Hiệu quả xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa ở Nghi Lộc

Thu Hương 27/09/2023 14:30

(Baonghean.vn) -Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao cả về chất và lượng của phong trào phát triển văn hóa ở cơ sở; đặc biệt trong xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa.

bna_ Ảnh 4 NL.jpg
Quang cảnh trung tâm huyện Nghi Lộc nhìn từ trên cao. Ảnh: PV

Lan tỏa phong trào

Liên tục nhiều năm liền giữ vững danh hiệu văn hóa, những năm qua, cán bộ và nhân dân thôn 5, xã Nghi Văn luôn giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương và trở thành một trong những điểm sáng trong thực hiện phong trào xây dựng thôn văn hóa trên địa bàn huyện Nghi Lộc.

Ông Lương Ngọc Ân - Bí thư Chi bộ thôn 5, xã Nghi Văn cho biết: “Thôn 5 được sáp nhập từ 2 thôn 5A và 5B theo Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh Nghệ An ngày 25/9/2019. Sau khi sáp nhập, thôn đã tổ chức xây dựng quy ước, hương ước và được người dân thực hiện nghiêm túc. Thôn huy động nhân dân đầu tư xây dựng nhà văn hóa với tổng trị giá trên 626 triệu đồng; trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống đường cờ trên tất cả các tuyến đường trong xóm; mua sắm dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời và các thiết chế văn hóa khác... với tổng giá trị gần 1,2 tỷ đồng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được quan tâm đẩy mạnh. Tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn đạt trên 95%; tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục, thể thao đạt 67%, trong đó, có 45% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao...”.

Với những nỗ lực phấn đấu và kết quả đạt được, năm 2022, thôn 5 của xã Nghi Văn được UBND huyện công nhận đạt tiêu chuẩn làng văn hóa tiêu biểu cấp huyện; đồng thời, đang xây dựng thôn văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023. Xã chỉ đạo xây dựng mô hình thôn thông minh trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.

Ngoài thôn 5, hiện nay, các thôn ở xã Nghi Văn cũng đang đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Để phong trào đi vào cuộc sống, UBND xã chỉ đạo các thôn xây dựng chương trình công tác cụ thể, triển khai đầy đủ các nội dung đến từng người dân, trong đó, cán bộ, đảng viên luôn là hạt nhân của phong trào.

bna_ Ảnh 1 NL.jpg
Thôn 5, xã Nghi Văn (Nghi Lộc) đạt tiêu chuẩn “Làng Văn hóa tiêu biểu” cấp huyện. Ảnh: PV

Ông Đoàn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Nghi Văn cho biết: “Để phong trào xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, các cấp, ngành, đoàn thể trong xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền từng nội dung của phong trào để người dân nắm bắt và thực hiện. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tích cực thực hiện hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng phong trào, trong đó, tập trung vào nâng cao chất lượng đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa và các hoạt động văn hóa, thể thao, thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang...

Nhờ đó, 19/19 thôn của xã luôn đạt danh hiệu Làng văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2022 đạt 91,3% trở lên. Có 78 hộ gia đình tiêu biểu được tỉnh tặng Giấy khen vì có thành tích 3 năm liên tục (2019, 2020, 2021) đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa...”.

Hiện phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa đã lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Nghi Lộc với sự vào cuộc chủ động, tích cực của người dân. Đặc biệt, qua phong trào nhiều hạng mục, thiết chế văn hóa, thể thao của thôn, tổ dân phố đã được chính quyền địa phương, người dân đồng thuận hỗ trợ xây dựng như: cổng làng, nhà văn hóa, sân thể thao, đường liên thôn…

Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng được phát triển. Từ đó, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy...

