Chuyện về nhạc sĩ của 'Vinh, thành phố bình minh'

Thanh Nga 29/09/2023 11:19

(Baonghean.vn) - Trong ngôi nhà nhỏ với ban công rực nắng, nhạc sĩ Lê Hàm đón tôi bằng nụ cười trìu mến. Ông nói rằng, cả đời ông gắn bó với thành Vinh, nên cuối đời được ở đây, trong ngôi nhà nhỏ chỉ cách phố xá nhộn nhịp ngoài kia mấy bước chân, đã đủ để ông mãn nguyện rồi.

Và chúng tôi đã trò chuyện trong xúc cảm mãn nguyện ấy, miên man từ “Vinh, thành phố bình minh”, đến chùm ca khúc ông sáng tác vừa vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước…

Bài hát Vinh Thành phố Bình minh do ca sĩ Trọng Tấn - Anh Thơ thể hiện.

Những nốt nhạc cất lên từ trái tim

Lê Hàm nói chuyện về cuộc đời sáng tác.JPG
Nhạc sỹ Lê Hàm nay ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn tường minh khi nhắc lại những kỷ niệm xưa cũ trong chặng hành trình sáng tác của mình. Ảnh: Thanh Nga

Dù đã chạm ngưỡng tuổi 90 nhưng khi nhắc đến những nốt nhạc xưa cũ, ông vẫn rạo rực như thể lần đầu tiên công bố ra công chúng. Đó là những nốt nhạc từ lồng ngực thanh xuân của chàng trai quê Diễn Hồng thuở xưa, khi còn ríu rít theo mẹ ra phố thị.

Ông kể rằng, ông đã cảm thụ âm nhạc từ những câu lẩy Kiều của mẹ, nên có thể nói, âm nhạc của Lê Hàm khởi nguồn từ lời ru ầu ơ mà ông được nghe suốt buổi thiếu thời. Tình yêu âm nhạc cũng được chắp cánh từ những buổi xem văn nghệ ở sân khấu quây tạm trong xóm, cậu bé Hàm thời đó đã biết làm cho mình chiếc sáo nhỏ từ cuống lá đu đủ để cất lên những giai điệu học được đâu đó trên loa phát thanh của xã...

BNA_5499.JPG
Nhạc sỹ Lê Hàm giới thiệu cuốn sách khái quát về chặng đường sáng tác của ông. Ảnh: Thanh Nga

Mãi cho đến thời thiếu sinh quân, những năm 1948 - 1951, Lê Hàm mới được học nhạc bài bản. Với năng khiếu nổi trội là sáo, ông quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc và trở thành văn công của Sư đoàn 320. Những năm 1955 - 1961, ông theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Ông kể rằng, bài tốt nghiệp của ông là hợp xướng 6 chương và được đánh giá cao, nhưng điều khiến ông hạnh phúc nhất đó là tìm thấy tương lai thênh thang trong bầu trời âm nhạc tuyệt diệu ấy.

Sau khi ra trường, ông được cử vào giới tuyến Vĩnh Linh phục vụ cho chiến sĩ ta ở bờ Bắc sông Bến Hải. “Giữa đôi bờ chiến tuyến, giới hạn mong manh của âm thanh hòa bình đôi khi chỉ là một nốt nhạc. Và con người ta dù có là ai, có ở chiến tuyến nào thì cũng dễ lay động bởi một thanh âm” - ông nói.

Đến năm 1964, Lê Hàm được điều ra làm giáo viên giảng dạy ở Trường Nhạc họa Trung ương, nhưng liền sau đó, tỉnh Hà Tĩnh đã mời ông về làm Trưởng đoàn Văn công Hà Tĩnh. Con đường âm nhạc của ông gắn với những cương vị liên quan đến môi trường nghệ thuật. Đó cũng chính là cơ duyên, là nguồn cơn cho những sáng tác mang tính ngẫu hứng nhưng lấp lánh tín hiệu cho dặm dài rực rỡ với âm nhạc về sau.

