Còn đâu tình làng nghĩa xóm…
(Baonghean.vn) - Giữa hai gia đình là hàng xóm, từng có thời gian thân tình “tối lửa tắt đèn có nhau”, nhưng từ khi vướng vào tranh chấp đất đai thì hai bên xảy ra nhiều hiềm khích. Đỉnh điểm là việc hai cha con đã đoạt mạng hàng xóm khi người này vác dao sang nhà “nói chuyện”.
Án mạng vì mâu thuẫn tranh chấp đất đai
Phòng xử án số 1, TAND tỉnh Nghệ An một ngày cuối tháng 9 chật kín người dân tham dự. Ngoài người thân của 2 bị cáo và bị hại thì bà con xóm giềng quan tâm đến vụ án đều gác công việc để đến tòa. Giữa “rừng người” có mặt tại tòa, màu khăn trắng của gia đình bị hại hiện rõ. Tấm di ảnh người quá cố được gia đình bị hại ôm chặt, còn ở hàng ghế bên kia vợ của bị cáo cũng mang nỗi niềm riêng.
Hai bị cáo Trần Xuân Dũng (56 tuổi), Trần Xuân Hùng (26 tuổi) và bị hại Trần Văn Q. là hàng xóm, sống tại xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ. Xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau nên giữa hai nhà từng có khoảng thời gian thân tình. Thế nhưng, mọi xung đột bắt nguồn từ việc hai bên có mâu thuẫn liên quan đến đất đai.
Không tìm được tiếng nói chung dẫn đến hai bên thường xảy ra cãi cọ, chửi bới nhau. Mâu thuẫn ấy cứ âm ỉ kéo dài từ năm này qua năm khác khiến tình làng nghĩa xóm rạn nứt. Để rồi, từ tranh chấp đất đai đã đẩy hai gia đình vào bi kịch vụ án mạng.
Khoảng 19h15, ngày 24/3/2023 ông Trần Văn Q. mang theo một con dao đứng trước cổng nhà Dũng chửi bới, đe dọa. Đấu “võ mồm” xong, ông Q. một tay cầm dao, tay kia cầm 2 quả bi-a nhảy lên ghế, bàn đuổi đánh Dũng khiến những người có mặt tại đó bỏ chạy.
Đúng lúc này, vợ ông Dũng đi chợ về nhà liền van xin ông Q. đừng gây sự “có gì từ từ nói chuyện”. Đáp lại, Q. dọa sẽ giết Dũng và đuổi đánh ông này nhưng không được nên tiếp tục quay lại sân chửi bới. Bị hàng xóm cầm hung khí đuổi đánh, Dũng lấy 1 thanh kim loại đánh vào tay Q. làm con dao rơi xuống sân.
Lúc này, Trần Xuân Hùng (con trai Dũng) cầm con dao từ trong bếp chạy ra, chém vào đầu ông Q. Nạn nhân bỏ chạy, Hùng tiếp tục chém nhiều nhát vào bả vai, vùng lưng người hàng xóm. Dũng đứng gần đó tiếp tục đánh vào người ông Q. khiến nạn nhân gục xuống bất tỉnh và tử vong sau đó. Chiều hôm sau, Hùng đến công an đầu thú.
Trả lời những câu hỏi của tòa, hai bị cáo thừa nhận giữa hai gia đình có tranh chấp đất đai kéo dài nhưng nguồn cơn sự việc hôm đó là do bị hại cầm dao sang nhà chửi bới, gây sự trước. Dũng khai trước tòa: “Người ta cầm theo hung khí xông vào nhà chửi bới, dọa giết, bị cáo là trụ cột gia đình nên có trách nhiệm bảo vệ”.
Là người cầm dao chém nhiều nhát vào người bị hại, bị cáo Hùng trình bày vì bức xúc khi thấy hàng xóm chửi bới, đe dọa, rượt đuổi bố mình nên không kiềm chế được hành vi của bản thân. Trước câu hỏi vì sao khi bị hại đã mất khả năng kháng cự, bị cáo vẫn không dừng tay thì Dũng im lặng, rồi trả lời “do phòng vệ”.
Tại phiên tòa, hai bị cáo tỏ ra hối hận về hành vi sai trái. Sau khi vụ việc xảy ra, cả hai đã tác động gia đình lo toàn bộ chi phí mai táng cho bị hại. Trước sự có mặt của đại diện bị hại tại phiên tòa, hai bị cáo đã gửi lời xin lỗi, đồng thời tỏ thiện chí muốn giải quyết xong về phần bồi thường dân sự cho gia đình bị hại.
Bài học về tình làng nghĩa xóm
Nỗi đau mất đi người chồng, người cha, người trụ cột trong gia đình khiến vợ và các con của bị hại không kiềm chế được xúc động, có lời trách móc. Gia đình bị hại đề nghị tòa xét xử các bị cáo theo quy định pháp luật. Đối diện với nỗi đau của gia đình bị hại, hai bị cáo chỉ biết cúi mặt.
Sau một ngày xét xử với sự phân tích của HĐXX và luật sư, gia đình bị cáo và bị hại dần có được thống nhất về phần bồi thường dân sự. Ngay tại phiên tòa, hai bên đã thỏa thuận, đền bù xong về phần dân sự. Đồng thời, mong muốn sau khi phiên tòa khép lại thì hai gia đình sẽ “gỡ” được mâu thuẫn bấy lâu để cuộc sống không còn hiềm khích như trước.
Đại diện VKSND tỉnh Nghệ An thực hành quyền công tố tại phiên tòa nêu quan điểm, nguyên nhân của vụ án này xuất phát từ những mâu thuẫn, tranh chấp thường thấy trong cuộc sống người dân. Giá như hai bên sớm tìm được tiếng nói chung để gỡ vướng mắc ấy thì đã không có sự việc đáng tiếc này. Vụ án là bài học chung cho nhiều người trong cách ứng xử với nhau ở cuộc sống thường nhật.
Sau quá trình xét xử, HĐXX nhận định việc gia đình bị cáo đã bồi thường toàn bộ thiệt hại theo yêu cầu của đại diện bị hại là tình tiết giảm nhẹ. Bên cạnh đó, hai bị cáo còn có thêm các tình tiết giảm nhẹ khác như thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi, tích cực tham gia đóng góp trong phong trào phòng chống dịch Covid-19… Tòa cũng nhận định trong vụ án này, các bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của bị hại gây ra, do đó tuyên phạt bị cáo Trần Xuân Hùng 11 năm tù, Trần Xuân Dũng 4 năm tù.
Vậy là, chỉ vì mâu thuẫn đất đai, hai gia đình vốn là hàng xóm lại trở thành bị cáo và bị hại trong vụ án giết người. Những người đàn ông trụ cột trong gia đình, người thì mất, kẻ vào tù để lại gánh nặng cho các bà vợ. Từ nay trở về sau cuộc sống của hai gia đình vẫn tiếp diễn, họ vẫn là hàng xóm nhưng ít nhiều sẽ không dễ dàng như trước. Đây chính là bài học đắt giá cho tất cả mọi người trong các mối quan hệ xã hội, bởi cuộc sống cần lắm sự nhẫn nhịn và sẻ chia…