Khai thác hiệu quả tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP ở Nghệ An

Trân Châu 06/10/2023 14:44

(Baonghean.vn) - Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT  về hiệu quả của Chương trình OCOP và công tác quảng bá sản phẩm hiện nay.

P.V:Xin đồng chí cho biết, Nghệ An đã khai thác tiềm năng, lợi thế như thế nào trong việc phát triển các sản phẩm OCOP hiện nay?

Đồng chí Võ Thị Nhung: Phải khẳng định rằng, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, nỗ lực của các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) tỉnh Nghệ An đã đạt kết quả tích cực, đáng khích lệ; Trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn.

Phong trào tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp tại các đại phương trong tỉnh và được Trung ương đánh giá cao. Tính đến thời điểm này, Nghệ An đã có 422 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao trở lên, trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao là đèn lồng của Công ty Đức Phong (thành phố Vinh); 41 sản phẩm đạt 4 sao và 380 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận, chỉ sau Hà Nội.

Chị Võ Thị Nhung.jpeg
Đồng chí Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An. Ảnh: P.V

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Một trong những nhiệm vụ của chương trình OCOP là khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, vùng nguyên liệu để thúc đẩy tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thực hiện công tác điều tra, khảo sát về điều kiện đất đai, vùng sản xuất để đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Có nhiều chính sách hỗ trợ cho các chủ thể thuê đất để sản xuất, xây dựng nhà xưởng, qua đó, đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng để gia tăng giá trị sản phẩm. Đưa các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai và gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, văn hóa của từng địa phương để phát triển sản phẩm OCOP, ví dụ như trồng sen ở huyện Nam Đàn; dược liệu Pù Mát ở huyện Con Cuông, chè, đào, mận, gừng ở huyện Kỳ Sơn; lạc ở huyện Diễn Châu; chè hoa vàng ở huyện Quế Phong; thủy, hải sản ở TX. Cửa Lò, các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu; gạo, miến, tương, du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An… với nhiều sản phẩm nổi bật đã có chỗ đứng trên thương trường.

bna- Đồng chí Hoàng nghĩa Hiếu, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ nghe các cơ sở giới thiêụ về sản phẩm OCOP, Xuân Hoàng.jpeg
Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng OCOP. Ảnh: Xuân Hoàng

Ngoài ra, chương trình đã tận dụng được thế mạnh về nguồn nhân lực để khai thác các văn hóa bản địa, liên kết sản xuất, đảm bảo môi trường và an sinh xã hội, quản lý, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Ngành Nông nghiệp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền về chương trình OCOP cho cán bộ các cấp, các chủ thể.

Thông qua các lớp tập huấn, cán bộ quản lý các cấp từ huyện đến cơ sở và các chủ thể đã nắm bắt được những nội dung quan trọng về xây dựng và phát triển, quảng bá các sản phẩm OCOP. Hiện nay, nhiều chủ thể đã từng bước xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh, đầu tư bao bì, nhãn mác, phát triển sản phẩm dựa vào nguồn lao động tại các địa phương, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thống, đặc biệt là vùng miền núi, khó khăn. Một số chủ thể đã có chiến lược nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó, đã tạo ra được một nguồn nhân lực thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao.

Lạc là sản phẩm có lợi thế để Diễn Châu tiếp tục xây dựng sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Ảnh Quang An.JPG
Chế biến lạc xuất khẩu ở Diễn Châu. Ảnh: Quang An

P.V:Công tác quảng bá sản phẩm OCOP ra ngoài thị trường trong nước và quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng để sản phẩm đến được người tiêu dùng. Hiện nay, công tác này thực hiện ra sao, ngành Nông nghiệp có sự hỗ trợ cho các chủ thể thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Thị Nhung: Ngay từ đầu thực hiện chương trình, các ngành, các cấp, các địa phương đã xác định công tác quảng bá và tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm OCOP là chìa khóa thành công của chương trình. Bởi sản xuất hàng hóa phải đến được người tiêu dùng, phải bán được hàng mới là hiệu quả thật sự. Các hoạt động xúc tiến thương mại đã được ngành Nông nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch Nghệ An, Sở Công Thương quan tâm, triển khai đa dạng với nhiều hình thức, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử.

Một số hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian qua, cụ thể như: Tỉnh và các ngành thường xuyên tổ chức các đoàn đi tìm hiểu thị trường, quảng bá sản phẩm, ký kết, kết nối tiêu thụ với các cơ quan chức năng làm công tác thương mại, các tập đoàn, nhà phân phối, siêu thị, các chuỗi cửa hàng ở các tỉnh.

