Huấn luyện viên Nghệ An gần 20 năm gắn bó với môn lặn

Minh Quân 01/10/2023 14:24

(Baonghean.vn) - Từ một vận động viên bơi, rồi trở thành huấn luyện viên bộ môn lặn, sự nghiệp của anh Hồ Phi Lược - Trưởng bộ môn bơi, lặn của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Nghệ An đã trải qua rất nhiều thăng trầm.

Một ngày tháng 9, bên hồ bơi của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh, trong tiếng rào rào quẫy nước của các vận động viên lặn, huấn luyện viên Hồ Phi Lược kể cho chúng tôi nghe về sự nghiệp thi đấu, huấn luyện của anh cũng như những trăn trở đối với bộ môn này.

Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp huấn luyện

Sinh năm 1969 tại xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) - một địa phương giàu truyền thống về môn bơi lặn, Hồ Phi Lược biết bơi và bơi giỏi từ rất sớm.

“Quê tôi lúc đó nhiều ao hồ, kênh, mương nên trẻ con trong làng, trong xã hầu hết đều biết bơi sớm để tránh bị chết đuối. Khoảng 4-5 tuổi, tôi đã được bố và các anh, chị tập bơi, đến lúc bơi thành thạo thì thường thi bơi với bạn bè trên tuyến kênh thủy lợi ở địa phương. Những năm học cấp 2, tôi luôn về nhất ở các cuộc thi bơi do trường, huyện tổ chức”, huấn luyện viên Hồ Phi Lược kể.

bna_HLV Hồ Phi Lược cùng các vận động viên trẻ môn lặn của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh.jpg
Huấn luyện viên Hồ Phi Lược cùng các vận động viên trẻ môn lặn của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Năm 1984, khi 15 tuổi, Hồ Phi Lược được các huấn luyện viên của Trường Đào tạo thể dục, thể thao Nghệ Tĩnh (nay là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh) tuyển vào bộ môn bơi của đơn vị, bắt đầu sự nghiệp vận động viên thành tích cao. Tuy nhiên, những năm đó, do bơi là bộ môn còn khá non trẻ trong hệ thống các môn thể thao thành tích cao của tỉnh, nên dù là một trong những vận động viên bơi hàng đầu của tỉnh, thành tích của Hồ Phi Lược tại các giải vô địch quốc gia không mấy nổi bật.

Trong gần 7 năm là vận động viên, tấm Huy chương Vàng duy nhất mà Hồ Phi Lược giành được là tại Giải Vô địch trẻ bơi, lặn Quốc gia năm 1988. Tại các giải bơi, lặn vô địch Quốc gia và vô địch các Câu lạc bộ Quốc gia, thành tích cao nhất mà Hồ Phi Lược giành được là Huy chương Bạc.

Năm 1991, ở tuổi 22, sau những kết quả không như mong đợi tại các giải vô địch quốc gia, Hồ Phi Lược giã từ sự nghiệp vận động viên. Cũng trong năm đó, anh thi đậu vào Trường Cao đẳng Thể dục, thể thao Trung ương 3 (Trường Đại học Thể dục, thể thao Đà Nẵng), chuyên ngành bơi, lặn.

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp, Hồ Phi Lược được tạo điều kiện về công tác tại Trường Đào tạo thể dục, thể thao tỉnh. Trên cương vị mới, Hồ Phi Lược đem hết tâm huyết và kinh nghiệm của mình để truyền dạy cho các vận động viên trẻ.

Sau 1 năm hợp đồng thử việc, năm 1995, anh được biên chế chính thức vào đơn vị. Cũng trong năm đó, tại giải đấu quốc gia đầu tiên đưa học trò đi thi đấu là Giải Vô địch bơi, lặn trẻ Quốc gia, Hồ Phi Lược đã có những thành tích đầu tiên trong sự nghiệp huấn luyện khi các học trò của anh giành được 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng ở môn bơi. Sau giải đấu này, các vận động viên Đậu Thị Lợi, Đặng Xuân Quý và Lê Thị Minh được gọi vào Đội tuyển bơi trẻ Quốc gia.

