NSƯT Ngọc Hà: Vẻ đẹp của giọng ca đậm chất Nghệ

Thanh Nga 16/09/2023 10:49

(Baonghean.vn) - Nữ nghệ sĩ ấy đã bước tới trên chặng đường trải hoa hồng với cả dư vị hương sắc lẫn đau đớn của những chiếc gai. Thế nhưng, khi hồi tưởng về hành trình đã qua, niềm vui và tự hào vẫn lấp lánh trên khóe mắt, nụ cười của chị.

Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Ngọc Hà - người luôn được công chúng nhớ tới với giọng hát ngọt ngào khi thể hiện các tác phẩm của nhiều nhạc sĩ tên tuổi xứ Nghệ, là người luôn biết vượt qua chính mình để chinh phục những đỉnh cao mới, cũng là người biết khiêm nhường lùi bước dừng chân khi tài năng và kinh nghiệm sân khấu đã ở độ chín nhất. Ở Ngọc Hà, người ta cảm nhận vẻ đẹp mộc mạc, đằm thắm nhất của một giọng ca đậm chất Nghệ.

Câu hát cất lên từ lời ru ầu ơ

NSUT Ngọc Hà 3.jpeg

Sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống xã Hoa Thành (Yên Thành), Ngọc Hà sớm thấm đẫm những chưng cất ví, giặm qua lời ru của mẹ của bà, qua cả những điệu hò, câu hát dân ca trên sóng phát thanh được phát qua chiếc đài bé xíu của bố. Có lẽ chính những sự thấm đẫm và yêu thích ấy đã sớm gieo vào lòng cô bé Hà thuở đó tình yêu lớn với dân ca. Ngọc Hà hát ru em bằng những câu hát dân ca bằng chất giọng trong trẻo, cao vút, da diết đắm say, khiến ai nghe cũng phải mê đắm. Thế nên, những người hàng xóm của chị cứ đợi “cữ” ru em của chị để áp tai vào hàng rào hòng nghe được trọn vẹn câu hát ru của Ngọc Hà.

Tuổi thơ trôi qua đến ngày thanh xuân gõ cửa, Ngọc Hà vẫn tay cuốc, tay cày đỡ đần cha mẹ, cáng đáng việc nhà, việc đồng ruộng trong gia đình. Rồi giọng hát thiên bẩm của chị vẫn trong trẻo cất lên trong các cuộc hội thôn, xóm trong sân đình hay trong mỗi buổi hội làng. Một lần tình cờ Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện nghe được giọng hát này và ông bị cuốn hút không thôi. Ngọc Hà được ông mời về làm cộng tác viên đặc biệt và cũng từ đây chị có “đất” để được tung tẩy, được hát những ca khúc dân ca mà mình yêu thích từ thuở thiếu thời.

bna _ Ngọc hà ngày trẻ.jpeg
NSƯT Ngọc Hà thời trẻ. Ảnh: NVCC

Những ngày sôi động ở Nhà Văn hóa huyện Yên Thành, nay là Trung tâm Văn hóa huyện khiến chị như được sống một cuộc đời khác, một cuộc đời của diễn viên và ca sĩ, lúc đi hát, lúc diễn kịch. Thế nhưng, tài năng của chị không dừng lại ở đó. Tình cờ có lần Nhạc viện Âm nhạc quốc gia nay là Học viện Âm nhạc quốc gia về tuyển sinh chị đã lén “trốn” Ban Giám đốc trung tâm đi tuyển. Sở dĩ “trốn” là vì họ cứ giữ chị như “giữ sam”, nhỡ đâu trúng tuyển chị lại rời huyện mà đi mất... Không ngờ sự "sơ sẩy" của ban giám đốc đã khiến chị nhận được giấy báo của Học viện trong một tình huống bất ngờ nhất. Đó là khi, chị lên huyện gặp cô văn thư được cô hỏi: “Em đi học Nhạc viện về à”, chị té ngửa bảo: “Đâu có, sao lại học nhạc viện?”. Hóa ra, Giám đốc Nhà Văn hóa huyện khi nhận được giấy báo của Học viện Âm nhạc quốc gia đã lén giấu đi, không cho chị đi học vì sợ "chảy máu" nhân tài. Thời điểm chị biết chuyện này thì đã quá hạn thời gian nhập học.

bna-_-Ngọc-Hà.jpg
NSƯT Ngọc Hà thời trẻ trong một vở kịch (chị mặc áo bộ đội đứng giữa). Ảnh: NVCC

Lỡ mất dịp quý, chị chỉ biết khóc ngậm ngùi, nhưng những năm tháng tại quê hương yêu dấu cũng đã cho chị những giải thưởng đầu tiên trong nghề. Đó là rất nhiều giải Nhất, Nhì Hội diễn Nghệ thuật quần chúng cho đơn ca, giải A dành cho kịch hát.

