Dạy học tiếng Anh tăng cường: Khi phụ huynh bất đắc dĩ... tự nguyện!
(Baonghean.vn) - Chương trình tiếng Anh tăng cường đang được nhiều trường học ở Nghệ An triển khai với mục đích tăng cường năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh. Trong quá trình thực hiện, có những khó khăn, bất cập đòi hỏi cần sớm điều chỉnh.
Bất đắc dĩ... tự nguyện!
Năm học này, con gái của chị Lê K (xã Nghi Phú - thành phố Vinh) vào lớp 1 và cháu được phổ cập vào một trường tiểu học trên địa bàn. Hiện cháu đang học tại lớp tiếng Anh tăng cường với mức học phí được thông báo là 280.000 đồng/tháng. Khi phụ huynh đăng ký cho con vào học phải cam kết học 5 năm.
Kể về việc quyết định cho con vào lớp Tiếng Anh tăng cường, chị Lê K nói rằng cũng có lắm tâm tư. Tuy nhiên, hiện nay vì “đâm lao phải theo lao”, nên chị cố gắng cho con theo lớp, dù rằng bản thân chị chưa thực sự hài lòng.
Chị nói: “Hôm tôi đi nhập học cho con, nhà trường phát giấy tự nguyện tôi cũng suy nghĩ khá kỹ rồi quyết định sẽ đăng ký, vì nhà trường thông báo chỉ có 1 lớp Tiếng Anh tăng cường. Hết hạn thời gian nộp hồ sơ, nhà trường thông báo có 70 bạn nộp hồ sơ mà chỉ tiêu chỉ có 1 lớp. Do đó, trước khi các cháu nhập học, nhà trường có mời phụ huynh các lớp này lên họp và thông báo nếu học thì phải cam kết lâu dài. Vì lẽ đó, tôi đã không đăng ký nữa.
Tuy nhiên, sau buổi học này, một giáo viên trong trường lại gọi điện cho tôi và tư vấn nên học, thay vì học trung tâm và trường chỉ xếp 1 lớp Tiếng Anh tăng cường do giáo viên giỏi phụ trách. Nghe bùi tai tôi cũng “ừ đại”, vì nghĩ nhiều bạn đăng ký như vậy chắc con mình sẽ không được xếp vào lớp Tiếng Anh tăng cường. Đến khi nhập trường, tôi lại thấy nhà trường thông báo khối lớp 1 có 2 lớp Tiếng Anh tăng cường và con tôi vậy là bị xếp vào lớp này. Hơn thế, theo chị cách nhà trường tư vấn và “lập lờ” trong việc triển khai lớp Tiếng Anh tăng cường khiến nhiều phụ huynh thấy chưa thỏa đáng.
Thực tế, trước đó khi cô hiệu trưởng tổ chức cuộc họp, được thông báo như vậy, tôi nghĩ nếu ai có nguyện vọng họ sẽ đăng ký riêng và sẽ được chọn, nên tôi không đăng ký và về luôn. Bây giờ cháu có trong danh sách, muốn xin sang lớp thường không được nên học luôn.
Chị Lê K - phụ huynh ở thành phố Vinh
Với tình huống “éo le” trên, chị Lê K tâm sự thêm, việc học lớp Tiếng Anh tăng cường với gia đình chị là “bất đắc dĩ”. Bản thân chị vì con mới đi học nên chị hoàn toàn không hiểu học chương trình Tiếng Anh tăng cường là như thế nào và liệu một học sinh lớp 1 như con chị “một chữ bẻ đôi cũng chưa biết”, nay học chung với một lớp gần 40 học sinh có hiệu quả hay không.
Chưa thực chất
Từ hơn 2 năm trở lại đây, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh đều tổ chức các lớp Tiếng Anh tăng cường dành cho học sinh bắt đầu từ lớp 1. Việc triển khai được các trường thông báo là hoàn toàn theo tinh thần tự nguyện.