Nhạc sĩ Lê Hàm hồi tưởng, ông về Hà Tĩnh trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, gian khổ vô cùng, nhưng ông được cùng anh chị em cống hiến đến tận cùng cho những mặt trận gầm gào tiếng bom rơi đạn xé. Chính trong những ngày tháng ấy, ông đã cho ra đời những ca khúc “Gái sông La”, “Những người chiến sĩ bến Phà”, “Chiến công Hà Tĩnh vẻ vang”… Sau này, năm 1964, “Gái Sông La” - một trong những ca khúc đậm chất ví giặm, điều ít thấy ít xuất hiện trong các chùm ca khúc của ông, đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát không chỉ khiến bao người rơi nước mắt, mà ngay cả ông cũng... đã khóc.

“Cả bầu trời quê hương, cả dân tộc hướng ra chiến trường chờ ngày toàn thắng. Ai ai cũng muốn góp sức mình đánh Mỹ. Bài hát nói hộ nỗi lòng, như bức tranh tô đậm tình yêu của mỗi người con đất Việt”- nhạc sĩ Lê Hàm kể. Bài hát của ông có hình ảnh những cô gái “lén con” đi thông đường, đó là những người phụ nữ đất Xô viết can trường quả cảm: “Xô viết can trường gái nỏ kém chi trai”. “Gái sông La” sau này chính là một trong những ca khúc trong chùm ca khúc mà ông được vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước.

Lớn lên từ câu hò điệu ví, thấm đẫm hồn dân tộc, nhạc sĩ Lê Hàm cũng là người có công lớn trong việc điền dã, sưu tầm để tìm giai điệu cổ cho những câu ví, câu giặm Nghệ Tĩnh. Sau này, ông đứng tên chủ biên cho cuốn “Âm nhạc dân gian xứ Nghệ” được giới âm nhạc đánh giá cao.

Năm 1970, khi tập hợp được 30 bài hò, ví, giặm, ông được Hội Văn nghệ Hà Tĩnh xuất bản tuyển tập dân ca xứ Nghệ. Nó trở thành những tiết mục biểu diễn quen thuộc của các đoàn nghệ thuật hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Những bài hò như “Hò bơi thuyền”, hay các bài phát triển từ các điệu hát ví được Lê Hàm viết lại mà nhiều thế hệ hát dân ca sau này cứ ngỡ đó là những giai điệu gốc của dân ca ví, giặm.

Nhắc đến Lê Hàm, người ta thường nhắc đến một người nhạc sĩ vô tư, hào sảng khi viết nhạc, và cả cách mà ông đưa tác phẩm của mình ra đời. “Lạ lắm, có những tác phẩm phôi thai cả tháng lại chả ai hát, chả nổi tiếng tẹo nào, dù mình thấy nó hay. Thế nhưng những ca khúc chỉ cất lên trong một tích tắc cảm xúc nào đó, để rồi sau này con chữ và nốt nhạc cuồn cuộn trào dâng lại được công chúng yêu thương, nồng nhiệt đón nhận” – nhạc sĩ Lê Hàm nói. Đó là “Người mẹ Làng Sen”, là “Vinh, thành phố bình minh”, “Gái sông La”, “Trẩy hội Làng Sen”...

“Ngày xưa khi sáng tác, nhạc sĩ không được trả nhuận bút, thậm chí khi ca khúc được sử dụng thì tôi được người ta cảm kích mời đi ăn bát phở. Đó cũng là niềm hạnh phúc giản dị vô cùng của người nhạc sĩ!” - Lê Hàm cười nói.

Phần thưởng của cuộc đời

Nhắc đến “Vinh, thành phố bình minh”, người ta nghĩ ngay đến nhạc hiệu của Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố Vinh, nghĩ đến khúc “Thành phố ca” của Vinh - thành phố trẻ sôi động và ân tình. Nhạc sĩ Lê Hàm kể rằng, ông có nhiều duyên nợ với Vinh lắm, ông thực sự xem thành phố này là một nẻo quê hương. Dù đi ngược về xuôi, với ông, về Vinh có nghĩa là về quê.

