Giáo dục kỹ năng sống trong trường học cần đi vào thực chất, hiệu quả

Mỹ Hà 09/10/2023 10:41

(Baonghean.vn) - Chương trình Giáo dục phổ thông mới chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em biết vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống đặt ra trong cuộc sống và học tập. Chính vì thế, đây là nội dung rất được quan tâm triển khai với nhiều hình thức ở các trường học.

Tăng tính tự lập, khả năng thích ứng

Buổi sinh hoạt tập thể của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Nga My (Tương Dương) thường được tổ chức vào chiều thứ Năm hàng tuần với nhiều hoạt động phong phú, xoay quanh việc phát triển các kỹ năng mềm cho học sinh.

Riêng những tuần đầu tiên của năm học mới, phần lớn nội dung đều tập trung vào việc rèn luyện cho các em kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng sống tập thể, tự lập và kỹ năng tự học. Những bài học kỹ năng trên thực tế khá đơn giản, nhưng với một môi trường mà 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, trong đó hơn một nửa học sinh đang ở bán trú thì đây là điều hết sức quan trọng. Trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trước đây với nhiều học sinh, việc được học và trang bị các kiến thức về kỹ năng sống là khá xa lạ.

bna_Buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp của học sinh Trường PT DTBT THCS Nga My - Tương Dương.jpg
Buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp của học sinh Trường PT DTBT THCS Nga My (Tương Dương). Ảnh: Mỹ Hà

Để chứng minh hiệu quả của việc giáo dục kỹ năng sống, thầy giáo Nguyễn Trọng Hào – Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc bán trú THCS Nga My dẫn chúng tôi đến với khu nhà nội trú của nhà trường. Thời điểm khoảng 5h chiều, sau giờ lên lớp, việc sinh hoạt ở khu nhà bán trú diễn ra khá quy củ, nghiêm túc. Lúc này, có em đang tập thể dục, có em đang phụ các cô ở nhà bếp chuẩn bị bữa cơm chiều. Một số em thì tranh thủ làm vệ sinh cá nhân, giặt giũ và dọn dẹp góc học tập. Toàn bộ khuôn viên khu nhà nội trú được lau dọn sạch sẽ, có vườn rau xanh, có nơi sinh hoạt tập thể. Các em đều tự tin, lễ phép, không bỡ ngỡ khi có khách lạ đến thăm và mạnh dạn chuyện trò.

Nga My là địa bàn nằm xa trung tâm và nằm ở nơi điểm cuối của huyện Tương Dương, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điều chúng tôi rất vui mừng là những năm gần đây, không chỉ con em Nga My mà con em một số xã lân cận cũng đăng ký vào học và ở bán trú tại trường. Để tạo được niềm tin này, ngoài việc dạy tốt ở trên lớp, chúng tôi cũng chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giúp các em có được những kỹ năng cơ bản để làm quen với cuộc sống tập thể. Bên cạnh đó, chúng tôi còn khích lệ học sinh thể hiện bản thân, chủ động tham gia các hoạt động học tập.

Thầy Nguyễn Trọng Hào - Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc bán trú THCS Nga My

Học sinh bán trú Trường PT DTBT THCS Nga My - Tương Dương.JPG
Các em học sinh bán trú của Trường PT Dân tộc bán trú THCS Nga My - Tương Dương. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường Tiểu học Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn), nơi có đến gần 65% học sinh là người dân tộc thiểu số, việc giáo dục kỹ năng sống cũng được chú trọng thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm...

Việc dạy kỹ năng sống được tổ chức theo từng chủ đề như tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy; phòng chống đuối nước; an toàn giao thông. Bên cạnh đó, các em được dạy những kỹ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng ứng xử với các tình huống trong cuộc sống…

cô Nguyễn Thị Mai Hiền – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Lâm

Phải đảm bảo tính thực chất, hiệu quả

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cụ thể hóa mục tiêu giúp người học làm chủ kiến thức phổ thông; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Thực hiện các mục tiêu này, tùy theo từng bậc học, việc giáo dục kỹ năng sống đã được các trường chú trọng, tích hợp, lồng ghép trong nhiều môn học, nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Một buổi trải nghiệm thực tế của học sinh Trường Tiểu học Nghi Hòa - thị xã Cửa Lò.jpg
Một buổi trải nghiệm thực tế của học sinh Trường Tiểu học Nghi Hòa - thị xã Cửa Lò. Ảnh: NT

