Đến xóm Phong Thuận, xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, hỏi thăm gia đình ông Trần Toản, bà Trần Thị Lương làm nghề đan chiếu cói, dường như ai ai cũng biết. Từ sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của đôi vợ chồng đã gần 40 năm giữ nghề làm chiếu cói truyền thống. Quan sát thấy, dường như, tất cả mọi khoảng trống trong căn nhà đều được ưu tiên nhường chỗ cho những bó cói và những chiếc chiếu cói đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: Đình Tuyên Chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Thị Lương cho biết: Nghề làm chiếu cói là nghề được truyền lại từ cha ông. Ngay từ nhỏ bà đã theo bố mẹ đi cắt cói và phụ dệt. Đến khi lập gia đình, hai vợ chồng bà theo nghề dệt chiếu và cho đến bây giờ đã gần 40 năm gắn bó. Ảnh: Đình Tuyên Nghề dệt chiếu cói nghe qua tưởng đơn giản nhưng rất kỳ công. Một tấm chiếu đến tay khách hàng phải trải qua 5 bước chính, gồm chuẩn bị cói, dây đay, vào khung, dệt và hoàn thiện sản phẩm. Trong ảnh: Công đoạn buộc dây đay, phần xương của chiếc chiếu. Ảnh: Đình Tuyên Dệt chiếu cần sự phối hợp của 2 người. Một người cầm cây văng chao những sợi cói qua go, người kia đập răng go cho những sợi cói ép khít vào nhau thật đều và chặt. Ảnh: Đình Tuyên Ông Trần Toản (SN 1972), ở xóm Phong Thuận cho biết: Trước đây, cả xóm đều làm chiếu, nhưng hiện chỉ còn mỗi gia đình tôi, nghề đan chiếu chẳng thể mang lại cho gia đình tôi một cuộc sống khá giả, nhưng với niềm đam mê đã cho tôi thêm nghị lực vượt qua khó khăn để giữ cái nghề truyền thống này. Ảnh: Đình Tuyên Những chiếc chiếu cói được làm hoàn toàn thủ công, đảm bảo tiêu chí Đông ấm, Hè mát. Ảnh: Đình Tuyên Cách đây gần 20 năm, có 8/9 xóm tại xã Hưng Hòa (TP. Vinh) làm nghề dệt chiếu cói, với gần 1.000 lao động. Chiếu cói Hưng Hòa không chỉ được bán ở thị trường các tỉnh miền Trung, mà còn xuất khẩu qua Lào. Riêng 2 xóm Phong Hảo và Phong Thuận được công nhận là làng có nghề vào năm 2005. Đó là thời “vàng son” của nghề chiếu cói Hưng Hòa. Trong ảnh: Một số người dân tranh thủ mót những đám cói còn lại bán cho thương lái. Ảnh: Đình Tuyên Ông Trương Công Định - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa cho biết: Sở dĩ nghề làm chiếu cói có nguy cơ thất truyền, là bởi ngày nay, đất chủ yếu chuyển sang các dự án xây dựng và phát triển nuôi trồng thủy sản, diện tích trồng cói bị thu hẹp. Ngoài ra, nguyên nhân chính là do thu nhập bấp bênh, thiếu đầu ra cho sản phẩm. Người dân sản xuất chiếu không biết bán cho ai nên lần lượt bỏ nghề. Ảnh: Đình Tuyên
Công đoạn làm chiếu cói ở xã Hưng Hòa (TP. Vinh). Clip: Đình Tuyên
Đình Tuyên