Chủ tịch UBND tỉnh: Thực hiện chuyển đổi số phải kiên trì, thực chất, hiệu quả

Phạm Bằng 21/09/2023 19:04

(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị các sở, ngành, địa phương phải xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao; triển khai thực hiện kiên trì, thực chất, hiệu quả, không dàn trải.

Chiều 21/9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và lễ phát động ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023. Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

bna_IMG_4804.jpg
Toàn cảnh hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và lễ phát động chuyển đổi số quốc gia năm 2023. Ảnh: Phạm Bằng

Các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Bá Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 21 điểm cầu các huyện, thành, thị.

CHUYỂN ĐỔI SỐ CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, CHƯA ĐẠT MỤC TIÊU

Khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, thời gian qua, các sở, ngành, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số và nhiệm vụ này đã có chuyển biến. Tuy nhiên, công tác này chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đạt mục tiêu đặt ra, nhiều chỉ số đạt thấp.

Nhấn mạnh mục đích, tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị hội nghị nhìn nhận thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để công tác chuyển đổi số thực chất, hiệu quả. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quan tâm vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng tham gia chuyển đổi số, qua đó nâng cao nhận thức, tạo sức lan toả trong nhân dân.

bna_IMG_4835.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Ngày 22/8/2022, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 586/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025. UBND tỉnh cũng đã kịp thời chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề phát sinh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai công tác chuyển đổi số. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cũng đã chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của ngành, địa phương mình.

Đến nay, các nền tảng số, phần mềm dùng chung của tỉnh đều được triển khai trên các nền tảng điện toán đám mây bảo đảm vận hành hiệu quả, an toàn thông tin. Tỉnh đã hoàn thành việc hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh thành hệ thống giải quyết thủ tục hành chính và đưa vào vận hành Hệ thống thu thập, thẩm định và chia sẻ dữ liệu.

bna_IMG_4777.jpg
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 21 điểm cầu các huyện, thành, thị. Ảnh: Phạm Bằng

Về chính quyền số, hiện nay UBND tỉnh đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Nghệ An; hoàn thành việc xây dựng “Quy chế quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của các cơ quan nhà nước tỉnh Nghệ An” và số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin dùng chung, hệ thống thông tin do bộ, ngành triển khai.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ước tính tỷ trọng kỹ thuật số/GRDP tỉnh Nghệ An năm 2022 đạt 7,38%, đứng thứ 32/63 tỉnh/thành phố. Các doanh nghiệp và người dân đã quan tâm, hưởng ứng các hoạt động chuyển đổi số như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng các nền tảng số.

bna_IMG_4976.jpg
Đại tá Trần Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Kết quả rà soát, về mục tiêu đề ra đến năm 2025, đến nay đã hoàn thành 8/11 mục tiêu về Chính quyền số, 2/6 mục tiêu về kinh tế số, 1/3 mục tiêu về xã hội số. Kết quả rà soát theo Kế hoạch số 586 của UBND tỉnh, đến nay đã hoàn thành 15/18 nhiệm vụ, dự án về chính quyền số; 4/6 nhiệm vụ, dự án về bảo đảm an toàn thông tin; 5/5 nhiệm vụ, dự án về phát triển nhân lực chuyển đổi số; 2/9 nhiệm vụ, dự án về chuyển đổi số cho các lĩnh vực.

Tính đến ngày 30/8/2023, có 3.743/3.806 thôn, bản được phủ sóng băng rộng di động. Hiện đang thí điểm triển khai Internet 5G tại thành phố Vinh. Phấn đấu trước năm 2025, 100% thôn, bản được phủ sóng thông tin di động. Các cấp, các ngành đã tập trung triển khai nhiều hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo, hội nghị nhằm nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ công chức, doanh nghiệp và người dân.

bna_IMG_4981.jpg
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Minh Tuệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Tại hội nghị, các địa phương, ngành, doanh nghiệp công nghệ thông tin đã báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số, nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.

CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ PHẢI VÀO CUỘC QUYẾT LIỆT, TẠO SỨC LAN TOẢ TRONG NHÂN DÂN

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 09 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch số 586 của UBND tỉnh, kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số đáng ghi nhận.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tỉnh quan tâm; các cấp, các ngành đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số; quan tâm triển khai các nhiệm vụ, hoạt động chuyển đổi số. Về mục tiêu đề ra đến năm 2025, đến nay đã hoàn thành 8/11 mục tiêu về chính quyền số, 2/6 mục tiêu về kinh tế số, 1/3 mục tiêu về Xã hội số.

bna_IMG_4940.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Theo Kế hoạch số 586 của UBND tỉnh, đến nay đã hoàn thành 15/18 nhiệm vụ, dự án về chính quyền số; 4/6 nhiệm vụ, dự án về bảo đảm an toàn thông tin; 5/5 nhiệm vụ, dự án về phát triển nhân lực chuyển đổi số; 2/9 nhiệm vụ, dự án về chuyển đổi số cho các lĩnh vực. Người dân và doanh nghiệp đã bước đầu quan tâm, hưởng ứng các hoạt động chuyển đổi số như sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng các nền tảng số.

