Đền Hồng Sơn còn gọi là Miếu Quan Phu Tử (Võ Miếu), thuộc phường Hồng Sơn, TP Vinh. Đền do quan Bố Chính sử Nghệ An Nguyễn Đình Hưng chủ trì quyên góp công đức để xây dựng. Nguyên khi xưa đền là nơi thờ Quan Vân Trường, vị tướng tài ba, trung nghĩa thời Tam Quốc. Sau khi mất, ông được nhân dân nhiều nước, trong đó có Việt Nam, tôn làm bậc Thánh nhân. Hiện nay đền Hồng Sơn còn phối thờ nhiều nhân vật, tiêu biểu như: Chư Phật, Vua Hùng, Trần Quốc Tuấn, Tam tòa Thánh Mẫu, quan Hoàng Mười... Trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, hiện nay đền gồm các công trình: Thượng điện, Trung điện, Hạ điện, gác chuông, gác trống... Hàng năm tại đền diễn ra nhiều lễ trọng, lớn nhất là Lễ giỗ Mẫu Liễu Hạnh ngày 3/3 và Lễ giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch. Đền Hồng Sơn được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1984. Trong ảnh: Cổng tắc môn đền Hồng Sơn. Lối đi hai bên tiếp sau cổng chính tường rêu phủ đượm vẻ cổ kính nằm trong khuôn viên rợp bóng cây xanh, nổi bật là những cây đại, cây sanh, cây sung… có độ tuổi gần 200 năm thường xuyên được chăm sóc, toả hương thơm. Tuy đền sát đường, gần chợ Vinh, nhưng vẫn giữ được không khí tĩnh mịch trong lành, vừa sâu lắng thâm nghiêm lại vừa linh thiêng của chốn đền đài. Hai cây hoa đại cổ thụ hàng trăm năm tuổi phủ rêu xanh, toả bóng mát phần sân ngay sau cổng tắc môn. Hai bên của sân ngoài ngôi đền được bố trí gác chuông, gác trống có giá treo cố định. Theo tài liệu nghiên cứu lịch sử, chiếc chuông cổ treo ở đền Hồng Sơn trước là chuông của Văn miếu trấn Nghệ An chuyển vào đây lưu giữ. Chuông đồng nặng 522kg, đường kính đáy 0,77m, thân chuông cao 1m, chu vi thân chuông 1,28m. Chuông có đúc nổi chữ Hán với bài ký chuông, trong đó ghi rõ: "Chuông được phép đúc và tấu nhạc ngày mùng 7 tháng 7 năm Quý Dậu (1813)". Còn chuông của đền nhỏ hơn được treo ở thượng điện. Tại đền Hồng Sơn, ngoài chuông đồng, còn là nơi lưu giữ được hệ thống cổ vật có giá trị như: tượng, bia đá, khánh đá, chuông đồng, sắc phong và nhiều đồ tế khí khác... có giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc. Tại đền còn lưu giữ được 2 văn bia được khắc bằng chữ Hán Nôm, phần mở đầu của bia ghi rõ lịch sử đền: "Hoan Châu là vùng đất nhiều linh tích, mé Đông Nam thành, riêng một gò thiêng cao vút sừng sững. Đó chính là đền Quan Phu Tử Thọ Đình Hầu thời Hán vậy. Đền được bắt đầu xây dựng vào năm Minh Mệnh 12 (1831), do quan phiên trấn ở lỵ sở này là ông Nguyễn Đình Hưng xây dựng...". Cách không xa Đền Hồng Sơn là không gian xanh mát cạnh Hồ Goong, nơi có ngôi đền Hạ Mã cổ kính, trang nghiêm tọa lạc bên hồ, xen giữa khu dân cư khá đông đúc của phường Trường Thi. Đền Hạ Mã thuộc phường Trường Thi, TP Vinh, gồm hai toà Thượng điện, Hạ điện được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng để thờ Đức Yên Lâm Đại Vương. Theo thần tích, Yên Lâm Đại Vương người làng Thượng, xã Dũng Quyết, vốn có tư chất thông minh, giỏi võ nghệ. Ngài có công phò Lê, diệt Mạc, được triều đình phong chức Yên Lâm hầu. Trong một lần giao chiến, bị thương nặng, Ngài cưỡi ngựa chạy về làng Khải Xuân (vùng ngày nay thuộc phường Trường Thi, Tp Vinh) rồi xuống ngựa và tạ thế tại đó. Nhân dân an táng Ngài ở Dăm Mụ Nuôi (nay thuộc phường Hưng Dũng, Tp Vinh), sau lập đền thờ ở ngay nơi Ngài xuống ngựa, gọi là đền Hạ Mã. Trong đền Hạ Mã hiện nay, Yên Lâm Hầu đại vương được thờ chính tại gian giữa nhà hậu cung, vị hiệu của ngài được viết: “Bản cảnh thành hoàng. Yên Lâm Đại Đức Dực bảo Trung hưng, lịch triều gia phong mỹ tự thượng đẳng thần” Yên Lâm đại đức mang họ Nguyễn, tên húy là Lâm, không rõ ngày tháng năm sinh, vốn sinh ra ở thôn Thượng, xã Dũng Quyết (nay thuộc phường Trường Thi, Thành phố Vinh). Đền Hạ Mã có diện tích 1.200m2, gồm 2 nhà: Thượng điện và Hạ điện, kiến trúc theo hình chữ Nhị. Tại đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như hòm sắc, long ngai, bài vị,… và những phong tục cổ truyền, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống ngay giữa lòng thành phố hiện đại, trong đó có lễ hội đền Hạ Mã. Lễ hội đền diễn ra vào ngày 12/9 Âm lịch hàng năm. Đây cũng là ngày mất của Đức Thánh Yên Lâm. Tương truyền, sau khi Yên Lâm Đại Vương qua đời, để ghi nhận công lao của ông trong sự nghiệp trung hưng đất nước, triều đình đã giao cho nhân dân Dũng Quyết đưa thi hài ông về an táng tại quê hương nay là Di tích lịch sử quốc gia Dăm Mụ Nuôi - thuộc phường Hưng Dũng, thành phố Vinh và lập đền thờ phụng ông tại thôn Yên Dũng Thượng nơi ông qua đời. Hàng năm nhân dân lấy ngày 12 tháng 9 âm lịch làm ngày giỗ của ông. Kiến trúc chạm khắc trên mái thượng điện Đền Hạ Mã. Di tích Đền và mộ công chúa Quế Hoa là cụm di tích có giá trị lịch sử và tâm linh được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16. Đền phụng thờ công chúa Quế Hoa và các vị tiền bối của dòng họ Lê Nhữ, đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia năm 2015. Công chúa Quế Hoa là người con gái dòng họ Lê Nhữ, người đã từ bỏ cuộc sống cung đình về sống với những người dân nghèo, có tập hợp dân làng đào hói dẫn thủy, đắp đường, phát triển nghề dệt chiếu cói, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân làng Đăng, Phong Yên xưa (Hưng Hoà ngày nay). Tại Đền Bà Cô hiện còn lưu giữ được các hiện vật có giá trị lịch sử như: các đạo sắc vua ban, mũ vua ban cho công chúa Quế Hoa, bài vị, long kiệu, đại tự, câu đối cổ… Đặc biệt, ở thành phố Vinh, có rất nhiều địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nhất là hệ thống di tích gắn với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Đó là Đền Trìa (còn có tên gọi là Đền Lộc Đa, xã Hưng Lộc) nơi ghi dấu ấn của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ông Hoàng Văn Nhu, người canh giữ đền Trìa cho biết: “Ngày 1/5/1930, đền Trìa, chợ Cọi là nơi xuất phát của cuộc biểu tình 30-31. Đồng chí Hoàng Trọng Trì đã chỉ huy 1.200 quần chúng Lộc Đa và các vùng lân cận kéo xuống Bến Thuỷ biểu tình. Đêm 26/10/1930, tại đền Trìa diễn ra cuộc mít tinh lớn mà sau đó, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhắc đến trong thư gửi Quốc tế cộng sản ngày 19/2/1931”… Di tích đền Trìa đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 26/6/1995. Trong ảnh: Đền Trìa là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Nhà thờ họ Hoàng (xã Hưng Lộc) – Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, từng là trụ sở làm việc của xứ uỷ Trung kỳ, Tỉnh uỷ Vinh - Bến Thuỷ trong những năm 1930-1931. Trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng từng về đây hoạt động và được nhân dân chở che, đùm bọc. Di tích Ngã ba Bến Thuỷ nằm bên tả ngạn sông Lam, dưới chân núi Quyết; cách trung tâm thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An 5 km về phía Đông Nam. Nơi đây đã diễn ra cuộc biểu tình ngày 1/5 - là điểm mốc quan trọng mở đầu cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, là hình ảnh xúc động của tình đoàn kết công - nông, là tấm gương bất khuất muôn đời sống mãi. Để tưởng nhớ tới cha ông một thời oanh liệt 1930-1931, nơi đây đã xây dựng một tượng đài Công Nông Binh hùng vĩ, một trong những điểm du lịch của quần thể Lâm Viên núi Quyết. Hàng năm trong các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, các thế hệ trẻ đều đến đây để ôn lại truyền thống lịch sử.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Vinh có 80 di tích, danh thắng, trong đó có 25 di tích được xếp hạng, gồm 13 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra các di sản văn hóa vật thể, Vinh còn lưu giữ được nhiều di sản phi vật thể đặc sắc như: Các lễ hội, tín ngưỡng dân gian, dân ca ví giặm, xứ Nghệ.
Với lợi thế là trung tâm du lịch của tỉnh, điểm đến quan trọng trên con đường di sản miền Trung, với nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú, đa dạng sẽ là điểm nhấn ấn tượng giúp thành phố Vinh định vị thương hiệu điểm đến hấp dẫn, khác biệt.
Thu - Phúc