Quy định mới của Bộ Chính trị: Lãnh đạo, quản lý phải kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của bản thân và gia đình

Thu Hằng 09/10/2023 16:05

Cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hàng năm phải kiểm điểm về tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; trách nhiệm nêu gương của bản thân và gia đình.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 124 về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

So với quy định cũ, Quy định 124 đã bổ sung nhiều nội dung mới đáng chú ý. Trong đó, Quy định 124 bổ sung yêu cầu như “nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, thấy được ưu điểm để phát huy, hạn chế, khuyết điểm để khắc phục; chủ động phát hiện, ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”.

truongthimai-2-492-651.jpeg
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Ảnh: Hoàng Giám

Quy định 124 nêu rõ việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể lãnh đạo, quản lý và cá nhân.

Một trong những nội dung mới mà cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý phải kiểm điểm là “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; năng lực, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý; trách nhiệm nêu gương; trách nhiệm giải trình; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân cũng là yêu cầu mới với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý khi kiểm điểm.

Với cá nhân đảng viên phải kiểm điểm các nội dung liên quan đến phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm nêu gương, việc thực hiện những điều đảng viên không được làm; tác phong, lề lối làm việc…

Cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, ngoài những nội dung kiểm điểm chung, còn phải kiểm điểm nhiều nội dung khác. Chẳng hạn như khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ; trách nhiệm trong công việc; tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực hiện nhiệm vụ.

Trách nhiệm nêu gương của bản thân và gia đình; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cũng là nội dung kiểm điểm mới với cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Quy định mới của Bộ Chính trị còn nêu rõ, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, cá nhân phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm khi có dấu hiệu vi phạm; để xảy ra những vấn đề bức xúc, phức tạp, dư luận quan tâm; có đơn, thư khiếu nại, tố cáo; biểu hiện mất đoàn kết nội bộ.

Cạnh đó, phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm khi có vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng; biểu hiện "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; có tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý bị kỷ luật, khởi tố; trì trệ, yếu kém, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Quy định 124 giữ nguyên 4 mức độ đánh giá: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ nhưng đi kèm đó là phải có tiêu chí xếp loại, đánh giá phải “bằng sản phẩm cụ thể”.

Trong đó, tập thể không có tổ chức trực thuộc hoặc thành viên của tập thể lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật mới được đạt “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Còn với cá nhân để “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” phải hoàn thành 100% chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc được giao đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; có ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý, ngoài tiêu chuẩn chung thì 100% cơ quan, đơn vị thuộc quyền lãnh đạo, quản lý trực tiếp được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên (trong đó có ít nhất 70% số đơn vị xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên), mới được xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Quy định 124 cũng nêu rõ, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng tập thể, cá nhân được xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số được xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ” theo từng nhóm đối tượng có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Quy định 124 có 19 điều thay thế Quy định 132 năm 2018 của Bộ Chính trị.

Thu Hằng