Trung thu của người lớn
(Baonghean.vn) - Có lúc, có nơi, Trung thu của người lớn là cuộc chạy đua về tiền tài, vật chất; dưới ánh trăng là những quy đổi sòng phẳng và không sòng phẳng về lợi ích. Ở đâu đó, Trung thu không còn là biểu tượng mà trở thành những vật thể hữu hình, ẩn chứa những tham vọng hữu hình.
Bánh Trung thu dát vàng tiền triệu; bánh Trung thu nhân yến sào, vi cá; bánh Trung thu tạo hình rồng bay có giá vài trăm USD… Chuyện gì đang xảy ra thế nhỉ? Dường như một phần xã hội đang ở trong cuộc đua vật chất, nơi mà tính biểu tượng của bánh Trung thu không đại diện cho sự đoàn viên, ấm áp của tình thân, mà chỉ thể hiện mong muốn ghi dấu ấn vượt trội về một món quà biếu tặng xa xỉ để mưu cầu những lợi ích cụ thể. Trung thu - tưởng quen mà lạ lắm!
Người phương Đông quan niệm rằng, có mối liên hệ giữa đời sống thực tại với vũ trụ, với mặt trăng. Trăng tròn hay trăng khuyết, niềm vui hay nỗi buồn, sum họp hay chia ly... đều có thể được tiên đoán từ hình dạng của trăng. Vào dịp rằm tháng Tám âm lịch, mặt trăng tròn nhất, sáng nhất, nên được dân gian chọn làm ngày tổ chức lễ mừng trăng, gọi là Tết Trung thu. Vầng trăng tròn soi sáng nhân gian, do vậy, được khoác lên mình biểu tượng của sự đoàn viên. Thế hệ này qua thế hệ khác, Tết Trung thu in khắc trong tâm trí mỗi người hình ảnh và nỗi mong mỏi sum họp, quây quần cùng gia đình. Nhắc đến Trung thu, chúng ta nghĩ đến cảnh cả nhà ngồi ăn bánh, ngắm trăng; trẻ con rước đèn, múa lân, phá cỗ…
Nhưng nay, cảnh tượng tưởng chừng bất biến hàng thế kỷ ấy đã phai nhạt đi nhiều. Còn mấy gia đình giữ lại được nếp xưa? Đời sống xã hội càng phát triển, người ta càng nghĩ ra nhiều sự kiện hội hè, lễ lạt để gặp nhau, để vui tới bến, nên Trung thu dần dà cũng chìm trong vô số những dịp vui chơi ấy. Trẻ con cũng chẳng cần chờ đến Trung thu để được ăn bánh ngon, sắm đồ chơi mới, nên nỗi háo hức cũng chẳng còn lại bao nhiêu. Và người ta bảo rằng Trung thu giờ đâu phải dành riêng cho trẻ con, mà Trung thu đích xác là của người lớn. Nhiều người lớn… sợ hãi khi Trung thu tới lắm, là bởi, Trung thu đến nghĩa là túi tiền vơi đi vì quà cáp biếu xén, tâm trí mỏi mệt bởi lo chạy trước ngó sau đợi chờ thấp thỏm để mong quà trao tay thuận lợi.
“Trung thu là Tết thiếu nhi/ Cớ sao người lớn lại chi tiêu nhiều” - mỗi mùa Trung thu, câu thơ trào phúng này lại vang lên. Phần chi tiêu nhiều nhất có lẽ là đổ vào những hộp bánh Trung thu xa xỉ “cõng” vai trò “lễ trọng tình thâm”. Bánh rẻ, bánh bình dân thì hiếm người mua đi biếu tặng, phải là bánh độc lạ, bánh hiếm, bánh thương hiệu đình đám khó mua, giá trên trời!
Hàng năm, báo chí vẫn thường đăng thông tin người xếp hàng dài trước các cửa hàng bánh Trung thu nổi tiếng ở Hà Nội, Hải Phòng… từ 1h sáng, để mua cho bằng được 1-2 hộp bánh. Có những trường hợp huy động cả gia đình 5,7 thành viên mang theo chiếu để trải ngồi chờ mua bánh. Lại có nghề mới nảy sinh: nghề xếp hàng mua bánh Trung thu, mua theo yêu cầu lấy chi phí chênh lệch hoặc mua rồi bán lại giá gấp đôi, gấp ba. Bao nhiêu người trong hàng dài chờ mua bánh ấy là mua để gia đình mình ăn, biếu tặng bố mẹ, anh em thân tộc? Hay phần nhiều là mua chỉ để làm quà?
Bánh Trung thu dường như đang bị thu hẹp vào chức năng quà tặng. Trong hộp bánh có thể không chỉ có bánh; tặng quà Trung thu có thể không có nghĩa là chúc nhau bình an, đoàn tụ, mà là gửi gắm những mong cầu trần trụi. Bánh Trung thu ở nhiều nước còn bị quy vào danh sách “tham nhũng mùa lễ hội”, khi doanh nghiệp dùng món quà đắt tiền này để lấy lòng quan chức. Có lúc, có nơi, Trung thu của người lớn là cuộc chạy đua về tiền tài, vật chất; dưới ánh trăng là những quy đổi sòng phẳng và không sòng phẳng về lợi ích. Ở đâu đó, Trung thu không còn là biểu tượng mà trở thành những vật thể hữu hình, ẩn chứa những tham vọng hữu hình.
Ai cũng hiểu rằng, một hay nhiều món quà có thể không đồng nghĩa với độ thân thiết, bền chặt trong mối quan hệ; song người ta lại luôn không ngừng hy vọng rằng món quà trung thu sẽ giúp củng cố mối quan hệ ấy bền chặt hơn. Như một vòng lặp vô tận, người lớn sợ hãi Trung thu nhưng lại chờ đợi đến Trung thu, để lấy Trung thu như cái cớ để tiếp cận, để gần gũi, để mưu cầu lợi ích… Trong xã hội tiêu dùng hiện đại này, dường như tất cả mọi thứ đều đa chức năng, ngay cả quà bánh Trung thu cũng vậy. Mà đa chức năng quen rồi, giờ muốn quay trở lại với những điều bình dị thật khó khăn…