Quốc gia nào đang dẫn đầu thế giới về bằng sáng chế 5G?

PV 13/10/2023 09:32

(Baonghean.vn) - Một báo cáo mới được công bố bởi LexisNexis IPlytics - công ty nghiên cứu dữ liệu bằng sáng chế nổi tiếng thế giới cho thấy, Mỹ là quốc gia đang dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế công nghệ 5G, với hơn 28.000 bằng sáng chế được cấp.

Trong báo cáo của mình, LexisNexis IPlytics cho rằng: “Mức độ áp dụng của công nghệ 5G đã tăng lên đáng kể trong các ngành công nghiệp, dẫn đến ngày càng có nhiều công ty xây dựng danh mục bằng sáng chế 5G”. Công ty nghiên cứu về dữ liệu bằng sáng chế lưu ý rằng, số lượng công ty sở hữu họ bằng sáng chế 5G đã tăng từ 32 vào năm 2015 khi tiêu chuẩn 5G lần đầu tiên được phát triển lên 131 vào năm 2023.

Anh minh hoa4.jpg
Ảnh minh họa.

Họ bằng sáng chế là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, liên quan đến đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp là bằng sáng chế. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), một họ bằng sáng chế được định nghĩa là một tập hợp các bằng sáng chế được đăng ký ở nhiều quốc gia khác nhau, tức đăng ký bảo hộ ở các cơ quan cấp bằng sáng chế để bảo vệ cùng một sáng chế ở các quốc gia khác nhau.

Các quốc gia và công ty đang đi đầu về bằng sáng chế 5G

Báo cáo của LexisNexis IPlytics đã đưa ra cái nhìn tổng quan về các quốc gia và công ty hàng đầu trên thế giới nộp bằng sáng chế liên quan đến công nghệ 5G. Theo đó, về phương diện quốc gia thì Mỹ đang đứng đầu thế giới về số lượng họ bằng sáng chế 5G, với hơn 28.000 họ bằng sáng chế 5G được cấp, tiếp theo là Trung Quốc với khoảng 26.000 và khu vực châu Âu với gần 15.000 họ bằng sáng chế.

Xét về phương diện công ty thì Tập đoàn Công nghệ Huawei của Trung Quốc đang đứng đầu trong đánh giá tổng thể về giá trị bằng sáng chế 5G. Tiếp theo lần lượt là Qualcomm của Mỹ đứng thứ 2, Samsung của Hàn Quốc đứng thứ 3, Ericsson của Thụy Điển đứng thứ 4 và Nokia của Phần Lan đứng thứ 5, trong khi đó nhà sản xuất điện thoại thông minh Apple đứng ở vị trí thứ 12.

LexisNexis IPlytics cũng chỉ ra một số công nghệ bên trong tiêu chuẩn 5G đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các chủ sở hữu bằng sáng chế 5G. Chúng bao gồm các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), truyền thông giữa phương tiện với phương tiện (V2V) và các công nghệ áp dụng trong các nhà máy thông minh.

Dữ liệu cho thấy, công nghệ IoT băng hẹp (NB-IoT) có số lượng họ bằng sáng chế lớn nhất với mức tăng mạnh trong 10 năm qua lên gần 20.000 họ bằng sáng chế được công bố, tiếp theo là công nghệ mạng diện rộng năng lượng thấp (LTE-M) và LTE-Cat 1. Trong đó, Huawei, Samsung, ZTE, Qualcomm và Nokia nằm trong số những công ty nắm giữ bằng sáng chế hàng đầu về công nghệ NB-IoT.

Công nghệ di động 5G phức tạp hơn các công nghệ di động thế hệ trước như 3G hoặc 4G

Đánh giá về độ phức tạp của công nghệ 5G, LexisNexis IPlytics cho rằng, so với các công nghệ di động thế hệ trước như 3G hoặc 4G, 5G cho phép tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn, độ trễ thấp hơn, cải thiện hiệu suất phổ tần số và cung cấp các công nghệ mới như phân chia mạng hoặc định dạng chùm tia. Do đó, 5G là công nghệ phức tạp hơn nhiều so với thế hệ di động trước đó như 3G hoặc 4G.

