76 địa danh, công trình trên thế giới in dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đến nay, ngoài lãnh thổ Việt Nam, trên toàn thế giới có 76 địa danh, công trình in dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bộ Ngoại giao và Bộ VHTT&DL phối hợp vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài.
Ngày 19/8/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 85 về việc tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, với cộng đồng quốc tế.
Trong suốt thời gian qua, Kết luận 85 đã trở thành kim chỉ nam cho các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sâu rộng trong cộng đồng quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, các hoạt động tôn vinh Bác tiếp tục được triển khai thiết thực, hiệu quả thông qua mạng lưới gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Các hình thức tôn vinh được triển khai đa dạng, phong phú, chú trọng hơn nữa việc phát huy ý nghĩa, giá trị của các công trình tượng Bác, khu tưởng niệm, trường, phố, đại lộ, công viên…mang tên Bác.
Nhiều hoạt động vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ sự yêu mến, tình cảm chân thành của chính quyền, người dân thế giới, thể hiện sự trân trọng tư tưởng và nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn chứng, vào tháng 9 và 10 năm ngoái, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã tham dự và phát biểu tại cả hai buổi lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Bác ở Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) và Trụ sở UNESCO (Paris, Pháp). Trong đó sự kiện tại Pháp do UNESCO đồng bảo trợ.
Cá nhân bà Audrey Azoulay đã bày tỏ niềm vinh hạnh được tham dự lễ kỷ niệm và nhấn mạnh rằng: “Ảnh hưởng của Người còn vươn xa ra ngoài biên giới đất nước… Cách tốt nhất để tưởng nhớ di sản nhân văn của Hồ Chí Minh là tiếp tục hợp tác để bảo vệ giáo dục, văn hóa và di sản như là giá trị chung của nhân loại”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, điều này tiếp tục khẳng định sự ghi nhận của UNESCO – Tổ chức chuyên môn quan trọng của Liên Hợp Quốc - về công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Việt Nam và thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta chẳng những là Lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mà còn là Nhà văn hóa kiệt xuất, được thế giới phong tặng danh hiệu vẻ vang Danh nhân văn hóa thế giới”.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng, việc triển khai hiệu quả Kết luận 85 sẽ góp phần củng cố và phát huy niềm tự hào to lớn đó của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO Hoàng Hữu Anh cho biết, trong 3 năm qua việc triển khai Kết luận 85 nhịp nhàng, toàn diện, chặt chẽ mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến việc đi lại, giao lưu gặp nhiều khó khăn.
Tại 94 cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài vào mỗi dịp như ngày sinh của Người, Quốc khánh, lễ Tết…đều giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Hoàng Hữu Anh dẫn chứng, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đang phối hợp với Đại học Hoàng gia Thái Lan ra mắt cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hoạt động ở Thái Lan. Cuốn sách này do một tác giả ở Đồng Nai viết, xuất bản năm 2009, các cơ quan chức năng đã cố gắng để tìm được đến tác giả xin bản quyền xuất bản sang tiếng Thái Lan. Cuốn sách này sẽ được xuất bản dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Hoàng gia Thái Lan.
Trong 3 năm qua đã có thêm 5 công trình, trong đó có 2 công trình tượng, 1 công trình công viên ở Cuba, 1 khu tưởng niệm ở Côn Minh (Trung Quốc), xác lập 1 bia tưởng niệm mới. Ngoài ra còn có thêm 13 đại lộ, trường học mang tên Người. Như vậy, tính đến nay, trên toàn thế giới có 76 địa danh, công trình in dấu Người.
Từ dẫn chứng này để thấy rằng các cơ quan ngoại giao Việt Nam đã rất chủ động, sáng tạo, toàn diện, đa dạng các hình thức tôn vinh Bác Hồ ở nước ngoài nhưng vẫn đảm bảo sự tôn nghiêm, trang trọng và thành kính.
Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO nhấn mạnh, việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với cộng đồng quốc tế là một trọng tâm lớn trong ngoại giao văn hóa, “có lẽ không có gì hiệu quả hơn khi giới thiệu đất nước, con người Việt Nam thông qua một vĩ nhân, một người Việt Nam tiêu biểu mà thế giới biết rõ, yêu mến…”.