Giáo sư Nguyễn Xiển - một người Vinh lỗi lạc
(Baonghean.vn) - Giáo sư Nguyễn Xiển (1907 – 1997) là “một trí thức yêu nước, yêu dân chủ và tiến bộ” như ông từng xác nhận. Ông đến với Cách mạng như một lẽ tự nhiên của một người yêu nước và vì kính trọng, tin tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
1. Giáo sư Nguyễn Xiển sinh ngày 27/7/ 1907 tại làng Trung Mỹ, xã Yên Trường (nay là phường Hồng Sơn, thành phố Vinh) trong một gia đình có truyền thống Nho học lâu đời, có ông nội và cha đỗ cử nhân rồi lần lượt tham gia các phong trào Cần vương và Văn thân.
Thuở nhỏ, Nguyễn Xiển học chữ Hán ở làng. Lên 10 tuổi, ông học tại trường Tiểu học Pháp - Việt. Trong các năm 1921 - 1924 ông học Quốc học Vinh, tốt nghiệp rồi ra Hà Nội học Trường Trung học Bản hộ (Trường Bưởi). Năm 1926, ông bị đuổi học và bị cấm thi tú tài bản xứ vì tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh. Ông quyết chí tự học rồi thi đỗ Tú tài Tây vào năm 1928 tại Trường Trung học Albert Sarraut.
Nhờ học giỏi, đỗ cao, năm 1928, Nguyễn Xiển cùng Nguyễn Văn Định, Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Tỷ, với sự giúp đỡ của Tổng đốc Nghệ An Phạm Liệu và Án sát Nguyễn Khắc Niêm đã đoạt học bổng Hội Như Tây du học Trung Kỳ, đi du học Pháp.
Tại Pháp, lúc đầu ông học tại Viện Kỹ thuật cơ điện thực hành Toulouse, sau đó chuyển sang học khoa học cơ bản, chủ yếu là Toán. Sau 4 năm, có bằng cử nhân khoa học, đã bảo vệ luận án cao học để chuẩn bị thi thạc sỹ, có thể ở lại học tiếp để bảo vệ tiến sỹ nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông về nước vào năm 1932. Với “xu hướng là một trí thức tự do cũng làm tôi chọn nghề dạy học trường tư” (hồi ký). Ông cùng một lúc dạy ở các trường Thăng Long, Gia Long, Hồng Bàng. Từ năm 1935, ông dạy ở Trường Bưởi.
Năm 1937, ông được chuyển sang làm kỹ sư khí tượng. Ông là người Việt Nam đầu tiên được tuyển vào ngạch khí tượng Đông Dương. Từ 1938 đến 1941, ông chuyển vào làm việc ở Đài khí tượng Sài Gòn. Năm 1941, ông được cử làm trưởng đài thiên văn Đông Dương ở Phủ Liễn (Kiến An – Hải Phòng). Trong thời gian này, ông tham gia và làm Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ tỉnh Kiến An.
Năm 1942, ông cùng các ông Hoàng Xuân Hãn, Đặng Phúc Thông, Nguyễn Duy Thanh, Nguyễn Đình Thụ sáng lập báo Khoa học do ông làm chủ nhiệm. Mục đích của tờ báo là “truyền bá rộng kiến thức khoa học bằng tiếng Việt, chuẩn bị cho một nền giáo dục tương lai của đất nước”.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, tình hình chính trị phức tạp và căng thẳng, ông chỉ kiên tâm làm khoa học, không tham gia đảng phái hoặc nghiêng ngả theo phe phái nào, không tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim. Ngày 17/8/1945, ông tham gia biểu tình ủng hộ Việt Minh; ngày 19/8, ông là người khuyên ông Nguyễn Xuân Chữ - Khâm sai Bắc Bộ, ra lệnh cho binh sĩ hạ vũ khí đầu hàng. Tiếp đó, ngày 22/8/1945, ông và Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum và Hồ Hữu Tường đã cùng nhau đánh điện vào Huế yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, giao cho Việt Minh thành lập Chính phủ.