Qua thực tế ở các nhà trường, đa phần số lượng phụ huynh đăng ký vào lớp Tiếng Anh tăng cường đều vượt chỉ tiêu đã đề ra. Những kết quả này, có thể được xem là tín hiệu tích cực. Vậy nhưng, trên thực tế không hẳn là đáng mừng. Trường hợp như phụ huynh có con đang học tại một trường tiểu học ở xã Nghi Phú, TP. Vinh đã nêu trên là một dẫn chứng.
Phần còn lại, nhiều phụ huynh đã “tự nguyện” đăng ký cho con vào lớp nhưng không phải là “tình nguyện” bởi họ cho rằng đó là cách nhanh nhất để con được vào lớp “chọn cô, chọn thầy”, nhất là ở bậc tiểu học.
Một giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh đã nhắn tin riêng với phóng viên Báo Nghệ An về việc triển khai các lớp Tiếng Anh tăng cường ở nhà trường, trong đó chị vừa đóng vai trò là giáo viên trực tiếp đứng lớp Tiếng Anh tăng cường, vừa là phụ huynh, vừa là giáo viên của nhà trường.
Những chia sẻ của giáo viên này nói rõ: Về việc số lượng phụ huynh đăng ký cho con học lớp Tiếng Anh tăng cường ở một số trường vẫn rất cao, thậm chí là tăng lên, là do nhà trường công khai việc các lớp Tiếng Anh tăng cường sẽ được bắt thăm giáo viên chủ nhiệm là các giáo viên giỏi của trường (còn thế nào là giỏi thì không có tiêu chí cụ thể). Nghĩa là, lúc bắt thăm giáo viên chủ nhiệm sẽ chia làm hai nhóm, một nhóm giáo viên bắt thăm để chủ nhiệm lớp bình thường; nhóm còn lại sẽ bắt thăm để chủ nhiệm lớp Tiếng Anh tăng cường. Hai nhóm giáo viên này do ban giám hiệu tự chia ra.
Mặc dù phụ huynh biết học Tiếng Anh tăng cường không có hiệu quả nhưng vẫn phải chấp nhận bỏ tiền đầu tư, mong con mình được vào lớp học có giáo viên chủ nhiệm giỏi. Sau khi vào học thấy quá áp lực muốn rút thì đã muộn vì đã đăng ký cam kết 5 năm. Hơn thế, nếu muốn rút khỏi lớp đồng nghĩa việc con sẽ bị chuyển sang lớp khác (một lớp có giáo viên chủ nhiệm không được gọi là giỏi). Thực trạng đó dẫn đến một số giáo viên muốn chủ nhiệm lớp Tiếng Anh tăng cường đã xin xỏ, chạy chọt gây mất đoàn kết nội bộ trong trường học.
Nữ giáo viên này cho biết thêm, con của chị cũng học lớp Tiếng Anh tăng cường, hiện tại muốn rút cũng không được (dù rằng con giáo viên trong trường không mất tiền học). Điều chị lo ngại hơn nữa là chất lượng của chương trình vì theo chị “không có hiệu quả gì”, bởi “đánh giá đầu ra thì đề của trung tâm”.
Nhiều trường hợp lớp Tiếng Anh tăng cường do chị đứng dạy với chương trình tiếng Anh cơ bản để đạt điểm 5 đã khó đối với cả cô và trò. Trong khi đó, các cháu phải học 2 chương trình Tiếng Anh tăng cường (một chương trình tiếng Anh - Toán do trung tâm xuất bản và bán sách, 1 giáo trình sách Kid’s box). Trong khi đó, 3 chương trình học một lúc, hoàn toàn khác nhau, không có sách nào bổ trợ cho nhau mà còn “chồng chéo gây khó cho học trò”.
Rà soát quy trình, chấn chỉnh chất lượng
Chương trình Tiếng Anh tăng cường hiện đang được ngành Giáo dục Nghệ An triển khai ở 4 bậc học, trong đó tập trung nhiều nhất ở bậc tiểu học và mầm non với gần 2.500 lớp và hơn 87.000 học sinh theo học. Quá trình triển khai, thực tế đang còn nhiều bất cập.