Ngọc-Hà-2.jpg
NSƯT Ngọc Hà những năm tháng công tác tại Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh. Ảnh: NVCC

Có một điều thú vị dù mới chỉ tròn mười tám, đôi mươi, nhưng Ngọc Hà đã sớm khẳng định được mình trong vai trò biên kịch trợ lý đạo diễn cho các vở kịch hát, khi chị đã được nhà viết kịch nổi tiếng Phan Thế Phiệt mời làm trợ lý cho ông. Ở vai trò này, Ngọc Hà được đồng nghiệp và công chúng vô cùng yêu quý vì sự nhanh nhạy, kỹ lưỡng trong từng phân cảnh, từng lớp diễn của nhân vật, chị luôn truyền được cảm hứng cho biên kịch cũng như anh em tham gia làm diễn viên.

Cứ thế, chị được lớn lên được trưởng thành trên con đường rất nhiều hoa thơm của sự vinh quang trên đất lúa Yên Thành. Thế rồi, tình cờ chị hát cho một hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Kỳ Cẩm dự, ông nhìn thấy tài năng này và đã đề nghị chị về Trường Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh để theo học.

Khoảng thời gian theo học vào những năm 1987 - 1989, Ngọc Hà cho thấy, chị luôn là cánh chim đầu đàn trong những gương mặt thanh nhạc thời bấy giờ bởi kỹ thuật tốt, nhạc cảm sâu sắc và trái tim biết cất lên những xúc cảm trong ca khúc để dành tặng cho khán giả. Bởi thế, những ca khúc như Ca dao em và tôi (An Thuyên), Ép duyên (Tiến Dũng) hay Tình quê Nam Đàn (Mai Cường) được chị hát như rút ruột nhả tơ. Chính những ca khúc này đã giúp chị nhận được những giải thưởng lớn của Liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc sau này.

Những nấc thang mới

Ngọc Hà theo học ở Trường Văn hoá nghệ thuật tỉnh được một thời gian ngắn thì Ban Giám hiệu nhà trường mời chị trợ giảng, đó cũng là thử thách với chị nhưng cũng là niềm vinh dự lớn lao. Với bản thân, chị luôn khắt khe để nắn nót được những kỹ thuật chuyên nghiệp nhất, với học sinh và các bạn cùng trang lứa chị lại luôn truyền cho họ cảm hứng, sự kỹ lưỡng trong nghiên cứu ca khúc, nhạc phẩm trước khi hát cho công chúng nghe. Với Ngọc Hà, hát có nghĩa là kể một câu chuyện thông qua tác phẩm, vậy thì người ca sĩ phải làm sao để câu chuyện đó ấn tượng nhất, hay nhất và giàu cảm xúc nhất.

NSUT Ngọc Hà 2.jpeg
NSƯT Ngọc Hà có tài ngâm thơ, những bài thơ chị ngâm khiến tác giả và khán giả vô cùng thích thú. Ảnh: Đình Tuyên

Chính từ sự chỉn chu trong nghề và tinh thần cầu thị cầu tiến cao đã giúp Ngọc Hà có sự định vị lớn trong lòng Ban Giám hiệu nhà trường. Vì thế, khi tốt nghiệp chị đã được nhà trường giữ lại làm giảng viên với nhiệm vụ lớn lao, tạo động lực và kỹ năng cho lớp trẻ. Cũng chính ở cương vị này, Ngọc Hà đã rèn dũa được cho rất nhiều thế hệ học sinh theo học trường nghệ thuật tỉnh những năm tháng đó. Ngọc Hà được nhà trường tin tưởng và mong muốn chị gắn bó với trường lâu dài để tạo nguồn lực chất lượng cho nhà trường.

Sở dĩ như vậy là bởi, ở mái trường này, danh tiếng của chị cũng được “đồn xa”, khi các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên mời chị cộng tác. Năm 1989, chị đã hát nhạc cho các vở diễn như "Bỉ vỏ", rồi tham gia các hội diễn chuyên nghiệp cho các sân khấu cải lương và Dân ca Nghệ Tĩnh. Hội diễn nào chị cũng có Huy chương Vàng, Huy chương Bạc. “Ngẫm lại mới thấy ngoài khả năng trời phú nếu không có học thuật thì sẽ khó có được Ngọc Hà của những năm tháng sau này”,Ngọc Hà bày tỏ.