Chính phủ cách mạng lâm thời thành lập, ông khước từ lời mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính mà tiến cử những vị trí thức khác như Đặng Phúc Thông, Trần Đăng Khoa. Sau đó, vì kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã nhận lời giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân Bắc Bộ (sau đổi là Ủy ban Hành chính) kiêm Giám đốc Nha Khí tượng Việt Nam. Nhận nhiệm vụ, ông đã cùng UBND Bắc Bộ bắt tay ngay vào việc tiếp quản chính quyền cũ, xây dựng các ủy ban hành chính các cấp từ tỉnh đến xã, khẩn trương giải quyết các việc cấp bách trước mắt. Ông đã chỉ đạo thành công việc sửa chữa đê đập bị vỡ bởi trận lũ lớn tháng 8 năm 1945 ở 13 tỉnh Bắc Bộ.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông lên chiến khu Việt Bắc. Ông tình nguyện chuyển sang Bộ Giáo dục để góp sức vào việc xây dựng ngành giáo dục đại học Việt Nam. Năm 1947, ông mở lớp toán cao cấp hàm thụ. Sau đó ông là Giáo sư trong Ban Giám đốc của Trường Khoa học bản và Sư phạm cao cấp tại Khu học xá Trung ương đóng ở Việt Bắc, sau đó phải sơ tán sang Nam Ninh (Trung Quốc) một thời gian. Tại Việt Bắc, ông đã biên soạn hai cuốn sách giáo trình là Toán học đại cương và Cơ học thuần lý. Hai cuốn này về sau được dạy cho ngành Khoa học cơ bản và Sư phạm cao cấp.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Xiển trở về Hà Nội, khẩn trương khôi phục, xây dựng và phát triển ngành khí tượng thủy văn ở miền Bắc và phạm vi cả nước sau kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Ông được xem là người khai sinh ngành khí tượng thủy văn Việt Nam. Ông đã có nhiều công trình khoa học về khí tượng, là tác giả của nhiều công trình khoa học khí tượng thủy văn có giá trị lớn như Đặc điểm khí hậu miền Bắc Việt Nam, Tập bản đồ khí hậu miền Bắc Việt Nam…
Ông là người đặt quan hệ hợp tác về khí tượng với các nước; ông từng đề xuất và được chấp nhận tổ chức Năm vật lý địa cầu quốc tế tại Việt Nam năm 1957 mà ông là Chủ tịch Ủy ban của Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Xiển cũng là người có công lớn trong việc xây dựng lịch pháp Việt Nam. Ông là Phó Chủ nhiệm đầu tiên của Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước, là Hội trưởng đầu tiên của Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam. Về truyền bá khoa học, tiếp tục tinh thần báo Khoa học, ông chủ trương và là Chủ nhiệm đầu tiên của báo Khoa học và đời sống (1956).
Với tư cách chính khách, ông là sáng lập viên, Phó Tổng thư ký Đảng xã hội (1946), Tổng Thư ký từ năm 1956 cho đến khi đảng này chấm dứt hoạt động (1988). Ông là Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VIII, Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VII; Bộ trưởng Bộ Cứu tế (1957).
Tin tưởng và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà giáo, nhà khoa học Nguyễn Xiển đã suốt đời cống hiến cho Cách mạng. Dẫu cho có những lúc ông và những trí thức cùng thế hệ không tránh khỏi gặp phải những định kiến hẹp hòi và nông cạn, nhưng ông vẫn trước sau thủy chung với lý tưởng yêu nước, thương dân, trọng dân vì sự tiến bộ.
Không hề ngẫu nhiên, năm 1957, Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ sau những sai lầm trong cải cách ruộng đất, ông đã được tín nhiệm chủ trì phiên họp. Dưới sự điều hành của ông, Chính phủ vẫn tiếp tục hoạt động. Ông đã vượt qua được những rào cản, những mặc cảm để nhìn vào đại cục, vào quyền lợi của Dân, của Nước mà hành động. Không phải ông không lên tiếng phê phán, góp ý về những sai lầm, khuyết điểm, nhưng ông luôn hành xử sáng suốt với tư cách và phẩm chất của một nhà trí thức lớn.
Là người đứng đầu Đảng Xã hội, Nguyễn Xiển luôn nỗ lực tập hợp khối đoàn kết trí thức, động viên trí thức tham gia vào cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đồng thời ông cũng sớm lên tiếng đề xuất với Đảng và Nhà nước về chính sách đối với trí thức. Từ năm 1956, ông đã có loạt bài viết “Chính sách cụ thể với trí thức”, “Vấn đề đãi ngộ đối với trí thức”, “ Vấn đề đãi ngộ về tinh thần đối với trí thức” trên báo Tổ Quốc các số 44, 45 và 46.
Ông viết: “ Muốn động viên và phát huy đầy đủ lực lượng trí thức, phải sắp xếp và sử dụng anh chị em cho hợp lý. Mà muốn sắp xếp và sử dụng hợp lý thì phải quan niệm cho đúng vai trò và tác dụng của trí thức, phải đả phá tư tưởng chủ quan hẹp hòi, thành phần chủ nghĩa trong một số cán bộ phụ trách… Đã coi thường, đã không tin, đã không chịu hiểu chỗ hay của họ thì làm sao tận dụng được khả năng của họ?”.