Năm 1996, khi bộ môn lặn của Trường Đào tạo Thể dục, thể thao được thành lập, Hồ Phi Lược trở thành huấn luyện viên lặn đầu tiên của đơn vị. Năm 1997, tại Giải Vô địch bơi, lặn Quốc gia đầu tiên mà Hồ Phi Lược tham gia với tư cách huấn luyện viên, các học trò của anh đã giành 2 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng ở môn bơi; 1 Huy chương Đồng ở môn lặn.

Từ năm 1998, Hồ Phi Lược tập trung hoàn toàn vào công việc huấn luyện viên bộ môn lặn. Từ đó đến nay, đều đặn mỗi năm anh đưa các học trò tham gia 3 giải đấu toàn quốc là Giải Vô địch bơi, lặn trẻ Quốc gia, Giải Vô địch bơi, lặn các câu lạc bộ Quốc gia và Giải Vô địch bơi, lặn các nhóm tuổi Quốc gia.

Dù hầu như năm nào các học trò của anh cũng giành được huy chương, nhưng phải đến năm 2017, môn lặn của Nghệ An mới có được tấm Huy chương Vàng đầu tiên của vận động viên Nguyễn Trọng Dũng (SN 2003) tại Giải Vô địch bơi lặn các Câu lạc bộ Quốc gia.

bna_Nguyễn Trọng Dũng và huấn luyện viên Hồ Phi Lược.jpg
Huấn luyện viên Hồ Phi Lược (phải) sát cánh cùng vận động viên Hồ Trọng Dũng tại Giải lặn Cúp thế giới năm 2022. Ảnh: NVCC

Cũng từ đó, Nguyễn Trọng Dũng trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của thể thao Nghệ An cũng như bộ môn lặn của Việt Nam khi giành thêm 4 Huy chương Vàng tại Giải Vô địch bơi, lặn trẻ Quốc gia, 5 Huy chương Vàng tại Giải Vô địch bơi lặn các câu lạc bộ Quốc gia, 1 Huy chương Vàng Giải bơi, lặn vô địch các nhóm tuổi Quốc gia, 2 Huy chương Vàng Đại hội Thể thao toàn quốc, 2 Huy chương Vàng SEA Games và 2 Huy chương Vàng Giải lặn Cúp thế giới.

Cùng với Nguyễn Trọng Dũng, trong số các học trò của huấn luyện Hồ Phi Lược hiện nay còn có một gương mặt triển vọng khác là Nguyễn Tú Anh (SN 2007). Trong năm nay, nữ vận động viên trẻ này đã giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng tại Giải lặn vô địch các nhóm tuổi Quốc gia, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng tại Giải lặn vô địch Quốc gia bể 25m và 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng tại Giải lặn vô địch trẻ Quốc gia.

Những trăn trở

Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp huấn luyện viên, Hồ Phi Lược cho biết, anh đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Trước khi cùng vỡ òa hạnh phúc với những tấm Huy chương Vàng mà Nguyễn Trọng Dũng hay Nguyễn Tú Anh giành được trong những giải đấu gần đây, anh đã từng trải qua cảm giác “cực kỳ căng thẳng” từ những năm 2021 trở về, khi các học trò không hoàn thành chỉ tiêu của môn lặn tỉnh nhà tại các kỳ Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc.

bna_HLV Hồ Phi Lược và VĐV Nguyễn Trọng Dũng.jpg
HLV Hồ Phi Lược và VĐV Nguyễn Trọng Dũng.

“Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc là sự kiện thể thao lớn, diễn ra 4 năm 1 lần; các địa phương, ngành đều có sự chuẩn bị chu đáo nên áp lực thành tích vì thế cũng rất lớn. Năm 2014, sau 4 kỳ Đại hội không hoàn thành chỉ tiêu huy chương, tôi cảm thấy hoang mang, rồi như bị trầm cảm và từng nghĩ đến việc chuyển công tác. Tuy nhiên, trước sự động viên, tiếp tục trao niềm tin của lãnh đạo trung tâm, tôi lại tiếp tục gắn bó với công việc”, Hồ Phi Lược kể.

Năm 2018, môn lặn không được đưa vào thi đấu tại Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ VIII. Trong các năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều giải đấu của môn lặn bị hủy.

“Những biến cố đó tưởng chừng là bất lợi cho thầy trò môn lặn tỉnh nhưng lại là dịp để tôi rà soát lại việc huấn luyện, tìm tòi phương án, chiến lược... cho các học trò. Đặc biệt, trong 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi đã tận dụng những khoảng thời gian bị cách ly, phong tỏa để tập trung chỉnh sửa kỹ thuật và cả tâm lý thi đấu cho các học trò, trong đó có Nguyễn Trọng Dũng, Nguyễn Tú Anh. Có lẽ nhờ vậy mà từ năm 2022, thành tích thi đấu của các vận động viên lặn Nghệ An được cải thiện rất nhiều”, huấn luyện viên Hồ Phi Lược chia sẻ.

Được biết, hiện bộ môn bơi, lặn của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Nghệ An được giao 26 chỉ tiêu, chia làm 3 tuyến là tuyến năng khiếu, tuyến trẻ và tuyến tỉnh. Các vận động viên tuyến năng khiếu chỉ tập bơi, sau 1 năm nếu có thể phát triển ở môn bơi thì tiếp tục tập, còn lại được định hướng sang môn lặn.

Nhiều năm trở lại đây, thành tích của bộ môn bơi, lặn của Nghệ An chủ yếu ở môn lặn. Tuy nhiên, hiện nay, môn này đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài những khó khăn chung của cả nước như chưa nằm trong hệ thống thi đấu ASIAD hay Olympic, lại thuộc nhóm 3 của thể thao Việt Nam nên rất khó để đòi hỏi lặn được đầu tư nguồn lực lớn; ít giải đấu cả trong và ngoài nước…, môn lặn của Nghệ An còn có những khó khăn riêng như chưa có bể 4 mùa, bể chưa có mái che, thiếu kinh phí để có thể tập huấn dài ngày vào mùa Đông và đặc biệt là thiếu trang thiết bị, dụng cụ tập luyện.

Nữ VĐV lặn Nguyễn Tú Anh cùng HLV.jpg
Huấn luyện viên Hồ Phi Lược và nữ vận động viên Nguyễn Tú Anh. Ảnh tư liệu: Minh Quân

Hiện nay, các dụng cụ phục vụ việc lặn dưới nước như vòi hơi, chân vịt đều thiếu và hư hỏng nhiều, phải sửa chữa, chắp vá để tập; các thiết bị tập luyện thể lực cũng chưa đồng bộ. “Các huấn luyện viên thỉnh thoảng lại phải kêu gọi phụ huynh các vận động viên chung tay hỗ trợ mua sắm dụng cụ dưới nước, hỗ trợ một phần kinh phí để các em có thể tập huấn ở Đà Nẵng dài ngày hơn vào mùa Đông, tuy nhiên, việc này cũng không dễ dàng gì vì nhiều gia đình vận động viên có hoàn cảnh rất khó khăn", huấn luyện viên Hồ Phi Lược cho biết.

Tôi rất mong muốn thời gian tới, bộ môn lặn nhận được sự quan tâm, đầu tư hơn từ phía các sở, ngành liên quan để các vận động viên có điều kiện tập luyện tốt hơn, từ đó yên tâm gắn bó với bộ môn và nâng cao thành tích hơn nữa”.

Huấn luyện viên Hồ Phi Lược - Trưởng bộ môn bơi, lặn của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Nghệ An

Minh Quân