Chuyện về những người Nghệ ở Vũng Tàu

Mai Thắng 24/09/2023 16:11

(Baonghean.vn) - Hầu hết những người Nghệ đang sinh sống, làm việc, công tác tại thành phố biển Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) đều chịu thương chịu khó làm ăn, đoàn kết tốt, coi Vũng Tàu là quê hương thứ hai nhưng không bao giờ quên quê hương Nghệ An - nơi họ đã sinh ra từ đó.

Đất lành chim đậu

“Hơn 40 năm làm việc và sinh sống ở Vũng Tàu, tôi luôn quan niệm rằng Vũng Tàu là quê hương thứ hai nhưng cũng là “đất khách”. Người Nghệ luôn sống xứng đáng với truyền thống quê hương Xô viết anh hùng”, Đại tá Trần Văn Giáo - cán bộ hải quân về hưu quê gốc huyện Đô Lương hiện đang sống tại thành phố Vũng Tàu tâm sự.

Phải mấy lần thuyết phục, Đại tá Trần Văn Giáo mới cho tôi gặp để xin “hầu chuyện” hỏi ông về nỗi niềm chung riêng qua mấy mươi năm mưu sinh nơi đất khách. Ấm trà xanh nóng hổi được bà Hoa (vợ ông Giáo) bưng từ bếp lên nhà khách. Ông Giáo bắt đầu câu chuyện: “Vũng Tàu có rất nhiều người Nghệ An sinh sống. Mỗi người có một nghề nghiệp khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là chịu thương, chịu khó làm việc và khá đoàn kết. Vũng Tàu là quê hương thứ hai của gia đình tôi”.

bna_Ông Trần Văn Giáo- người gốc Đô Lương nghệ An, hiện sinh sống tại Tp Vũng Tàu, ảnh Mai Thắng.jpg
Ông Trần Văn Giáo - người gốc Đô Lương nghệ An, hiện sinh sống tại thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Mai Thắng

Ông Giáo kể: Từ quê nghèo Đặng Sơn Đô Lương Nghệ An, tháng 2 năm 1975 ông vào quân đội. Dòng máu “Xô viết Nghệ Tĩnh” đã chảy trong tim ông, để rồi năm 1988, ông cùng đồng đội tàu HQ-11 của Lữ đoàn 171 Hải quân hải trình ra Trường Sa xây đảo.

Sau sự kiện “Gạc Ma 1988”, ông Giáo được coi là người “sống sót” trở về. Đời binh nghiệp gian khổ suốt tháng quanh năm làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc và xác định chọn Vũng Tàu để sinh sống và lập nghiệp, bởi vậy năm 1994, ông Giáo đưa vợ từ Đô Lương vào Vũng Tàu sinh sống.

Xét sự cống hiến công lao, quân đội chia cho ông một mảnh đất nhỏ ở đường đất Cầu Cháy (nay là đường Đô Lương phường 11, thành phố Vũng Tàu). “Ngày ấy khó khăn lắm. Đưa vợ con vào Vũng Tàu nhưng chưa biết sinh sống thế nào khi nhà có “4 cái tàu há mồm”. Vợ tôi phải làm lụng đủ thứ để kiếm tiền mua gạo. Sau đó thì xin vào Trường THCS Phước Thắng giảng dạy. Có thể nói Vũng Tàu là một nơi đáng sống. Cũng nhờ mảnh đất này mà hai con tôi thành đạt nên người. Con gái làm bác sĩ ở Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, con trai làm việc ở Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn. Chúng đều có gia đình ổn định. Năm nào tôi cũng về quê vì ở đó còn có mộ ông bà, tổ tiên và anh em dòng tộc”, ông Giáo chia sẻ.

Để hiểu hơn về người Nghệ làm ăn sinh sống ở thành phố biển dầu, chiều cuối tuần, tôi xách máy ảnh ra bãi biển Long Cung. Sóng biển ầm ào, nắng vàng như rót mật. Tiến sát đến hai người ngư chài đang gỡ lưới bắt cá trên triền cát rát bỏng để hỏi chuyện mưu sinh, ai ngờ đó là cặp vợ chồng quê gốc huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Người đàn ông tên Nguyễn Hải Đăng cho hay, vợ chồng anh vào Vũng Tàu lập nghiệp từ năm 2003. Ở quê làm nghề đi biển, nên vào Vũng Tàu anh cũng chọn đánh cá gần bờ làm kế sinh nhai. Công việc của vợ chồng anh bắt đầu từ 3 giờ sáng đem lưới thả dọc bãi biển tắm Long Cung. Khi mặt trời ló rạng là thu lưới. “Dù nghề này không kiếm được tiền nhiều nhưng cũng đủ sống và nuôi con ăn học. Người dân Vũng Tàu rành ăn lắm. Họ thích mua cá lưới mới vớt lên chứ không mua cá ướp đá cho nên giá bán cũng đắt hơn”.

bna_Anh Nguyễn Hải Đăng, quê gốc Quỳnh Lưu mư sinh ở Bãi biển Long Cung Vũng Tàu, ảnh Mai Thắng.jpg
Anh Nguyễn Hải Đăng, quê gốc Quỳnh Lưu mưu sinh ở bãi biển Long Cung, Vũng Tàu. Ảnh: Mai Thắng

“Có nhiều người cùng quê đi làm nghề như anh không?” tôi hỏi. “Kia kìa. Bà Sa đó. Bà quê cùng huyện tôi. Bà có hoàn cảnh khó khăn. Chồng mất sớm, một mình nuôi con ăn học. Được cái bà ấy chăm chỉ làm ăn lắm, ai cũng thương bà”, anh Hải phân trần.

