Nghệ An làm gì để cùng với cả nước gỡ 'thẻ vàng' thủy sản ngay trong tháng 10?

Nguyễn Hải 06/10/2023 09:27

(Baonghean.vn) -Theo kế hoạch, chỉ còn hơn 1 tuần nữa, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang làm việc, kiểm tra, xem xét gỡ 'thẻ vàng' đối với thủy sản Việt Nam. Trong thời gian gần 10 ngày, đoàn sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT và đến các địa phương, đơn vị, bất kỳ để kiểm tra.

Tinh thần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Theo lịch từ đầu năm 2023, sau khi có chuyến làm việc, kiểm tra vào tháng 10/2022, đoàn công tác của Ủy ban EC sẽ tiếp tục sang Việt Nam làm việc vào tháng 4/2023 để phúc tra lại một số nội dung, thông tin mà Việt Nam đưa ra để gỡ thẻ vàng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hoãn và dời đến tháng 10 năm 2023. Chính vì vậy, từ đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương ven biển. Trên cơ sở đó, ban hành kế hoạch đợt ra quân cao điểm 100 ngày nhằm kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động khai thác, đánh bắt vi phạm IUU; xử lý, cập nhật công khai các vi phạm lên hệ thống.

bna_Phó Thủ tướng kết luận.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì điều hành một phiên họp trực tuyến về chống khai thác thủy sản trái phép với các tỉnh, thành ven biển. Ảnh: Nguyễn Hải

Tiếp đó, tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo IUU (Ban Chỉ đạo phòng, chống đánh bắt cá trái phép), người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giữ nguyên tinh thần chỉ đạo trên; đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xem xét hồ sơ vi phạm, nếu đủ dấu hiệu thì khởi tố các chủ tàu cá cố tình vi phạm IUU để làm gương tuyên truyền, vận động; phấn đấu gỡ thẻ vàng ngay trong tháng 10 này.

Triển khai tinh thần chỉ đạo trên, lực lượng chức năng thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cùng với Cục Kiểm ngư đã đẩy mạnh các đợt phối hợp tuần tra tuyến biển thường xuyên hơn. Qua kiểm tra, lực lượng cảnh sát biển đã phát hiện tình trạng các tàu đánh bắt vi phạm IUU vẫn còn.

bna_Tiếp cận kiểm tra tại cảng.jpg
Lực lượng Biên phòng vùng tiếp cận các tàu cá ngoại tỉnh tại bến cá Nghi Tân để kiểm tra thủ tục đánh bắt và vận động, tuyên truyền. Ảnh: Nguyễn Hải

Nghệ An là một trong những tỉnh có đội tàu đánh bắt, khai thác xa bờ lớn. Từ khi thực hiện Luật Thủy sản và quản lý khai thác theo IUU đã phát sinh một số bất cập, hạn chế. Vì vậy, từ sau khi đoàn công tác EC sang làm việc lần thứ 2 và 3 vào tháng 11/2012 và 10/2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về đánh bắt theo IUU. Cùng với thành lập tổ liên ngành để kiểm soát, làm thủ tục xuất, nhập lạch cho ngư dân, từ năm 2021, UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành để thường xuyên ra tuần tra ven biển, kiểm tra an toàn thực phẩm các cảng cá; ngành Nông nghiệp và PTNT ký kết quy chế phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh về kiểm tra, kiểm soát các hoạt động đánh bắt, khai thác vùng cửa lạch...

bna_Cao điểm nhất khi tàu thuyền về thủy triều lên mỗi ngày Tổ liên ngành Lạch Quèn xử lý 50 hồ sơ ra vào cảng.jpg
Ngư dân làm thủ tục xuất lạch đi khai thác vùng khơi tại cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải

Nhờ vậy, ngư dân từ chỗ phản đối, khó chịu khi lực lượng chức năng giám sát ra, vào cảng quá chặt thì nay đã có chuyển biến về nhận thức và hợp tác hơn. Mỗi lần xuất phát ra biển đánh bắt đều làm thủ tục khá đầy đủ; hoạt động đánh bắt ven bờ và vùng khơi đã đi vào nề nếp hơn, hiện tượng dùng thuốc nổ hay phương tiện đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sản đã giảm hẳn.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, Chi cục Thủy sản và Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND và HĐND tỉnh thông qua chính sách hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị VMS trên tàu có chiều dài trên 15m. Theo đó, tỉnh dành khoảng trên dưới 20 tỷ đồng để lắp mới trên 1.000 thiết bị VMS (2 đợt theo Nghị quyết 01/2021 và Nghị quyết 02/2023) và hỗ trợ cước duy trì thuê bao hàng tháng.