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Thực hiện Đề án 06 ĐA/HU ngày 22/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc về việc nâng cao hiệu quả và chất lượng xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, sau 2 năm triển khai phong trào đã thổi luồng gió mới làm thay đổi bộ mặt đời sống - xã hội trên địa bàn.

bna_ Ảnh 3 NL.jpg
Ở các tổ, xóm dân cư người dân tích cực tham gia phòng trào thể dục thể thao. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Đình Hùng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nghi Lộc cho biết: “Xác định việc xây dựng đời sống văn hóa gắn với diện mạo nông thôn mới văn hóa, văn minh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Trong quá trình xây dựng làng văn hóa, huyện luôn thực hiện theo phương châm: Tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau; việc nào thuộc về nhân dân thì gia đình, dòng họ đảm nhiệm; việc nào thuộc trách nhiệm tập thể thì phát động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Thể hiện rõ nét nhất là các công trình được xây dựng mới, nhiều tuyến đường được mở rộng, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, hệ thống đèn chiếu sáng dọc hai bên các tuyến đường tô điểm thêm cho bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc”.

Từ những cách làm sáng tạo, phong trào xây dựng làng văn hóa trên địa bàn huyện đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân; việc huy động xã hội hóa đóng góp tiền của, ngày công để chỉnh trang, nâng cấp các hạng mục, thiết chế văn hóa được thực hiện khá hiệu quả. Được biết, đến nay, toàn huyện có 84 - 86% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa” (đạt 89%); hoàn thành xây mới 59/118 nhà văn hóa thôn (đạt 50% kế hoạch); có 250/250 xóm, tổ dân phố có thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL (đạt tỷ lệ 100%), trong đó, có 110 nhà văn hóa đạt quy mô 70% chỗ ngồi (theo Nghị quyết 28)...; hàng năm có từ 88 - 90% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”...

Tình hình an ninh, trật tự ở các thôn, xóm được giữ vững, ổn định; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang dần đi vào nền nếp. Đời sống kinh tế của nhân dân ở các làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa luôn ổn định và từng bước phát triển; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước (năm 2021 đạt 45 triệu đồng/người/năm, đến năm 2023 là 50 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo ở các làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa nhìn chung thấp hơn mức bình quân chung của huyện; trong đó, nhiều đơn vị không còn hộ nghèo...

Cùng với đó, phong trào xây dựng mô hình “Làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu” luôn được huyện quan tâm, chỉ đạo. Hàng năm, mỗi xã chọn ít nhất 1 xóm, tổ dân phố để xây dựng mô hình “Làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu”. Năm 2022, UBND huyện đã công nhận mô hình cho 11 xóm thuộc 9 xã; năm 2023, có 17 xóm thuộc 17 xã đăng ký công nhận mô hình. Các xóm được công nhận mô hình làng văn hóa tiêu biểu cấp huyện thực sự nổi nét, có các điểm sáng, tiêu biểu trên các tiêu chí, như cảnh quan môi trường, thiết chế văn hóa, thể thao...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả và chất lượng xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn huyện Nghi Lộc giai đoạn 2021-2025”, trong thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và mạng xã hội, trong đó, chú trọng tuyên truyền phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới nhà văn hóa sau sáp nhập xóm, tổ dân phố; đối với các nhà văn hóa khó khăn, vướng mắc về đất đai, quy hoạch, yêu cầu UBND các xã chủ động làm việc với các phòng, ngành cấp huyện liên quan để tham mưu UBND huyện phương án giải quyết kịp thời.

Đồng thời, thường xuyên quan tâm xây dựng, sửa chữa, chỉnh trang, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao tại các xóm, tổ dân phố; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các xóm đăng ký xây dựng mô hình làng văn hóa tiêu biểu hoàn thành các chỉ tiêu theo quy định để được công nhận trong năm 2023 và các năm tiếp theo; gắn việc xây dựng mô hình làng văn hóa tiêu biểu với xây dựng mô hình thôn thông minh; phấn đấu đến năm 2025, 100% xã xây dựng được ít nhất 1 làng văn hóa tiêu biểu cấp huyện.

Trần Thị Ánh Tuyết – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc

.

Thu Hương