Dù được Hiệu trưởng giữ chân, thế nhưng, một lần nữa cơ duyên làm ca sĩ lại đến với Ngọc Hà, khi Phó Giám đốc Đoàn Ca múa dân tộc thời bấy giờ (nay đoàn đã nhập với Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ thành Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh) là Mai Cường trong một lần về trường đã có lời đề nghị với Ngọc Hà rằng: “Em nên theo chuyên nghiệp, có đứng trên sân khấu nhiều em mới có huy chương, mới có tên tuổi, dù khả năng của em là thượng thừa”. Cùng với sự động viên của chồng là Nhạc sĩ Vũ Tiến Vinh, Ngọc Hà nghe theo và bước lên sân khấu chuyên nghiệp một cách tự tin.

Biết ơn cuộc đời

Thế nhưng, con đường chuyên nghiệp không hẳn đã trải hoa hồng cho chị, khi muốn đến được với thứ ánh sáng lung linh hào nhoáng kia chị phải nhiều lần giẫm lên những chiếc gai sắc. Đó có thể là chiếc gai ngoại cảnh, cũng có thể là chiếc gai chính từ trong lòng chị.

bna _ Ngọc hà.jpeg
Dù nghỉ hưu nhưng NSƯT Ngọc Hà vẫn thường xuyên đi biểu diễn phục vụ công chúng. Ảnh: NVCC

Đó là lần đầu tiên khi đoàn ca múa nhạc lên đường làm nhiệm vụ ở các tỉnh miền Tây của tỉnh, lúc chị chỉ mới sinh con hơn 1 năm. Đứa con bé bỏng còn khát sữa mẹ và "quấn mẹ" không rời, thế nên, dù đã sửa soạn hành lý trước đó một ngày nhưng đến lúc ra đi chị bảo với chồng, em không muốn đi nữa. Rồi chị phải gạt nước mắt xa con lên đường làm nhiệm vụ trong sự quyết đoán và khích lệ từ chồng. “Em có muốn có sự nghiệp không, con đã có anh và bà, em không lo chi hết!” Chồng chị quả quyết như thế để chị yên tâm lên đường. Thế rồi, đi đến đâu chị cũng xin nhờ điện thoại bàn để điện về trường xin được gặp chồng (chồng chị cũng công tác tại Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật tỉnh). Lần nào chồng chị cũng bảo con ở nhà ngoan, dù sau này chị mới biết lúc đó cháu ốm cả tuần trời.

“Nếu không có sự đồng hành và quyết đoán của chồng sẽ không có Ngọc Hà ngày hôm nay”, chị nhắc đến anh với lòng biết ơn và niềm tin yêu như thế.

Lần thứ hai chị phải giẫm lên một chiếc gai khác là tại một Liên hoan Âm nhạc toàn quốc chị chỉ được chấm giải Bạc cho sự trình diễn xuất sắc tác phẩm Ca dao em và tôi vì một lý do rất tầm phào cho dù điểm của chị cao nhất... Lần thứ 3 và những lần khác là những cám dỗ vật chất và danh vọng nhưng Ngọc Hà đã bước qua nó như vốn dĩ con người mộc mạc của chị.

Suốt cuộc đời làm nghề của mình, Ngọc Hà luôn tâm niệm rằng, mình chỉ đến cuộc đời này và cầm mic để hát, là được đứng trên sân khấu kể câu chuyện của cuộc đời thông qua những tác phẩm âm nhạc. Thế nên, dù có thật nhiều lời đề nghị chị vào các cương vị quản lý chị vẫn không gật đầu, chỉ nhận mỗi cương vị Trưởng phòng Thanh nhạc của đoàn.

Cho đến nay, dù nghỉ hưu nhiều năm, nhưng Ngọc Hà vẫn được mời đi hát thường xuyên, được mời ngâm thơ vì chị có tài ngâm thơ rất hút hồn. Chị nói, dù chỉ thể hiện một bài thơ, ta cũng phải ngâm nó bằng sự hiểu biết và bằng cả tấm lòng. “Biết ơn cuộc đời” chính là cụm từ chị thường nói đến.

Thanh Nga