Tại Nghệ An, trong những năm qua, chương trình dạy kỹ năng sống đã được nhiều nhà trường và phụ huynh quan tâm. Rõ nhất, là việc có hàng nghìn học sinh tham gia các chương trình dạy học kỹ năng sống liên kết tại các nhà trường.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023 toàn tỉnh có hơn 16.000 trẻ mầm non tham gia tăng cường kỹ năng sống, chiếm tỷ lệ 8,86%; cấp tiểu học là hơn 120 nghìn học sinh, chiếm 36,4%; cấp THCS khoảng 1.800 học sinh, chiếm 0,8%. Trước đó, toàn tỉnh có 152 đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa đã được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép.

Theo đánh giá ban đầu, hoạt động giáo dục kỹ năng sống đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, rèn luyện cho học sinh một số kỹ năng cần thiết: ứng xử văn hoá, làm việc nhóm, rèn luyện sức khỏe, phòng chống tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, đuối nước; phòng ngừa bạo lực học đường… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình tổ chức dạy học kỹ năng sống ở Nghệ An đang có những bất cập.

Đáng chú ý, một số cơ sở giáo dục trong quá trình liên kết với các trung tâm kỹ năng sống tổ chức hoạt động sau giờ học chính khóa cho học sinh chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, tạo một số dư luận thiếu tích cực.

Từ thực tế trên, từ đầu năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương tạm dừng việc dạy kỹ năng sống trong các trường học; đồng thời, yêu cầu các trường và các đơn vị liên quan rà soát về con người, vật chất, chương trình dạy học và các điều kiện tổ chức khác.

Những giờ học kỹ năng giúp học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Lâm biết các kỹ năng đơn giản về giao tiếp, văn hóa học đường.JPG
Những giờ học kỹ năng giúp học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Lâm biết các kỹ năng đơn giản về giao tiếp, văn hóa học đường. Ảnh: Mỹ Hà

Trong quá trình chờ hướng dẫn mới, việc dạy kỹ năng sống tiếp tục được các nhà trường duy trì với nhiều hình thức khác nhau.

Việc tạm dừng dạy kỹ năng sống theo hình thức liên kết ở các nhà trường là một động thái kịp thời để các trung tâm nhìn nhận lại chương trình, nhân sự, cách thức quản lý. Về phía nhà trường cũng nhìn nhận lại cách quản lý giáo viên trung tâm dạy học có phù hợp hay không, chất lượng chương trình và có các kiến nghị phù hợp.

Cô Nguyễn Thị Phúc - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò

Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là cần thiết. Thực tế xảy ra trên cả nước có nhiều vụ điển hình như hỏa hoạn, tại nạn thương tích, đuối nước và nếu học sinh được trang bị các kỹ năng, kiến thức, thì không chỉ cứu được bản thân mà còn giúp đỡ những người bạn của mình. Nhưng để tăng hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống phải có sự chỉ đạo thường xuyên từ trên xuống tận các trường. Việc học phải đảm bảo cả lý thuyết và thực hành để các em cảm thấy hứng thú và áp dụng được vào thực tế.

Ông Nguyễn Văn Minh - người dân phường Hưng Bình (thành phố Vinh)

Quan điểm của ngành về việc trang bị kỹ năng sống là cần thiết cho học sinh, nhưng cần đi theo hướng tăng cường giá trị sống, triết lý sống, hình thành văn hóa, cốt cách con người xứ Nghệ. Trong đó, chương trình giáo dục địa phương phải chú trọng vấn đề này. Chương trình liên kết dạy kỹ năng sống chỉ mang tính chất bổ trợ những cái còn thiếu hoặc chưa có trong chương trình chính khóa và phụ huynh, học sinh có nhu cầu mới triển khai.

ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Mỹ Hà