Đến nay, tỉnh Nghệ An đã ký kết chương trình hợp tác, tiêu thụ với rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành có thị trường tiêu thụ lớn, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, Đà Nẵng...; ký kết tiêu thụ nông sản tỉnh Nghệ An với các tập đoàn, nhà phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi, như: WinCommerce, Winmart+, Mega Markit, BigC, Lotte, SiBA food,...

Từ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Nghệ An đã tiêu thụ ổn định tại thị trường các tỉnh và các chuỗi tiêu thụ thực phẩm này. Tổ chức tham gia các hội chợ, giới thiệu sản phẩm nông sản tại các thị trường trong nước, như: Tuần lễ giới thiệu quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Nghệ An tại các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội, với hàng chục gian hàng trưng bày được người dân rất quan tâm; tổ chức cho các cơ sở sản xuất, chế biến tham gia các hội chợ tại các tỉnh, thành phố tổ chức như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế...

Các chủ thể đã được tham gia trưng bày sản phẩm tại hơn 69 hội chợ; 50 hội nghị kết nối cung- cầu và trưng bày trong một số hội nghị chuyên ngành; toàn tỉnh đã xây dựng được 17 điểm bán hàng OCOP ở các địa phương…

bna- tương , an.jpeg
Đặc sản tương Nam Đàn. Ảnh: Quang An

Trong năm 2022, đã tổ chức, tham gia 12 hội chợ, với sự tham gia của 128 lượt cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Tháng 5/2023 vừa rồi, tỉnh đã tổ chức thành công Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng, miền cả nước tại Nghệ An.

Tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, có 60 gian hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh đã thu hút được nhiều người tiêu dùng tham gia mua sắm. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử (TMĐT), thực hiện ký kết thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm nông sản trên Sàn TMĐT VOSO.VN của Tập đoàn Viettel; Sàn TMĐT postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; và hiện nay đang kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng TikTok.

Trong năm 2022, sàn giao dịch TMĐT Nghệ An (nghean37.com.vn) của Sở Công Thương đã hỗ trợ 21 huyện, thành, thị mở các gian hàng cấp huyện, với hơn 300 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP… được đăng tải. Hỗ trợ được hơn 470 doanh nghiệp và thương nhân đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng; thu hút trên 9,2 triệu lượt truy cập; giới thiệu và chào bán 3.723 các sản phẩm và dịch vụ…

Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An đã từng bước đến tay người tiêu dùng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cũng như quốc tế biết đến và sử dụng. Hiện đã có trên 20 cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã thực hiện ký kết nguyên tắc đưa sản phẩm vào một số hệ thống phân phối hàng hóa lớn, 268 sản phẩm OCOP được đưa vào các siêu thị, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) như: Trà dược liệu Pù Mát, sản phẩm từ sen của HTX Sen Quê Bác, bánh đa Đô Lương, lạc sen Diễn Châu, thủy, hải sản Biển Quỳnh và Cửa Lò, giò bê Nam Đàn...

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh nghệ An hiện đã xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như sản phẩm mây, tre đan Đức Phong (5 sao) đã được xuất khẩu sang thị trường các nước như Pháp, Đức…; Rau mùi Diễn Thái (Diễn Châu) đã được xuất sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản; Sản phẩm nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu) xuất khẩu sang Nhật Bản; Sản phẩm lươn (NAP) xuất khẩu sang Úc, Nhật Bản; sản phẩm thủy, hải sản Biển Quỳnh xuất khẩu sang Mỹ...

P.V:Sắp tới Sở Nông nghiệp và PTNT có chủ trương, chính sách gì mới cho chương trình OCOP không, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Thị Nhung: Để tạo điều kiện cho các chủ thể triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ thể thực hiện tốt Chương trình OCOP. Tham mưu lồng ghép các nguồn lực, nhằm giúp các chủ thể đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng…

Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí thêm nguồn lực nhằm thực hiện Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025. Rà soát để tiếp tục hoàn thiện các chính sách phù hợp với giai đoạn mới, trong đó, ưu phát triển vùng nguyên liệu địa phương; đào tạo nguồn nhân lực; hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại; hỗ trợ tiếp cận các nguồn tín dụng; tổ chức đánh giá, phân hạng và giám sát sản phẩm OCOP.

P.V:Xin cảm ơn đồng chí !

bna- chuối tân kỳ .jpeg
Trồng chuối xuất khẩu ở Tân Kỳ. Ảnh: Trân Châu

Trân Châu