Clip: Xuân Hoàng Những ngày cuối tháng 9, nghề bắt chuột đồng ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành bắt đầu vào dịp cao điểm nhất trong năm. Vì vậy, khi đặt chân đến địa bàn xã Đức Thành đã thấy nhiều điểm bán chuột đồng. Chị Nguyễn Thị Hà ở xóm 2 Quyết Thắng cho biết, chuột đồng thường được làm bằng cách thui rơm. Rơm được rải một lớp, sau đó đặt chuột lên, rồi phủ một lớp rơm ở trên là châm lửa để thui đến khi nào lông cháy đều là được. Ảnh: Xuân Hoàng Chuột đồng bán cho khách yêu cầu phải còn sống, nếu khách yêu cầu làm thịt luôn thì mới làm. Ảnh: Xuân Hoàng Sau khi thui lửa xong, bà con tiến hành lột da, cắt hết chân, đuôi, đầu và mổ bụng lấy hết phần ruột ra, khách mang về chỉ việc chế biến. Ảnh: Xuân Hoàng Hiện nay chuột đang sống có giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, sau khi làm thịt xong bán cho khách với giá 80.000 - 100.000 đồng/kg. Theo người dân, do truyền thống của khách hàng trong huyện thường chế biến thành món chuột nấu sả ớt, hoặc bằm viên... nên chỉ cần lột da là được.. Ảnh: Xuân Hoàng Tuy nhiên, cũng có những khách hàng nấu thịt chuột kiểu giả cầy, nên sau khi làm sạch lông là thui vàng bằng rơm cho khách. Ảnh: Xuân Hoàng Ông Cung Đình Mậu - chủ một cơ sở thu mua chuột lớn nhất xã Đức Thành cho biết: Để có nguồn chuột đồng, hàng ngày, rất nhiều nhóm người tổ chức đi săn bắt chuột trên các cánh đồng trong và ngoài tỉnh. Chuột đồng được săn bắt quanh năm, nhưng từ tháng 8 đến tháng 10 là thời điểm nhiều chuột đồng nhất, có những ngày cơ sở của ông Mậu thu mua trên dưới 1 tấn chuột đồng. Do nhu cầu thị trường cao, nên chuột đồng có bao nhiêu cũng bán hết. Ảnh: Xuân Hoàng Những ngày mưa lụt, lượng chuột bắt được nhiều hơn, bởi ngoài các nhóm thợ săn bắt chuyên nghiệp thì nhiều thanh niên trong xã cũng rủ nhau ra đồng bắt chuột lụt. Sau khi thu mua xong, họ lựa chuột thành 2 loại. Theo đó, chuột loại một từ 3 - 4 con/kg; chuột loại hai từ 5 - 7 con/kg. Ảnh: Xuân Hoàng Các cơ sở thu mua chuột đồng ở Đức Thành cho biết, để phân biệt chuột đồng với chuột nhà là không khó. Chuột đồng béo, phần lông dưới bụng màu trắng, phần lông phía trên có màu mun. Còn chuột nhà gầy, lông màu vàng và hôi. Yêu cầu đặt ra là chuột phải đang sống mới thu mua, do vậy, các nhóm thợ săn bắt chuột đồng chủ yếu sử dụng bẫy để bắt. Ông Hà Văn Sơn, một thợ săn bắt chuột cho hay, mình bắt chuột là góp phần bảo vệ mùa màng, cây trồng... nên đến địa phương nào cũng được chính quyền và người dân ủng hộ, bởi bắt chuột bằng đặt bẫy chứ không đào hang làm ảnh hưởng đến đồng ruộng. Ảnh: Xuân Hoàng Ông Hoàng Khắc Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thành cho biết: Nghề săn bắt chuột ở Đức Thành có từ lâu, nhưng bắt chuột làm hàng hoá là từ khoảng 10 năm lại nay. Hiện, trong xã có khoảng 200 người chuyên đi bắt chuột bằng bẫy trên các cánh đồng, không những trong tỉnh mà còn ra Thanh Hoá, vào Hà tĩnh. Họ lập thành nhóm 3 - 4 người, nếu bắt ở cánh đồng xa thì 2 - 3 ngày họ về một lần. Chuột đồng nhiều vô kể, nên trên địa bàn xã hiện có 2 điểm thu mua lớn, ngoài ra còn có khoảng 10 điểm thu mua nhỏ. Hàng năm, người dân Đức Thành bắt được hàng chục tấn chuột đồng, thu về hàng tỷ đồng. Chuột bắt được, một phần làm thịt tại chỗ cho khách hàng đến mua, phần lớn nhập cả lồng chuột sống ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Vào buổi sáng hàng ngày, tại một số nơi trên địa bàn xã trở thành điểm mua bán chuột đồng đông đúc, sôi động như chợ. Trong ảnh: Chuột đồng được nhốt trong các lồng sắt, chuẩn bị vận chuyển ra Bắc. Ảnh: Xuân Hoàng
Xuân Hoàng