Trong khi phụ huynh TP. Vinh cho rằng, các lớp Tiếng Anh tăng cường đang “núp bóng” để chọn giáo viên thì tại các huyện khác, dù không tuyển sinh theo từng lớp riêng nhưng quá trình thực hiện lại có những điều chưa phù hợp.
Nhiều phụ huynh ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và nhiều địa phương khác nói rằng, gọi là Tiếng Anh tăng cường nhưng thực chất các trung tâm lại thuê giáo viên Tiếng Anh của các trường dạy, chất lượng không đảm bảo. Nhiều trường, bố trí giờ học không hợp lý gây nên khoảng cách giữa học sinh đăng ký học Tiếng Anh tăng cường và học sinh không có điều kiện học Tiếng Anh tăng cường.
Tại huyện Nghĩa Đàn, qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, ông cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 70% các trường triển khai Tiếng Anh tăng cường theo tinh thần tự nguyện. Khó khăn hiện nay trong thực hiện đó là các trung tâm Tiếng Anh trên địa bàn đều chưa đủ giáo viên nên nhiều trung tâm đang phải hợp đồng chính giáo viên tiếng Anh trong trường giảng dạy.
Từ đầu năm học này, việc dạy Tiếng Anh tăng cường ở các trường mầm non trên địa bàn huyện Tân Kỳ cũng tạm thời chưa triển khai để huyện yêu cầu các nhà trường rà soát lại quy trình tổ chức của các đơn vị liên kết. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, ông Phạm Tân Phương - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ cũng thừa nhận: Chúng tôi chưa thực sự tin tưởng vào năng lực của các trung tâm tiếng Anh trên địa bàn. Trong khi đó, nếu liên kết với các trung tâm từ thành phố Vinh thì chi phí khó đảm bảo. Các năm trước, các trung tâm thường tổ chức theo đợt và dạy cuốn chiếu. Việc dạy Tiếng Anh ở mầm non đã đem đến không khí mới cho các nhà trường, nhưng để dạy hiệu quả thì cần nhiều yếu tố khác bổ trợ.
Liên quan đến việc dạy Tiếng Anh tăng cường, trước đó trao đổi với Báo Nghệ An, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, bên cạnh những ưu điểm cũng còn nhiều tồn tại, bất cập. Đó là công tác tổ chức, phối hợp giữa các trung tâm ngoại ngữ và cơ sở giáo dục chưa thật chặt chẽ (bố trí giờ học chưa hợp lý, bố trí giáo viên của trường tham gia trợ giảng, quản lý lớp học, đặc biệt là giờ của giáo viên nước ngoài). Trong khi đó, ngành chưa bố trí trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá chuẩn đầu ra cho các lớp tiếng Anh tăng cường. Ở một số địa phương, điều kiện dạy học, mức học phí còn chưa phù hợp với mặt bằng dân cư.
Trước thực tế trên, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình tăng cường phải làm tốt công tác dân chủ, công khai trong trường học, đặc biệt là đối với phụ huynh, học sinh. Tuyệt đối được không ép buộc học sinh tham gia các chương trình tăng cường; sắp xếp, bố trí lớp học, thời gian học phù hợp. Tổ chức quản lý và hỗ trợ học sinh; xây dựng hồ sơ, quy trình quản lý để theo dõi giám sát chặt chẽ trung tâm phối hợp thực hiện Chương trình Tiếng Anh tăng cường.
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng vừa công bố quy trình 6 bước để lựa chọn trung tâm ngoại ngữ tổ chức dạy học Tiếng Anh tăng cường tại các nhà trường và các tiêu chí lựa chọn. Hy vọng, cùng với các văn bản đã ban hành, việc siết chặt quy trình lựa chọn đầu vào sẽ giúp cho việc triển khai Tiếng Anh tăng cường ở các nhà trường có hiệu quả và đạt được mục đích đã đề ra./.