Tập trung làm sạch nguồn nước sinh hoạt cho bà con vùng lũ Quỳ Châu

Q.An - V.Trường 02/10/2023 08:48

(Baonghean.vn) - Sau đợt lũ lịch sử, nguồn nước sinh hoạt của người dân Quỳ Châu bị hòa vào lớp bùn đất, đục ngầu, không thể sử dụng. Hiện nay, huyện Quỳ Châu đang chỉ đạo tập trung làm sạch nguồn nước, đảm bảo sinh hoạt cho nhân dân.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, huyện Quỳ Châu là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn tỉnh về người và tài sản của nhân dân. Đến nay, công tác khắc phục thiệt hại do đợt lũ gây ra vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền nơi đây.

bna_1.jpg
Đường ống dẫn nước sinh hoạt bị cuốn trôi sau trận lũ vừa qua tại huyện Quỳ Châu. Ảnh: Văn Trường

Không chỉ nhà cửa ngập úng, công trình hư hỏng, hoa màu bị vùi dập… mà hiện nay, sau khi nước rút, bà con huyện Quỳ Châu đang đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt, do nguồn nước đã bị bùn đất hòa lẫn, không thể sử dụng được. Bên cạnh đó, nhiều công trình, đường ống dẫn nước cũng bị nước lũ cuốn trôi, làm nứt gãy, chưa thể khắc phục được.

bna_đúc.jpg
Các công trình nước sinh hoạt đã bị hòa vào bùn, đục ngầu, không thể sử dụng. Ảnh: Quang An

Bà Lương Thị Hồng ở xã Châu Hạnh cho biết: Nhà tôi sử dụng 2 nguồn nước sinh hoạt là nước giếng khoan và nước mưa hứng vào trong bể. Tuy nhiên, trận lụt vừa qua, nước dâng đến 3 – 4 mét, toàn bộ bể nước chuyển sang màu đục ngầu, không thể dùng để tắm rửa hay nấu nướng. Sau khi nước rút, gia đình phải đi mua bình nước 20 lít để ăn uống, sử dụng tiết kiệm vì nước sạch bây giờ rất quý.

bna_Do mưa lũ khiến nguồn nước bị ô nhiễm bà con phải tìm kiếm nguồn nước để sinh hoạt ảnh Quang An.jpg
Người dân phải dùng máy bơm để hút hết lượng nước cũ đã bị ô nhiễm. Ảnh: Quang An

Tại thị trấn Tân Lạc, trong trận lũ vừa qua, cả 6/6 khối đều ngập nước, trong đó, có 4 khối ngập nặng, với hơn 200 hộ dân bị nước bao phủ. Đến nay, công tác khắc phục đang được triển khai cả ngày lẫn đêm, trong đó, ưu tiên hàng đầu là đáp ứng được nguồn nước cho bà con.

Ông Võ Thái Tịnh - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Lạc cho biết: Trên địa bàn thị trấn có khoảng 60% hộ dân sử dụng nước máy, số còn lại đều sử dụng các nguồn khác. Tuy nhiên, hầu hết nguồn nước đều bị ô nhiễm do mực nước dâng quá cao. Hiện nay, bà con vừa mua nước dùng tạm, vừa dùng các loại hóa chất để xử lý nguồn nước. Một số bể nước do bị ô nhiễm quá nặng phải dùng máy bơm hút hết, đồng thời, dọn vệ sinh, chờ đợt mưa tiếp sẽ hứng cho đợt mới.

bna_ktra.jpg
Cán bộ y tế huyện Quỳ Châu kiểm tra nguồn nước sau lũ. Ảnh: Văn Trường

Bà Lữ Thị Thanh – Trưởng phòng Y tế huyện Quỳ Châu cho biết: Từ thời điểm nước rút, toàn bộ các cán bộ, nhân viên của phòng cùng Trung tâm Y tế huyện chia thành từng nhóm để hỗ trợ làm sạch nguồn nước sinh hoạt cho bà con trên toàn huyện, trong đó, ưu tiên trước cho các địa phương ngập nặng nhất như các xã Châu Hạnh, Châu Tiến, thị trấn… Trung bình 1 khối nước đục sẽ hòa vào từ 1,5 – 3 gam Chloramin B để khử nước, làm bùn lắng xuống để tách nước sạch có thể sử dụng. Hóa chất này cũng đang được hỗ trợ liên tục để làm sạch nguồn nước cho bà con toàn huyện.

bna_3.jpg
Việc làm sạch nước sinh hoạt được tiến hành liên tục những ngày qua. Ảnh: Quang An

“Rất may mắn là đến thời điểm này chưa bùng phát loại dịch bệnh nào sau lũ, sức khỏe của bà con cơ bản đảm bảo, chỉ có một số người bị ngấm nước quá lâu nên bị cảm cúm thường gặp…” Bà Thanh cho biết thêm.

Hiện nay, huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo cán bộ y tế đưa hóa chất để làm sạch nguồn nước sinh hoạt, đến nay, đã hỗ trợ cho các xã hơn 20.000 viên Aquatabs và lượng lớn Chloramin B để xử lý nguồn nước sinh hoạt. Hướng dẫn các hộ dân cách sử dụng cũng tuyên truyền về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sau lũ. Ngoài ra, các nhân viên y tế cũng đang tập trung phun tiêu độc, khử trùng tại các chuồng trại chăn nuôi, tránh bùng dịch sau lũ.

bna_hoá.jpg
Nước đục phải dùng các loại hóa chất để khử khuẩn, làm bùn lắng xuống mới sử dụng được. Ảnh: Văn Trường

Đối với các công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng, cuốn trôi đường ống dẫn nước, huyện Quỳ Châu đang chỉ đạo các xã báo cáo, tổng hợp để cân đối các nguồn, tiến hành khôi phục để đảm bảo ổn định nguồn nước sinh hoạt cho bà con trên địa bàn.

Trong đợt mưa lũ này, huyện Quỳ Châu bị thiệt hại rất nghiêm trọng, đã có 1 người chết, 1.210 ngôi nhà bị ngập sâu từ 1-5m; trên 5.000 người phải di dời; có 3 xã, 6 bản bị cô lập hoàn toàn, 7 điểm trường bị ngập sâu trong nước. Hàng ngàn gia đình phải lâm vào cảnh sống bi đát. Chỗ ở tạm bợ, đói, rét do tài sản, nhà cửa bị hư hỏng, cuốn trôi và ngập nước...

Ngoài ra, trên các tuyến đường giao thông có nhiều điểm sạt lở như Quốc lộ 48A, Quốc lộ 48B, Quốc lộ 48D, nhiều cầu tràn bị hư hỏng. Đối với sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích lúa bị ngập 442 ha, mía 91,3 ha, sắn 4,1 ha, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Q.An - V.Trường