Bùn đá vùi lấp cánh đồng, công trình thủy lợi hư hỏng... sau lũ ở Quỳ Châu

Xuân Hoàng - Quang An 13/10/2023 08:34

(Baonghean.vn) - Những cánh đồng bị bùn đá vùi lấp, sạt lở; nhiều công trình thuỷ lợi hư hỏng nặng nề... là thực trạng tại nhiều địa phương thuộc huyện Quỳ Châu, dù đã trải qua nửa tháng sau trận lũ lịch sử. Nguy cơ bỏ hoang các vụ mùa tiếp theo đang hiện hữu.

Clip: Quang An - Xuân Hoàng
bna_gãy.jpg
Huyện Quỳ Châu là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lớn cuối tháng 9 vừa qua; trong đó, nhiều công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất bị tàn phá nặng. Trong ảnh: Đập tràn khe Tụt ở bản Minh Châu, xã Châu Hạnh được xây dựng từ năm 2008, phục vụ nguồn nước tưới cho cây lúa của bản Minh Châu. Trong trận lũ vừa qua, đập tràn khe Tụt bị hư hỏng hoàn toàn, không còn khả năng tích nước để phục vụ sản xuất. Ảnh: Quang An
bna_tan.jpg
Theo quan sát của P.V, toàn bộ mương máng, tràn ngăn nước của công trình đập tràn khe Tụt bị vỡ đôi, nhiều đoạn mương dẫn nước bị gãy nhiều khúc trôi dạt theo khe suối. Bà con nông dân bản Minh Châu hết sức lo lắng vì nếu không kịp thời sửa chữa thì vụ Xuân tới sẽ không có nước sản xuất, đành phải bỏ hoang. Ảnh: Xuân Hoàng
bna_ruộng.jpg
Cánh đồng tại bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh cũng bị vùi lấp hoàn toàn. Ông Lê Văn Chiến - Trưởng bản Kẻ Nính cho biết: Dưới lớp bùn đất này là hàng chục ha lúa của bà con chuẩn bị thu hoạch, giờ mất trắng. 120/198 hộ trong bản có diện tích cây trồng bị nước lũ cuốn trôi, vùi lấp. Giờ cải tạo đất rất khó vì khối lượng công việc quá lớn, sức người cày cuốc không xuể, cần phải thuê máy nhưng bà con giờ đâu còn tiền mà thuê... Ảnh: Quang An
bna_bà.jpg
Bà Lô Thị Liên, trú tại xã Châu Hạnh ngậm ngùi trước những cây lúa sắp gặt giờ phủ đầy bùn đất. Bà cho biết, gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào lúa, giờ cây chết cả, đất lại ô nhiễm, không biết bao giờ mới có lúa gạo để ăn. Ảnh: Xuân Hoàng
bna_lúa.jpg
Theo thống kê, trên địa bàn toàn huyện Quỳ Châu có hơn 850 ha lúa bị vùi lấp, hư hỏng hoàn toàn. Nguồn lương thực cho bà con dự kiến sẽ thiếu hụt trong thời gian tới. Ảnh: Quang An
bna_mầm.jpg
Nửa tháng sau trận lũ lịch sử, những ngọn lúa ngập nước nay đã mọc mầm. Đại diện chính quyền xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu cho biết: Việc khắc phục sản xuất rất khó vì lớp đất cũ đã phủ một bãi cát trắng dày gần 1 mét. Có những cánh đồng buộc phải bỏ hoang, chính quyền đang tìm phương án bố trí điểm khai hoang mới cho bà con. Ảnh: Xuân Hoàng
bna_sạt lở.jpg
Người dân huyện Quỳ Châu hiện vẫn "ngồi trên đống lửa" với nhiều nỗi lo, trong khi thiệt hại của trận lũ chưa nguôi, hiện nay, nhiều diện tích đất sản xuất tiếp tục bị sạt lở, ăn sâu vào trong, từng mảng đất cuốn vào dòng nước. Ảnh: Quang An
bna_mía.jpg
Cánh đồng mía của bà Mạc Thị An ở bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh bị gãy đổ, phủ một lớp bùn đất, thân cây... Dù trận lũ đã đi qua, tuy nhiên việc khôi phục diện tích mía rất khó do hầu hết cây đã bị gãy ngang thân, gốc. Ảnh: Xuân Hoàng
bna_ao 2.jpg
Nhiều diện tích ao, hồ nuôi trồng thuỷ sản của người dân cũng bị nứt vỡ, cuốn trôi. Gia đình ông Quán Vi Sinh ở bản Minh Châu, xã Châu Hạnh có 3 ao cá, bị trôi hoàn toàn, thiệt hại trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, việc khôi phục rất khó khăn vì không có kinh phí, không những vậy, việc thuê máy múc để đào đất trong thời điểm này rất khó vì máy móc trên địa bàn cũng đang được sử dụng hết mức để khắc phục thiệt hại mưa lũ ở các khu vực khác. Ảnh: Quang An

Ông Lương Trí Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Châu cho biết: Sau lũ lụt, huyện tiếp tục rà soát mức độ thiệt hại và đề ra phương án khắc phục. Tuy nhiên, khó khăn là diện tích lúa, rau màu, ao cá bị đất đá vùi lấp quá lớn, lớp đất dày, phải sử dụng máy múc mới có thể khôi phục được, song nguồn kinh phí của địa phương có hạn, rất khó thực hiện đồng loạt.

"Nếu không sớm có phương án xây dựng lại các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng và ruộng đồng bị vùi lấp do lũ lụt gây ra vừa qua, thì vụ đông và vụ xuân sắp tới nhiều cánh đồng sẽ phải bỏ hoang, không thể sản xuất" - ông Dũng băn khoăn.

Xuân Hoàng - Quang An