Sẽ xây dựng cầu Bến Thủy 3 nối thành phố Vinh (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh)

Thành Duy 21/09/2023 08:56

(Baonghean.vn) - Đây là một trong các dự án được đưa vào danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030 bằng ngân sách Nhà nước.

bna_Quang-cảnh-cầu-Bến-Thuỷ-Ảnh-Sách-Nguyễn..jpeg
Cầu Bến Thủy I và II bắc qua sông Lam nối Nghệ An và Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Thủy 3 được thực hiện tại xã Hưng Hòa, TP. Vinh nối với huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) qua sông Lam.

Hiện nay, thành phố Vinh và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được nối với nhau qua sông Lam bởi cầu Bến Thủy I; chưa kể cầu cầu Bến Thủy II gần đó nối từ xã Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên) sang huyện Nghi Xuân. Sau khi thị xã Cửa Lò sáp nhập vào thành phố Vinh vào năm 2024, cầu Cửa Hội là cây cầu thứ 2 nối thành phố Vinh sang Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Như vậy, khi thực hiện, cầu Bến Thủy 3 sẽ trở thành cây cầu thứ 3 nối trung tâm tỉnh lỵ của Nghệ An với huyện phía Bắc Hà Tĩnh; qua đó sẽ tạo thêm động lực để liên kết khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt là vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, góp phần phát triển toàn vùng, đặc biệt là thành phố Vinh và huyện Nghi Xuân.

Tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg, ngày 21/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh bao gồm các huyện, thành phố, thị xã phía Nam của tỉnh Nghệ An (thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương), các huyện, thị xã phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh (thị xã Hồng Lĩnh, các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn). Tổng diện tích tự nhiên của vùng khoảng 3.648km2.

Đây là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực Bắc Trung Bộ với các ngành kinh tế chủ đạo phát triển của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng của vùng và quốc gia; là đầu mối giao thương hàng hóa và dịch vụ của vùng Bắc Trung Bộ, cửa ngõ kết nối với thị trường quốc tế trong khu vực; là vùng có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với danh nhân văn hóa quốc gia và quốc tế, các cảnh quan thiên nhiên đặc sắc cần được bảo tồn tôn tạo và khai thác phục vụ du lịch nhân văn và phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 18/7/2023 nhấn mạnh giải pháp tập trung đầu tư phát triển thành phố Vinh mở rộng là đô thị trung tâm của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ, động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh; đồng thời cần tăng cường liên kết phát triển, trong đó có hợp tác với tỉnh Hà Tĩnh trong phát triển khu vực Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, nhất là về dịch vụ, du lịch và phát triển đô thị.

Năm nay, thành phố Vinh kỷ niệm 60 năm thành lập (1963 - 2023), 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô (1788 - 2023) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Thành phố Vinh hiện nay có diện tích 105km2 với dân số khoảng 348.000 người sinh sống trên địa bàn 16 phường, 9 xã.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh thông qua việc điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của thị xã Cửa Lò và của 4 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong (Nghi Lộc) về thành phố Vinh quản lý.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thống nhất phương án thành lập 4 phường của thành phố Vinh trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã: Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Phú, Nghi Đức hiện có.

Lúc đó, thành phố Vinh có diện tích tự nhiên 166,24 km2; dân số 575.718 người và dự kiến có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 27 phường và 9 xã.

Thành Duy