Phát huy tài năng người Nghệ

Chọn Vũng Tàu làm quê hương thứ hai cho cuộc đời binh nghiệp, Đại úy Nguyễn Quang Anh - Chủ nhiệm Nhà Văn hóa, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được mệnh danh là “người của công chúng” vì có tài năng truyền dân ca Nghệ An đến cán bộ chiến sĩ trong đơn vị.

Quê gốc ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nguyễn Quang Anh chọn Vũng Tàu là quê hương thứ hai bởi có 2 lý do: Thứ nhất, đây là nơi đơn vị anh đóng quân; thứ hai, anh muốn đem văn hóa dân ca Nghệ An “truyền thổi” quyện hòa vào văn hóa làng biển Vũng Tàu với vai trò chức trách là Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Tôi tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, khoa Quản lý văn hóa, đó là những kiến thức nền để tôi đưa dân ca Nghệ An vào trong lòng cán bộ chiến sĩ đơn vị mình. Ngoài những ca khúc ca ngợi quân đội, Đảng, Bác, tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ, tôi đem dân ca Nghệ An hát cho chiến sĩ nghe.

bna_Đại úy Nguyễn Quang Anh, quê gốc Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu (Nghệ An), nhận giải thưởng báo chí, ảnh Mai Thắng.jpg
Đại úy Nguyễn Quang Anh (thứ hai từ phải sang) quê gốc Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu (Nghệ An) tại một buổi lễ trao giải báo chí. Ảnh: Mai Thắng

Không chỉ chiến sĩ quê Nghệ An thích, mà nhiều cán bộ chiến sĩ khi nghe tôi hát họ đều cảm nhận được sự bình yên, đằm thắm trong những ca từ. Ví dụ như bài “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” là một trong những ca khúc mà chiến sĩ rất yêu thích. Người Nghệ chúng tôi là thế. Có tài năng, có năng khiếu là lan tỏa ra cộng đồng để mọi người cùng biết, cùng vui. Để phát huy năng khiếu vốn có, ngoài nghề chính là bộ đội, tôi còn viết báo, làm thơ góp cho đời thêm thi vị”, Đại úy Quang Anh chia sẻ.

Tôi biết chị Lê Thị Bình (quê gốc ở Làng Khê, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương) trong chương trình “Buồn vui tuổi hạc” do Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức. Kể về cuộc đời gắn bó với nghề dạy học, chị Bình không quên nhắc về ký ức đầy tự hào của thời áo trắng sinh viên năm 1978 của thế kỷ 20.

bna_Nhà giào Lê Thị Bình trong một lần làm Ban giám khảo cuộc thi học sinh thanh lịch tại Vũng Tàu, ảnh Thanh Bình.jpg
Nhà giáo Lê Thị Bình trong một lần làm Ban giám khảo cuộc thi học sinh thanh lịch tại Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Bình

“Năm 1978, tôi cùng 600 sinh viên Nghệ An được di chuyển vào Đồng Nai để học sư phạm. Sau giải phóng, miền Đông Nam Bộ thiếu giáo viên trầm trọng. Năm 1983 tôi đến Vũng Tàu là dạy học tại đây đến lúc nghỉ hưu. Ở Vũng Tàu có nhiều đồng hương huyện Thanh Chương lắm. Nhiều người cũng thành đạt là doanh nhân trên mảnh đất này. Người đi đánh cá, người là công nhân, người buôn bán. Tôi cứ gọi là “có một Thanh Chương giữa lòng thành phố Vũng Tàu”.

bna_Hội đồng hương Thanh Chương Nghệ An họp đồng hương lần một năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh, ảnh Thanh Bình.jpg
Hội đồng hương Thanh Chương (Nghệ An) khu vực phía Nam họp đồng hương lần I năm 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Bình.

Một điều rất hãnh diện là chúng tôi rất đoàn kết. Mỗi năm Tết đến Xuân về, chúng tôi họp hội đồng hương Nghệ An ở Vũng Tàu, rồi hội đồng hương Thanh Chương nữa. Thành phố Vũng Tàu là nơi đáng sống, thân thiện và yên bình. Đó cũng là lý do con, cháu tôi đều lập nghiệp và trưởng thành tại đây”, chị Bình chia sẻ.

Mai Thắng