2.Đọc Hồi ký của ông, viết năm 1995, trước ngày mất hai năm, ta thấy rất rõ trong ông có một tình yêu thật sâu sắc và trìu mến với quê hương, với dòng tộc, bạn bè. “Tôi rất mực tự hào về mảnh đất quê hương đầy tinh hoa và truyền thống, chịu ơn sâu nghĩa nặng vô cùng của Xứ Nghệ từng gián tiếp hay trực tiếp ban cho tôi những ảnh hưởng và tính cách sâu xa nhất định”.
Xa quê ngót 70 năm trời, ông vẫn nhớ như in về quê, về làng của ông và thành phố Vinh của ông. “Dưới con mắt của tôi hồi nhỏ tuổi, Vinh vẫn mang tính chất nửa thành thị, nửa nông thôn, có một số công sở, trại lính người Pháp, đồng thời giữ nguyên một số di tích phong kiến. Còn nhiều mái nhà tre lá lúp xúp bên cạnh phố xá mọc lên những cửa hiệu, tiệm buôn nhỏ. Dân cư người số đông là phu thợ và người Hoa nắm công việc buôn bán, còn là một số người Bắc vào làm công chức, ký lục, xếp ga hoặc làm nghề thủ công, chữa đồng hồ, may mặc…..”.
“Xóm của tôi có một cái tên rất đẹp là Thanh Thủy, có lẽ vì con sông đào chảy qua tiếp với kênh Nhà Lê ra Thanh Hóa. Tôi thường nhớ đến làng quê qua một số di tích văn hóa lịch sử. Về phía Nam gần nhà tôi có đền Tam Tòa xây trên một gò cao nhất thành phố. Đền này thờ một vị tướng nhà Trần đánh giặc bị thương về đến đó ngã ngựa…”.
Những ai quan tâm tìm hiểu về Vinh, nếu đọc Hồi ký của ông chắc sẽ hiểu biết thêm rất nhiều. “Làng tôi có chợ Vinh. Xưa là chợ riêng của xã Yên Trường… Chợ nằm dọc sông Cửa Tiền, thuyền bè tấp nập. Chợ chạy dài từ góc đình hàng Trống lên đến nhà Ông. Từ phố Khánh nhộn nhịp có một con đường mở thẳng vào cổng chính của chợ. Ngoảnh mặt vào chợ là một dãy cửa hàng chia thành ô bán đủ thứ….”.
Trong Hồi ký, Vinh và Yên Trường của ông, mảnh vườn của ông, gia đình và láng giềng của ông, những phong tục tập quán của Vinh được dựng lên thật chi tiết, thật đẹp. Những chi tiết, câu chuyện chỉ có thể là người trong cuộc và thật sự yêu mến mới có thể nhớ được, viết được khi đã ở tuổi 90. “Tuổi thơ tôi đã biết bao lần thả mình lạc vào giữa chợ để mơ được thưởng thức những của ngon vật lạ trên rừng dưới biển. Ngày phiên chợ Tết, cha dắt tôi vào chợ mua một số hương liệu, gỗ trầm, sáp ong đưa về, dạy cho tôi làm những cây hương trầm, cây hồng lạp để thắp trong ngày tết…”.
Tình yêu quê hương là một động lực nâng bước cho ông trên con đường học tập phấn đấu trở thành người trí thức chân chính. “Xa quê hương, tôi vẫn ghi nhớ công ơn của tiên tổ, của bà con làng xóm, họ hàng thân thuộc. Ngày tôi vào Huế thi tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học, nhiều nhà của ít lòng nhiều đã quyên góp từng quan tiền giúp tôi lộ phí đi thi. Khi cả làng tỏ ý hoan hỉ trông mong ở những thành tích học tập của mình, tôi cảm thấy được khuyến khích thì phải làm nên những việc gì hữu ích cho đất nước…. vẫn tâm niệm cố gắng giữ gìn những giá trị truyền thống tích cực của nhà nho đất Nghệ, của kẻ sĩ dân tộc”.
Quê hương, tiên tổ luôn là nỗi ưu tư của ông. Những năm cuối đời, sức khỏe sút kém, ông vẫn chống gậy về quê để thúc giục con cháu xây dựng lại cho xong nhà nhà thờ trước lúc ông nhắm mắt. Trước ngày mất không lâu, ông đã về nhà thờ, phủ phục trước tổ tiên mà khóc. Những giọt nước mắt chỉ dành cho quê hương và tổ tiên của một bậc trí thức can trường.
Ông là “một trí thức yêu nước, yêu dân chủ và tiến bộ”, một kẻ sĩ hiện đại suốt đời vì Khoa học và Tổ quốc. Người Vinh, người xứ Nghệ tự hào về ông - một người Vinh lỗi lạc.