'Sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh đã có một hành trình đầy tự hào'

Thanh Nga 24/09/2023 16:53

(Baonghean.vn) - Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với NSND Hồng Lựu - Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh xung quanh sự  hình  thành  và  phát triển của sân khấu Cách mạng và kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.  

Đánh giá, ghi nhận về những dấu mốc của 50 năm kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh là một chủ trương đúng của Đảng bộ Nghệ An và đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân tỉnh nhà. Đây là một hình thức, một cách làm có tính khoa học, tính chiến lược để bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân gian xứ Nghệ nói chung và ví, giặm nói riêng; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Một phân cảnh trong Lời Người lời của nước non. .jpeg
Một phân cảnh trong vở diễn Lời Người lời của nước non. Ảnh tư liệu của TT

P.V:Thưa NSND Hồng Lựu, bà có thể cho biết lịch sử hình thành và phát triển của kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh?

NSND Hồng Lựu: Đầu những năm 1970 do hình thức biểu diễn dân ca đòi hỏi phải có sự phát triển mới, các làn điệu dân ca ví, giặm đã có xu hướng sân khấu hóa để trở thành yếu tố hát trong kịch hát, cộng với yêu cầu của quần chúng và tác động của các loại hình sân khấu khác, nên nghệ thuật kịch hát Nghệ Tĩnh hình thành.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc Quê hương trong trái tim Người do Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng và biểu diễn Ảnh Thanh Nga.JPG
Một phân cảnh trong Chương trình nghệ thuật Quê hương trong trái tim Người. Ảnh: Thanh Nga

Dân ca Nghệ Tĩnh được đưa đến sân khấu làm phương tiện biểu đạt tính cách tâm lý nhân vật trong xung đột kịch với chủ trương sân khấu hóa dân ca, tạo nên một kịch chủng hát dân ca hiện đại gia nhập vào nền sân khấu dân tộc vốn có bề dày lịch sử. Chúng ta có thể khẳng định rằng, sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh là một biểu hiện của tư duy đúng đắn, phù hợp với yêu cầu bảo lưu, gìn giữ và phát triển vốn văn hóa truyền thống quý báu của quê hương và dân tộc. Nếu tính từ khi thành lập đoàn (nay là Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh) đến nay vừa tròn 50 năm, có thể chia làm 3 giai đoạn thể nghiệm đưa dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu, thể nghiệm kịch hát dân ca và kịch hát Nghệ Tĩnh: Giai đoạn 1 từ năm 1972 - 1985; Giai đoạn 2 từ năm 1986 đến 1991; Giai đoạn 3 từ năm 1992 đến nay.

Theo đó, giai đoạn 1 chủ yếu tập trung làm công tác sưu tầm, nghiên cứu và thể nghiệm một số vở diễn. Trong đó có vở “Cô gái sông Lam” của tác giả Nguyễn Trung Phong chuyển thể từ chèo sang; và đỉnh cao của giai đoạn này là vở “Mai Thúc Loan” của tác giả Phan Lương Hảo được tặng Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp khu vực 4 ở thành phố Vinh năm 1985. Giai đoạn 1 đã tổ chức được hai cuộc hội thảo khoa học quan trọng vào các năm 1976 – 1984.

Giai đoạn 2, ngoài việc tiếp tục thể nghiệm đề tài dân gian dã sử như “Bão táp cửa Kỳ Hoa” của tác giả Phạm Ngọc Côn, “Ông vua hóa hổ” của tác giả Lưu Quang Vũ... Anh chị em nghệ sĩ còn mạnh dạn thể nghiệm đề tài hiện đại như “Hai ngàn ngày oan trái”, “Quyền được sống hạnh phúc” của tác giả Lưu Quang Vũ.

Hừng Đông.jpeg
Một phân cảnh trong vở diễn Hừng Đông. Ảnh:Trung tâm Văn hóa TT&TT

Ở giai đoạn 3 (từ năm 1992 đến nay), đã mạnh dạn thể nghiệm nhiều vở đề tài hiện đại, có một phần đề tài dân gian. Trong đó có một số công trình thể nghiệm thành công như vở “Chuyện tình ông vua trẻ” của tác giả Phùng Dũng đoạt Huy chương Bạc hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995. Thể nghiệm theo phong cách dân gian có vở “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm” của tác giả Vũ Hải đoạt giải Xuất sắc liên hoan sân khấu dân ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999, thể nghiệm theo phong cách mới, từ khâu kịch bản, dàn dựng đến âm nhạc... Vở “Vết chân tròn trong bão tố” của tác giả Vũ Hải năm 1996, với đề tài hiện đại được thể nghiệm theo phong cách mới.

