Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh: Cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới trong ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển

Mai Hoa 13/10/2023 12:41

(Baonghean.vn) - Làm việc với các sở, ngành về triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Nam Đình nhấn mạnh, cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới trong ban hành cơ chế, chính sách đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm gắn với cơ cấu ngành, lĩnh vực.

bna_ MH12.jpg
Sáng 13/10, Thường trực HĐND tỉnh có cuộc làm việc với các sở, ngành cấp tỉnh theo chương trình giám sát của HĐND tỉnh về việc thực hiện một số nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay. Ảnh: MH

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc. Tham gia cuộc làm việc có các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Tạo động lực phát triển chung của tỉnh

Theo kế hoạch, phạm vi giám sát của HĐND tỉnh gồm 11 nghị quyết liên quan đến các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tại cuộc làm việc, các sở, ngành đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc thẩm quyền tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện.

Khẳng định chung của đại diện các sở, ngành tại hội nghị là: Các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành với các cơ chế, chính sách cụ thể cùng với việc bố trí kịp thời nguồn lực của UBND tỉnh, đã tác động rất tích cực, tạo điều kiện khuyến khích phát triển nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, văn hoá, giáo dục mầm non… của tỉnh.

bna_ MH2.jpg
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trường báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 05 về chính sách hỗ trợ đầu tư. Ảnh: MH

Chẳng hạn như Nghị quyết số 18 với 23 nội dung chính sách về nông nghiệp, nông thôn; qua gần 2 năm thực hiện, tỉnh đã bố trí hơn 183 tỷ đồng hỗ trợ phát triển các cây trồng, vật nuôi, khai thác, bảo vệ trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng bằng cây bản địa, tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phát triển hợp tác xã…

Thông qua thực hiện các chính sách đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp và hộ nông dân; góp phần thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

bna_MH.jpg
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Thị Nhung báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 18 về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời giải trình làm rõ các kiến nghị, đề xuất của các huyện. Ảnh: MH

Hay Nghị quyết số 22 về chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết số 05 về chính sách hỗ trợ đầu tư, tạo cơ sở để thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, các nhà đầu tư có tiềm lực vào địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

bna_ MH10.jpg
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, Phó trưởng đoàn giám sát của HĐND tỉnh Cao Tiến Trung tham gia ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: MH

Một số nghị quyết về chính sách hỗ trợ một số đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em mầm non, người tham gia trong lĩnh vực văn hoá, di sản…, cũng đã góp phần động viên, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng được thụ hưởng.

Làm rõ một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh nhiều tác động tích cực, tại cuộc làm việc, các thành viên dự họp cũng phân tích làm rõ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh.

Quá trình tiếp cận cơ sở, lắng nghe kiến nghị, phản ánh của cử tri, tham gia ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đặt ra vấn đề: Một số chính sách hiện nay có manh mún, nhỏ lẻ hay không và đề nghị các sở, ngành chủ trì tham mưu xây dựng các chính sách cần tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các chính sách không phù hợp và ưu tiên bổ sung các chính sách tạo động lực phát triển.

bna_ MH9.jpg
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đặt ra nhiều băn khoăn về việc triển khai, đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành đi vào cuộc sống. Ảnh: MH

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chỉ ra một số hạn chế trong triển khai thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh trong thực tiễn, đề nghị các sở, ngành khắc phục, như công tác tuyên truyền các chính sách đến các đối tượng chưa đầy đủ, kịp thời; một số chính sách triển khai, đi vào cuộc sống chậm; một số sở, ngành thiếu kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.

Mặt khác, vẫn còn tình trạng rườm rà về thủ tục hành chính cho các đối tượng thụ hưởng chính sách; chính sách ít, nguồn lực nhỏ, nhưng thủ tục còn rườm rà, dẫn đến đối tượng thụ hưởng không mặn mà với chính sách hỗ trợ.

bna_ MH7.jpg
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung đề nghị các sở, ngành làm rõ thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế chính sách để có cơ sở kiến nghị tháo gỡ cụ thể. Ảnh: MH

Cần thay đổi tư duy trong ban hành chính sách

Kết luận tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao vai trò chủ động của các sở, ngành trong việc rà soát các cơ chế, chính sách đã được ban hành từ nhiệm kỳ trước và tham mưu, đề xuất ban hành các chính sách nhiệm kỳ 2021 - 2026, gắn với đôn đốc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

bna_ MH3.jpg
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát kết luận tại cuộc làm việc. Ảnh: MH

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh ban hành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh lưu ý các sở, ngành chú trọng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền; rà soát nhu cầu và lập dự toán sát thực tiễn để khắc phục tình trạng tỷ lệ giải ngân thấp so với vốn được cấp.

Cùng với đó, các sở, ngành cần tập trung rà soát và triển khai các cơ chế, chính sách chưa triển khai hoặc triển khai chậm; chủ động rà soát các vướng mắc, thủ tục hành chính để tháo gỡ hoặc kiến nghị, đề xuất của các cấp tháo gỡ.

bna_ MH5.jpg
Đoàn công tác của HĐND tỉnh giám sát tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: MH

Để tiếp tục khắc phục tình trạng dàn trải, manh mún về cơ chế, chính sách, đồng chí Nguyễn Nam Đình nhấn mạnh, cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới trong ban hành cơ chế, chính sách có trọng tâm, trọng điểm gắn với cơ cấu ngành, lĩnh vực; các sở, ngành cần rà soát các chính sách để đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo động lực thúc đẩy phát triển thật sự đối với từng ngành, lĩnh vực và chung của tỉnh.

Mai Hoa