Tại các buổi kiểm tra, làm việc với Nghệ An, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến - Phó Thường trực Ban Chỉ đạo IUU ghi nhận Nghệ An là một trong số những địa phương tích cực và thực hiện tốt Luật Thủy sản và IUU. Tuy vậy, Thứ trưởng cũng lưu ý Nghệ An cũng như các tỉnh cần hành động quyết liệt, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thì mới hiệu quả.

Những khó khăn, thách thức mới

Tại phiên làm việc mới nhất của Văn phòng Ban Chỉ đạo IUU - Bộ Nông nghiệp và PTNT với các tỉnh ngày 28/9 cho thấy, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tình hình khai thác, đánh bắt tại các tỉnh phía Nam như: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu… vẫn diễn biến khá phức tạp.

Đại diện Cục Thủy sản cho biết: Cái khó trong gỡ 'thẻ vàng' là EC yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm và công khai kết quả xử lý để đoàn giám sát; đến thời điểm kiểm tra, chỉ cần còn 1 tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép, bị bắt thì khó có cơ hội gỡ thẻ vàng.

bna_Đoàn xử lý áp tải 1 tàu về xử lý.jpg
Lực lượng kiểm ngư Nghệ An thuộc đoàn liên ngành tỉnh yêu cầu 1 tàu đánh giã cào trên vùng biển ven bờ dừng khai thác để xử lý vi phạm. Ảnh: Nguyễn Hải

Một trong những khó khăn trong quản lý tàu cá và kiểm tra chấp pháp trên biển là tình trạng khi bắt giữ, biển kiểm soát tàu là ở tỉnh này nhưng thực tế đã chuyển cho người ở tỉnh khác, nhưng tỉnh khác cũng không nắm được.

Theo hạn ngạch khai thác mà 28 tỉnh, thành ven biển công bố thì cả nước đã cấp 95.703 giấy phép khai thác, nhưng số liệu quản lý tàu khai thác các địa phương hiện chỉ có 86.820 chiếc đánh bắt. Điều đó đồng nghĩa với gần 10.000 tàu hết hạn đăng ký, đăng kiểm hoặc chuyển nhượng nhưng không làm thủ tục đăng kiểm, đăng ký lại. Tại Nghệ An, đến thời điểm này, theo khuyến cáo của EC vẫn còn một số vấn đề đáng quan tâm, khi vẫn còn 325 tàu cá mất kết nối VMS trên 10 ngày và 9 tháng đầu năm còn 27 tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài.

bna_Đoàn kiểm tra nhắc nhở ngư dân.jpg
Tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống đánh bắt IUU cho ngư dân trước khi xử phạt. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Trần Như Long – Phó Chi cục trưởng phụ trách, Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết: Trên cơ sở thực trạng đã được chỉ ra tại phiên họp Ban Chỉ đạo IUU tỉnh mới nhất (ngày 25/9), UBND tỉnh đã có văn bản đôn đốc các địa phương nắm bắt lại các tồn tại, hạn chế trên để có giải pháp xử lý; yêu cầu các chủ tàu cam kết với lực lượng chức năng không ngắt kết nối VMS khi đánh bắt; không vi phạm vùng biển nước ngoài, rà soát lại tình trạng các tàu cá chưa đăng kiểm, đăng ký...

Đại diện UBND các tỉnh ven biển cũng nêu thực tế là các tàu lớn, nhất là tàu trên 24m thường đánh bắt dài ngày, hải sản được bán cho tàu thu mua hoặc cập vào cảng gần nhất để bán, không thường xuyên về địa phương, tàu dài 15m trở lên chưa chấp hành quy định bắt buộc vào cảng chỉ định nên rất khó tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý các vi phạm cũng như thống kê, truy xuất sản lượng.

bna_Xử lý cắt phao giã cào ngư lưới cụ ngư dân vứt lại.jpg
Cùng với xử phạt, lực lượng chức năng phải xử lý, thu gom tang vật vi phạm mà các tàu cá bỏ lại trên vùng nước tự nhiên, hạn chế tai nạn cho tàu cá và ô nhiễm biển. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD, chiếm 20% giá trị ngành nông nghiệp xuất khẩu. Nếu gỡ thẻ vàng thì chắc chắc con số trên sẽ tăng hơn. Ngược lại, nếu không sớm gỡ được thẻ vàng hoặc bị thẻ đỏ thì thủy sản Việt Nam vào châu Âu rất khó, do 100% sản lượng thủy sản vào đều bị kiểm tra thay vì kiểm tra xác suất như lâu nay. Đây chưa phải là thiệt hại cuối cùng vì nếu bị EC phạt thẻ vàng tiếp hoặc thẻ đỏ thì các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật… sẽ đưa ra thẻ vàng với thủy sản nước ta; đồng thời, mở rộng ra các nông sản khác. Mất mát lớn nhất là uy tín Việt Nam giảm sút khi hội nhập quốc tế nhưng chưa sẵn sàng và thực hiện đầy đủ các cam kết đã ký...

Nguyễn Hải