1.jpg
NSND Hồng Lựu vào vai chính trong Vở diễn cánh cò trong cơn bão. Ảnh: Đức Anh

Trong giai đoạn 3, tính từ năm 2003 đến nay, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh tiếp tục thể nghiệm những đề tài đương đại có tính chiến đấu cao, đồng thời xây dựng những vở kịch hát chính sử trong các tác phẩm về các danh nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Đăng Lưu, Lê Hồng Phong... Điển hình là các vở diễn như “Lời Người lời của nước non”, “Sáng mãi niềm tin”, “Hoa lửa Truông Bồn”, “Hừng Đông”, “Thầy và trò”, “Đường đua trong bóng tối”, “Cánh cò trong cơn bão”...

P.V:Các vở diễn kịch hát dân ca xứ Nghệ có thể là “những thước phim” lịch sử hoặc là một chương sử thi sống động, những vở diễn mang hơi thở cuộc sống với những đề tài nóng bỏng có tính hiện thực cao. Bà có thể nói rõ hơn về nhận định này?

Phân cảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung bên mẹ và em trai.JPG
Một phân cảnh trong trích đoạn Bà Hoàng Thị Loan và con trai Nguyễn Sinh Cung. Ảnh: Thanh Nga

NSND Hồng Lựu: 50 năm, kịch hát Nghệ Tĩnh đã thể nghiệm hàng ngàn vở diễn dài ngắn khác nhau, ở tất cả các đề tài dân gian truyền thuyết, lịch sử, hiện đại, biểu diễn phục vụ khán giả ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh được đông đảo quần chúng thực sự yêu mến. Nhiều vở diễn xuất sắc, được đánh giá cao, đạt các Huy chương Vàng, Bạc trong các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc như “Không phải tôi” (1970), “Mai Thúc Loan” (1985), “Chuyện tình ông vua trẻ” (1995), “Quê hương trong trái tim Người”, “Lời Người lời của nước non” (2005), “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm”, “Cánh cò trong cơn bão” (2023); ... Các vở diễn trên đã để lại trong lòng công chúng và chứng tỏ loại hình kịch hát ví, giặm đã tìm được một chỗ đứng khá vững chắc trong đời sống nghệ thuật.

Phần nhiều trong các vở kịch hát biểu đạt lại những thước phim lịch sử, hoặc khắc họa chân dung lãnh tụ, các danh nhân xứ Nghệ cũng được Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh chăm chút, chú trọng. Hầu hết các vở này ngợi ca công lao to lớn của các vị tiền bối, đồng thời khắc họa chân dung cao đẹp, có sức sống mãnh liệt trường tồn trong đời sống hiện đại. Điển hình như các vở “Mai Thúc Loan”, “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm”, “Lời Người lời của nước non”, “Sáng mãi niềm tin”...

Ngoài ra còn có các đề tài về dã sử, huyền thoại dân gian, cách mạng, hiện đại, với các thể loại chính kịch, bi kịch, hài kịch... để lại những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả. Nếu coi một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nghệ thuật là phải phát hiện và giúp cho công chúng nhận ra những giá trị đích thực trong muôn vàn hiện tượng; đan xen lẫn lộn giữa tốt, xấu, đúng, sai; thực, giả... thì những vở diễn ở đề tài hiện đại đã đi theo hướng đó. Trong các tác phẩm suốt hơn 50 năm qua có hơn 50% là đề tài hiện đại. Vì lẽ, ngay từ ngọn nguồn, sân khấu luôn là diễn đàn của những vấn đề xã hội nóng bỏng. Nó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong định hướng và dẫn đường dư luận, đồng thời là yếu tố lôi kéo người xem đến với sân khấu, nhất là ở những thời điểm cuộc sống đang ở vào giai đoạn chuyển đổi đầy mâu thuẫn như hiện nay.

Các vở diễn đề tài hiện đại thực sự bám sát đời sống, đề cập tới nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống mà xã hội quan tâm. Đặc biệt từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước cho đến nay, hàng loạt vở diễn về đề tài hiện đại ra đời nhằm phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước như các vở “Hai ngàn ngày oan trái” (1988), “Quyền được hưởng hạnh phúc” (1990), “Nước mắt đứa con út” (1991), “Nỗi đau lòng mẹ” (1992), “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm” (1999), “Vượt lên số phận” (2000), “Lời Người lời của nước non” (2005), “Cánh cò trong cơn bão” (2023)... Đã thực sự gây những tiếng vang lớn. Nhiều vở diễn kéo dài tuổi thọ chục năm, vẫn được đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân đón nhận nồng nhiệt như “Nước mắt đứa con út”, “Giá đời phải trả”, “Thầy và trò”, “Đường đua trong bóng tối”...

