Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo thêm nguồn lực cho Nghệ An phát triển
(Baonghean.vn) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng, dưới sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự vào cuộc chủ động, quyết tâm cao của tỉnh Nghệ An sẽ có các giải pháp để huy động thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước.
Tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị vào sáng 16/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã trình bày tham luận nội dung về các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực phát triển tỉnh Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nhấn mạnh, Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, dân số đứng thứ 4 cả nước, có biên giới, có 5 phương thức vận tải. Nghệ An là tỉnh giàu truyền thống văn hóa cách mạng, là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; điều kiện tự nhiên đa dạng, nguồn tài nguyên phong phú, nhân lực dồi dào.
Trong thời gian vừa qua, kinh tế của tỉnh phát triển khá nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt trên 7%, cao hơn bình quân cả nước; quy mô GRDP đứng thứ 2 trong vùng và đứng thứ 12 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Nghệ An đang nổi lên là địa phương thu hút các dự án FDI lớn... Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh trong giai đoạn là 137.795 tỷ đồng (xếp thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, xếp thứ 17/63 địa phương cả nước). Tốc độ tăng thu bình quân hàng năm là 14,4%/năm, cao hơn tốc độ tăng thu bình quân của cả nước (9,1%/năm).
Tổng chi ngân sách địa phương của tỉnh là 180.738 tỷ đồng (số chi xếp thứ 2/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, xếp thứ 5/63 địa phương cả nước); tốc độ tăng chi ngân sách địa phương bình quân hàng năm của tỉnh là 9,7%/năm, cao hơn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (9%/năm), cao hơn tốc độ tăng chi của cả nước (9,2%/năm).
Để tạo điều kiện cho tỉnh Nghệ An có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, Bộ Tài chính đã đề xuất để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Trong đó, tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, nâng mức dư nợ vay của tỉnh lên 40%.
Triển khai Nghị quyết số 36 của Quốc hội, từ năm ngân sách 2022, Bộ Tài chính đã chủ trì trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua tổng mức vay trong năm dự toán năm 2022 là 329,9 tỷ đồng; dự toán năm 2023 là 264,8 tỷ đồng, mỗi năm tỉnh Nghệ An được hỗ trợ khoảng 1.800 tỷ đồng để có thêm nguồn lực phát triển.
Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, trong đó giao Ban cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; Xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Nghệ An trình Quốc hội ban hành theo hướng vừa tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội và vừa nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu, giải pháp theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39. Trong đó, dự kiến giao cho tỉnh Nghệ An chủ trì “Đề án đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc bổ sung cơ chế, chính sách trong thời gian tới phải hướng tới mục tiêu huy động tổng thể các nguồn lực, khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong đó có nguồn lực con người. Về nguồn lực tài chính, cần huy động nguồn lực của nhà nước, bao gồm của Trung ương, địa phương và các nguồn lực xã hội; nguồn lực đầu tư nước ngoài, trong đó nguồn lực đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư; nguồn lực bên trong đóng vai trò quyết định, nguồn lực bên ngoài đóng vai trò quan trọng thúc đẩy việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực trong nước.
Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Nghệ An, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, qua đó góp phần huy động nguồn lực, như nghiên cứu các chính sách ưu đãi về thuế; đẩy mạnh quảng bá, huy động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho các dự án hạ tầng quan trọng, mang tính kết nối các vùng động lực của tỉnh, với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ,kết nối Nghệ An với các địa phương khác trong cả nước và thế giới.
Với Nghị quyết số 26, mất gần 10 năm để thể chế hoá cơ chế, chính sách đặc thù bằng Nghị quyết số 36/2022 của Quốc hội. Lần này, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt sự vào cuộc chủ động, quyết tâm cao của tỉnh Nghệ An, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng tin tưởng rằng sẽ tìm ra các giải pháp phù hợp để huy động thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, từ đó sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và mong ước lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.