Lê Hàm và tác giả.JPG
Nhạc sỹ Lê Hàm và tác giả. Ảnh: P.V

Trong bài hát có đoạn: “Em đón anh về Thành Vinh quê em” - đó là lời mời của một nhân vật trữ tình trong bài hát nhưng lại xuất hiện ở một tứ thơ có trong đời thực. “Đó là lần đi từ Hà Tĩnh về, tôi được một cô TNXP trẻ xin quá giang một đoạn đường, dù chỉ đi một quãng ngắn thôi, nhưng chúng tôi đã trò chuyện thật nhiều. Đến đoạn rẽ vào nhà, cô ấy còn nói: “Hôm sau em sẽ đón anh về thành Vinh nhé!” Đó cũng là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ khi viết bài hát này.

“Vinh, thành phố bình minh” có giai điệu trữ tình, da diết nhưng lại rộn ràng, say mê, như cách mà người nhạc sĩ này cảm nhận về Vinh. Để rồi suốt một thời gian dài sau khi ca khúc đã có đời sống riêng của nó, người ta vẫn tìm đến ông chỉ để được cùng ông hát, được thỏa nỗi đam mê chiêm nghiệm cái đẹp của Vinh, tại nơi ca khúc đẫm chất Vinh này ra đời.

Một bài hát khác mà theo nhạc sĩ Lê Hàm là bài hát mà ông tâm đắc nhất về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đó là bài hát “Người mẹ Làng Sen”. Bài hát với những tứ thơ rất dung dị, mộc mạc nhưng vĩ đại, lớn lao: “Mẹ lặng lẽ giữa cuộc đời như thế/Tấm vai gầy gánh nặng đường trơn/Người mẹ ấy sinh con trong trời đêm/Giữa bùn đen mà hoa sen thắm nở”.

Lê Hàm kể rằng, ông viết những câu từ, giai điệu này bằng cả xúc cảm từ trái tim, bằng tình cảm yêu kính, sự cảm phục vô bờ với người mẹ Việt Nam ấy. Bài hát sau này được biểu diễn rất nhiều trong các hội diễn và dường như nó trường tồn theo thời gian, hễ có hội diễn là có “Người mẹ Làng Sen”, hễ có lễ trọng là câu hát “Mẹ làng Sen, Mẹ Việt Nam đã cho đời người con vinh quang...” lại vang lên đầy tự hào.

Chùm ca khúc được vinh danh trong lễ trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật còn có hợp xướng “Việt Nam trong trái tim tôi”, “Tiếng trống đêm trăng”, “Hà Tĩnh quê hương ta”... Có thể nói, mỗi ca khúc được nhạc sĩ Lê Hàm chắt lọc từng câu chữ, từng nốt nhạc để người nghe vừa thấy thân thương, gần gũi, vừa thấy tự hào, tin yêu. “Cả một chặng đời người tôi được sống trong âm nhạc, được đắm mình vào đó để thấy cuộc đời này ý nghĩa biết bao nhiêu, đáng sống bao nhiêu.” – nhạc sĩ Lê Hàm chia sẻ.

Hơn 200 ca khúc, có những ca khúc dành cho thiếu nhi từng được tuyển chọn vào sách giáo khoa, đến những tổ khúc dành cho hợp xướng, nhưng với ông, những “Vinh, thành phố bình minh, “Người mẹ Làng Sen” hay “Gái sông La” được nhiều thế hệ hát và nhớ đến là một niềm hạnh phúc to lớn của người nhạc sĩ. “Bài hát nổi tiếng thì người nhạc sĩ được sống cùng với nó, được người ta nhớ đến và nhắc tên. Đó là phần thưởng của cuộc đời, là điều ta còn nợ với đời nhiều lắm” - nhạc sĩ Lê Hàm tâm tình.

Thanh Nga