Các nền tảng số, phần mềm dùng chung của tỉnh đều được triển khai trên các nền tảng điện toán đám mây bảo đảm vận hành hiệu quả, an toàn thông tin. Các hạ tầng cơ bản, kho dữ liệu, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu… đang được quan tâm và từng bước triển khai. Tính đến ngày 30/8/2023, có 3.743/3.806 thôn, bản được phủ sóng băng rộng di động.

Các cấp, các ngành đã tập trung nâng cao nhận thức, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số và lan toả đến người dân. Một số cơ quan, địa phương có kết quả chuyển đổi số tốt, đóng góp vào kết quả chung của tỉnh.

bna_IMG_4883.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, công tác chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhận thức về chuyển đổi số ở một số sở ngành, địa phương chưa thực sự rõ ràng, chưa định hình được nội dung triển khai chuyển đổi số; một số người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số.

Trong quá trình thực hiện, một số văn bản hướng dẫn, cơ sở pháp lý về chuyển đổi số chưa đầy đủ, cụ thể; Chưa thu hút được các chuyên gia công nghệ số, nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị.

Phát triển hạ tầng số tại vùng sâu, vùng xa còn thiếu; cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin/chuyển đổi số còn hạn chế; nguồn lực dành cho chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu do Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

bna_IMG_4892.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Việc khai thác các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ quản lý và điều hành ở một số ngành, lĩnh vực chưa được hoàn thiện và khai thác hiệu quả, chưa có sự gắn kết. Một số nhiệm vụ về xây dựng đô thị thông minh, trung tâm điều hành thông minh chưa đạt. Việc đảm bảo an toàn thông tin mạng được quan tâm nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; việc phát triển kinh tế số đang ở mức khiêm tốn.

Để tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, đạt kết quả cao nhất mục tiêu trong Kế hoạch số 586 của UBND tỉnh và Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương phải xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm, thường xuyên, liên tục và yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; triển khai thực hiện kiên trì, thực chất, hiệu quả, không dàn trải.

Về thể chế số, tiếp tục bám sát các văn bản, chủ trương của Trung ương và của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 586 của UBND tỉnh để tiếp tục thực hiện bằng nhiều hình thức, có nhiều hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức trước hết trong hệ thống chính trị, sau đó lan toả đến người dân về yêu cầu, nhiệm vụ, ý nghĩa, hiệu quả của công tác chuyển đổi số.

bna_IMG_4944.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Về chính quyền số, phải từng bước số hóa tài liệu, hồ sơ, các quy trình nghiệp vụ; chứng thực hồ sơ điện tử, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu số dùng chung phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Ưu tiên tập trung chỉ đạo các ngành, lĩnh vực quan trọng, có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng như: Công thương, Nông nghiệp, Du lịch, Thông tin và Truyền thông.

Về hạ tầng số, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Về phát triển nhân lực chuyển đổi số, tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực chuyển đổi số.

Về kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động kinh tế số, từng bước hình thành xã hội số.

bna_IMG_4887.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Về an toàn thông tin mạng, cần rà soát, kiện toàn các quy chế, quy trình về quản lý, bảo đảm an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, đơn vị; tổ chức đánh giá và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp.

Nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực chuyển đổi số. Tập trung triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng, kết quả, hiệu quả chuyển đổi số, đánh giá theo đúng bộ chỉ số tỉnh đã ban hành.

Quan tâm công tác tuyên truyền và xây dựng các chuyên mục để tuyên truyền về chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số; rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số, trong đó yêu cầu người đứng đầu các ngành, địa phương phải là Trưởng ban; 7 ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi số hàng năm và giai đoạn 2022-2025.

Các ngành, địa phương tập trung số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu, kho dữ liệu các ngành, nhất là Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tư pháp; Văn hóa; Nội vụ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Giao thông vận tải. Hàng quý các sở, ngành, địa phương phải báo cáo kết quả chuyển đổi số về Sở Thông tin và Truyền thông và Văn phòng UBND tỉnh để báo cáo Ban Chỉ đạo của tỉnh.

bna_IMG_4950.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, trong đó yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông thành lập Tổ công tác để thực hiện rà soát, đôn đốc các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số của tỉnh; rà soát lại các nội dung trong Kế hoạch 586 của UBND tỉnh để tham mưu chỉ đạo thực hiện các nội dung chưa hoàn thành, bổ sung các nhiệm vụ mới.

Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đưa kết quả triển khai chuyển đổi số thành chỉ tiêu đánh giá kết quả thi đua cuối năm của các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và đánh giá xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức các cấp.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã phát động “Ngày Chuyển đổi số Quốc gia" năm 2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 634 ngày 29/8/2023 về việc tổ chức ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Phạm Bằng