P.V:Hoạt động biểu diễn trong những năm gần đây thực ra là một hình thức đi tìm khán giả, chứ không phải khán giả đi tìm sân khấu, nên phải tạo ra nhiều hình thức hoạt động. Bà suy nghĩ như thế nào về vấn đề này, và những chia sẻ của bà về hoạt động kịch hát sân khấu trong những năm gần đây?

Một trường đoạn trong vở diễn Hồ Xuân Hương .jpg
Một trường đoạn trong vở diễn Hồ Xuân Hương. Ảnh: NVCC

NSND Hồng Lựu: Những năm gần đây, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh tập trung thể nghiệm trọng tâm ở đề tài hiện đại, thể hiện cuộc sống của con người đương thời trên nhiều lĩnh vực. Với chất trữ tình đằm thắm và vận dụng sáng tạo những bài hát mới vào vở diễn, kịch hát ví, giặm có khả năng thích ứng và đáp ứng được mọi vấn đề của cuộc sống đương thời đang đặt ra, đặc biệt thể hiện tình cảm, đời sống nội tâm của con người hiện đại, khuấy động dư luận, thức tỉnh lương tâm, thanh lọc tâm hồn, kiến nghị với dư luận về một số vấn đề xã hội. Tiêu biểu là những vở diễn “Giá đời phải trả”, “Hận thù từ đâu tới”, “Vụ án Am Bụt Mọc”, “Thầy và trò”, “Đường đua trong bóng tối”... đã gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ băng hoại nhân cách, khi mà tiền tài, danh vọng, địa vị đang bào mòn giá trị tinh thần của con người.

Ý thức cảnh báo ấy đã được thể hiện khá rõ trong các đề tài hiện đại trong thời gian gần đây. Chính vì vậy mà đề tài hiện đại làm cho kịch hát ví, giặm có sức hấp dẫn. Nghệ thuật nào cũng có tính hấp dẫn, nếu thiếu sức hấp dẫn thì sẽ khó gần gũi với khán giả, với cuộc sống hơn. Sức hấp dẫn của đề tài hiện đại là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, bên cạnh truyền thống là sáng tác các ca khúc, các làn điệu mới tạo nên sự thành công của vở diễn, làm cho tác phẩm có sức sống lâu dài. Trước kia, trong thời kỳ bao cấp, tư duy sáng tạo nghệ thuật, các tác phẩm coi giáo dục là nhiệm vụ chính trị hàng đầu thì nay để phát triển và tồn tại trong cơ chế thị trường, thì tính giải trí của nghệ thuật phải được coi trọng. Tất nhiên, không vì quan tâm tới tính giải trí mà coi thường ý nghĩa nhân văn của tác phẩm.

Với nhiều quy mô hoạt động khác nhau, mở rộng địa bàn biểu diễn làm cho nghệ thuật sân khấu gắn với đời sống xã hội, gần gũi với công chúng hơn, tạo nên mối đồng cảm giữa công chúng với sân khấu. Cho nên khi xây dựng các vở diễn không thể tính đến công chúng nghệ thuật. Có nhiều công chúng nghệ thuật, nhưng ở Nghệ An công chúng nghệ thuật chủ yếu là công chúng phổ thông, đại chúng.

Vì vậy, việc xác định tính chất đối tượng của từng tác phẩm cho phù hợp với từng loại công chúng là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng. Xây dựng những vở diễn vừa có giá trị nghệ thuật cao, vừa có tính chất phổ cập, đại chúng là một vấn đề đáng quan tâm.

Những năm gần đây chúng tôi đã tích cực xây dựng nhiều vở diễn hay có sức lay động tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt hướng đến đông đảo mọi đối tượng trong xã hội. Đồng thời luôn chú trọng về cách tiếp cận với khán giả từ trực tiếp đến gián tiếp. Nhiều vở diễn được biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn hàng chục lần mà vẫn được khán giả yêu cầu diễn lại.

Bên cạnh đó, các đề tài và cách thức trình diễn cũng được chúng tôi làm mới đáp ứng thị hiếu của công chúng. Và một điều đáng mừng rằng, sân khấu kịch hát dân ca xứ Nghệ ngày càng có nhiều khán giả mê đắm.

P.V:Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Thanh Nga