Báo cáo của LexisNexis IPlytics cho biết, số lượng họ bằng sáng chế liên quan đến công nghệ 5G được công bố đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2023, đạt hơn 60.000 họ bằng sáng chế, gấp gần 2,5 lần so với 24.000 họ bằng sáng chế được công bố cho công nghệ 4G.

Lợi nhuận và các vụ kiện liên quan đến bằng sáng chế

Những phát hiện từ LexisNexis IPlytics rất đáng chú ý khi ngày càng có nhiều công ty đang tìm cách kiếm lợi nhuận từ việc nắm giữ bằng sáng chế 5G của họ. Ví dụ, Huawei gần đây đã mở rộng hoạt động kinh doanh cấp phép bằng sáng chế của mình để đạt được nhiều doanh thu hơn.

Số liệu của LexisNexis IPlytics cho biết, hoạt động cấp phép bằng sáng chế của Huawei đạt tổng trị giá khoảng 560 triệu USD vào năm ngoái. Trong khi đó, Ericsson kỳ vọng doanh thu từ cấp phép sở hữu trí tuệ vào năm 2023 sẽ đạt khoảng 998 triệu USD. Avanci - một công ty của Mỹ phụ trách đàm phán chi phí sử dụng bằng sáng chế cho tiêu chuẩn giao tiếp hồi đầu năm nay cho biết nhóm bằng sáng chế 5G mới dành cho ô tô được kết nối bao gồm sự tham gia của đại đa số những người nắm giữ bằng sáng chế 5G hàng đầu toàn cầu.

Liên quan đến tranh chấp trong việc sử dụng bằng sáng chế, thời gian qua trên thế giới đã có nhiều vụ kiện xảy ra giữa các công ty sở hữu bằng sáng chế và công ty áp dụng bằng sáng chế. Chẳng hạn, mới đây nhà sản xuất thiết bị viễn thông Ericsson của Thụy Điển và gã khổng lồ công nghệ Apple của Mỹ đã giải quyết cuộc chiến của riêng họ về bằng sáng chế 5G, kết quả hàng năm Apple phải chuyển một số tiền lên tới 400 triệu USD cho Ericsson để được sở hữu các bằng sáng chế liên quan đến công nghệ 5G.

Trước đó vào năm 2021, Nokia – nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Phần Lan cũng đã nộp đơn kiện nhà sản xuất điện thoại thông minh Oppo của Trung Quốc tại châu Á, châu Âu về việc vi phạm bằng sáng chế liên quan đến kết nối, giao diện và các tính năng bảo mật trong công nghệ 5G.

Theo LexisNexis Iplytics, thị trường cấp phép bằng sáng chế tiêu chuẩn (SEP) cho công nghệ 5G dự kiến ​​sẽ trở thành một trong những thị trường sinh lợi nhất, không chỉ về tiền bản quyền mà còn để duy trì vị trí dẫn đầu trong chuỗi giá trị công nghiệp ngày càng cạnh tranh.

Bằng sáng chế tiêu chuẩn (SEP) là bằng sáng chế yêu cầu một sáng chế phải tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Do đó, các tổ chức tiêu chuẩn thường yêu cầu thành viên phải cấp giấy phép cho các bằng sáng chế của họ và các đơn đăng ký bằng sáng chế có những tiêu chuẩn mà tổ chức đưa ra.

Việc xác định bằng sáng chế nào là cần thiết đối với một tiêu chuẩn cụ thể có thể tương đối phức tạp. Các tổ chức đưa ra tiêu chuẩn yêu cầu giấy phép của các bằng sáng chế phải tuân theo các Điều khoản công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử.

Do đó, cuộc đua bằng sáng chế 5G mang tính cạnh tranh hơn bao giờ hết, khi các quốc gia phát triển trên thế giới đang nỗ lực để tranh giành vị trí dẫn đầu về kỹ thuật trong các công nghệ quan trọng.

Phan Văn Hòa (Theo Lightreading)

PV