Vinh đó trong thơ...
(Baonghean.vn) - Với 35 áng thơ gọn gàng, đằm thắm, đôn hậu, đọc “Vinh đó trong tôi”, bạn đọc bình thường vẫn có thể ngẫm ra điều này: Thì đấy, viết về Vinh không nhất thiết cứ phải có “giấy khai sinh” ở Vinh.
Những ngày tháng này, nhiều nơi trong, ngoài thành phố tưng bừng dư âm kỷ niệm 60 năm (1963 - 2023) Vinh từ thị xã lên thành phố và 235 năm Phương Hoàng Trung Đô - Vinh (1788 - 2023). Cũng đúng dịp này, nhà thơ Võ Văn Thoan cho ra mắt tập thơ thứ 5, lấy tên “Vinh đó trong tôi” (NXB. Nghệ An, 9/2023) với 35 bài thơ.
Tôi hơi bất ngờ, sau tìm hiểu mới biết ông có lý do thuyết phục. Quê Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An, tuy thế, Vinh đã trở thành quê hương thứ hai của ông cùng gia đình; họ sống, sinh hoạt, làm việc, gắn bó máu thịt, thành kỷ niệm từ những năm 70 của thế kỷ trước, cho tới tận hôm nay, và chắc chắn sẽ mãi sau này nữa!
Tập thơ “Vinh đó trong tôi” không phải được viết một mạch, trong một khoảng thời gian nhất định, để “cho có”, hay để tham dự một cuộc thi nào cả. Gần đây, trang mạng Vinh xưa phát động cuộc thi nhiều thể loại về Vinh, nhân sự kiện 60 năm Vinh lên thành phố, nhà thơ Võ Văn Thoan gửi dự thi chùm 3 bài: “Ai chè xanh đơi”, “Đêm Vinh”, “Ngày ấy - bây giờ”. Không đặt ra vấn đề được giải thưởng hay không, tác giả chỉ tham gia cổ động cho phong trào, hướng tới những điều lương thiện, tốt đẹp cho thành phố nơi mình đang sống. “Cái tâm sáng trước, dặm đường mới quang”, đây là câu thơ trong bài “Lời vàng nước non” ca ngợi Bác Hồ. Hy vọng, nhà thơ cũng như bao công dân khác ở Vinh, đã và đang nhiều gắng gỏi để có “cái tâm sáng”, “dặm đường quang” như thế!
Trong 4 tập thơ trước, lần lượt xuất bản vào các năm 2009, 2013, 2019, 2020, tập nào Võ Văn Thoan cũng có một chùm thơ về Vinh. Tổng cộng đến non trăm bài. Nhờ đó, khi nảy ra ý định tập hợp và xuất bản tập riêng về thành phố, ông gặp thuận lợi, làm bản thảo nhanh, chất lượng thơ “đều tay”, một số bài, câu khá hay. Điều quan trọng nữa, là cuốn sách phản ánh rõ cảnh sắc, không khí, phong tục, tính cách của con người và vùng đất, khí thiêng sông núi, hoa cỏ nơi đây. Nghĩa là, nó khó lẫn với các thành phố khác của miền Trung.
Trong bài thơ “Rất Vinh”, nhiều chi tiết chỉ đây mới có: “Thơm bát cháo lươn, quà xứ Nghệ/ Rượu quê Nghi Phú, ngọt cam Vinh/ Vẻ đẹp Hoan Châu nay vẫn giữ/ Rất Vinh, đâu phải của riêng mình”.
Bài “Dáng Vinh” tổng hòa của bao đường nét: “Có một dáng Vinh sao khó quên/ Điệu hò ví dặm mãi thân quen/ Bâng khuâng ai hát chiều Bến Thủy/ Muối mặn gừng cay thắm nghĩa bền”.
Ở phố tảng sáng, nghe rao “Ai chè xanh đơi”, sao lại không xao xuyến, bồi hồi cho được: “Ai chè xanh đơi/ Chỉ vài ngàn bạc lẻ/ Mà hương thơm chát ngọt cả tình đời”. Điều gì mình đã yêu thì đôi khi có nói quá lên tí chút cũng dễ thông cảm, như lúc nhà thơ ngắm “Vầng trăng trên núi Quyết: “Chẳng nơi đâu/ Trên trái đất này/ Núi Quyết trăng gần đến thế/ Vầng trăng cũng gần/ Thăm thẳm biển/ Và vô cùng trong xanh”.
Chung khối phố, là người của nhiều nơi về tụ lại, tối đèn tắt lửa có nhau, rồi thành “Láng giềng”: “Phải đâu cùng một quê hương/ Ruột rà xa ngái thì nương láng giềng”. Sông Lam, núi Quyết lâu đời thành biểu tượng bền vững, cao đẹp của Thành phố Vinh, nhìn lâu có thể dễ nhàm, Võ Văn Thoan thì khác: “Sông Lam đó qua bão mưa, lũ lụt/ Mà đêm nay như cô gái chưa chồng/ Núi Quyết vạn năm sừng sững thế/ Xuân về buông những tiếng chuông trong…”.
Phố Vinh thêm nét mới, tự hào có cả một làng hoa xưa kia thuộc ngoại ô, lần nọ nhà thơ đến “Thăm làng hoa Nghi Liên”: “Bao năm trước ruộng đồng khoai lúa/ Năm nay khắp xã thắm hoa tươi/ Dân thoát nghèo đi lên đâu chỉ nhờ cây lúa/ Gửi tin yêu, hoa tìm bạn với người”.
Mang theo tình yêu chân thành, bền bỉ với Vinh, nên Võ Văn Thoan dễ thấy rõ và so sánh Thành phố Đỏ quê Bác “Ngày ấy - bây giờ” bao đổi mới, mà cái cốt lõi vẫn là con người: “Thành phố của những con người bước đi không mỏi/ Mỗi mai hồng thắp sáng những yêu mơ”… Cứ thế, cứ thế, tập thơ dẫn bạn đọc đi qua nhiều biến động của con người, lịch sử; bao cung bậc tình cảm, suy ngẫm về thành phố quê hương, được tích lũy trong một người cầm bút đã ở vào tuổi bảy 76.
Với 35 áng thơ gọn gàng, đằm thắm, đôn hậu, đọc “Vinh đó trong tôi”, bạn đọc bình thường vẫn có thể ngẫm ra điều này: Thì đấy, viết về Vinh không nhất thiết cứ phải có “giấy khai sinh” ở Vinh. Sinh ra, lớn lên nơi vùng quê Nghi Lộc một thuở quanh năm khoai sắn, đến tuổi trưởng thành, rồi lập nghiệp trong ngành Giao thông vận tải từ năm 1965, nhà thơ “hội nhập” vào Vinh, gắn với Vinh hơn 40 năm. Có bao nhiêu mối quan hệ, bao bạn bè, công việc, bao háo hức, mày mò đã khiến hồn thơ Võ Văn Thoan bén duyên, nặng nợ với đất, với người nơi này. Cũng có không ít cây bút làm thơ quê ở Vinh, cả đời sống trên đất Vinh, nhưng tình cảm, hồn vía để ở chỗ khác, xa lắm, thì họ vẫn khó có thể viết, và viết ra được, cả một tập thơ như thế?