lý hàng tồn kho, đóng gói đơn thuốc và thậm chí cung cấp tư vấn về thuốc. Điều này giúp tăng cường sự an toàn cho bệnh nhân và cho phép các dược sĩ có thời gian tập trung vào quá trình nghiên cứu lâm sàng.

6. Chăm sóc và phục hồi bệnh nhân

Rô-bốt đang được sử dụng để chăm sóc bệnh nhân và phục hồi chức năng. Rô-bốt hỗ trợ giúp bệnh nhân có vấn đề về di chuyển, tạo điều kiện và hỗ trợ cuộc sống của những người già, ốm yếu, hoặc những người có rối loạn chức năng của các bộ phận cơ thể tác động đến việc di chuyển. Những rô-bốt này cũng được sử dụng để phục hồi chức năng và các thủ tục liên quan, chẳng hạn như đào tạo và điều trị.

Rô-bốt khung xương trợ lực (Exoskeleton robot) là một dạng rô-bốt dịch vụ chuyên nghiệp và độc đáo. Loại rô-bốt này được trang bị nhiều thiết bị, có khả năng mô phỏng và hỗ trợ các chuyển động của người sử dụng. Việc ứng dụng của rô-bốt khung xương trợ lực trên thị trường hiện nay tập trung vào quá trình phục hồi chức năng của bệnh nhân trong lĩnh vực y tế, cụ thể là hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình phục hồi chấn thương, và luyện tập các cử động tay chân.

Ngoài ra, rô-bốt khung xương trợ lực có thể được sử dụng như vật dụng hàng ngày, hoặc ứng dụng vào các chiến dịch quân sự. Những công nghệ này có thể cải thiện sự độc lập của bệnh nhân và giảm gánh nặng cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

7. Chẩn đoán bệnh dựa trên AI

Trí tuệ nhân tạo (AI) là thành phần chính của tự động hóa trong chăm sóc sức khỏe. Các thuật toán học máy (machine learning) có thể phân tích các hình ảnh y tế, chẳng hạn như chụp X quang và cộng hưởng từ (MRI), để phát hiện các bệnh và các bất thường một cách chính xác và nhanh chóng hơn con người. Điều này hỗ trợ tăng tốc độ chẩn đoán và quyết định điều trị của bác sĩ.

8. Quản lý và phân tích dữ liệu

Tự động hóa rất quan trọng để xử lý lượng lớn dữ liệu được tạo ra trong chăm sóc sức khỏe. Các công cụ phân tích dữ liệu tự động có thể xác định xu hướng và thông tin chuyên sâu trong hồ sơ bệnh nhân, từ đó đưa ra các kế hoạch điều trị được cá nhân hóa hơn và cải thiện việc quản lý sức khỏe cộng đồng.

9. Quản lý chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe rất phức tạp, liên quan đến việc mua sắm và phân phối thiết bị y tế, thuốc và vật tư. Tự động hóa giúp cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng, giảm chi phí và đảm bảo truy cập kịp thời vào các nguồn lực quan trọng.

10. Những thách thức và cân nhắc về đạo đức

Mặc dù lợi ích của rô-bốt và tự động hóa trong chăm sóc sức khỏe là không thể phủ nhận nhưng chúng cũng đặt ra những thách thức về đạo đức và các quy định liên quan. Những lo ngại về quyền riêng tư liên quan đến dữ liệu bệnh nhân trong điều trị từ xa, nguy cơ dịch chuyển công việc do tự động hóa và nhu cầu về các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho hệ thống rô-bốt là những vấn đề cần được giải quyết.

11. Các vấn đề về chi phí

Việc triển khai rô-bốt và tự động hóa trong chăm sóc sức khỏe cần một khoản chi phí tương đối lớn, gây tốn kém cho các cơ sở y tế. Các bệnh viện và tổ chức chăm sóc sức khỏe cần có đánh giá cẩn thận về lợi tức đầu tư và xem xét việc tiết kiệm nguồn chi phí trong dài hạn để đầu tư vào các công nghệ mới.

12. Chống lại sự thay đổi

Các chuyên gia và nhân viên chăm sóc sức khỏe có thể phản đối việc áp dụng các công nghệ mới như rô-bốt và tự động hoá do lo ngại nó sẽ thay thế một phần công việc của con người hoặc chưa quen với các công nghệ tiên tiến này. Các cơ sở y tế cần thay đổi các chiến lược quản lý cũng như thúc đẩy đào tạo để có thể vượt qua sự phản kháng của nhân viên.

Phan Văn Hoà