Câu chuyện tình yêu không lời của cặp vợ chồng khuyết tật

Công Kiên 14/10/2023 10:57

(Baonghean.vn) - Người vợ không cất lên thành tiếng, không thể lắng nghe những âm thanh cuộc đời. Còn người chồng phát âm không rõ, cột sống bị vẹo, chân tay như cành khô. Với niềm khát khao hạnh phúc, họ đến bên nhau và nắm tay đi chung một con đường, cho dù phải đối mặt với vô vàn gian khó.

Số phận nghiệt ngã

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Nguyễn Thái Tình (SN 1981) nằm ở thôn 1/5, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) thường khá im ắng, nhưng niềm hạnh phúc luôn ngập tràn. Bà con trong thôn thường gọi là “niềm hạnh phúc không lời”, bởi cả anh Tình và chị Mai đều là những người bị dị tật bẩm sinh, gặp khó khăn trong việc phát âm.

Bằng giọng khào khào không rõ tiếng (phải có người thân phiên dịch), anh Tình chia sẻ: “Mấy năm trước, mình ngã từ trên cây xuống, bị rạn đốt sống, phải phẫu thuật và chốt đinh, nằm liệt giường hàng tháng. Đau đớn tận xương tủy, mình quyết gượng dậy để vợ đỡ vất vả, lâu nay một mình vợ lo toan mọi việc”.

bna_1.jpg
Vợ chồng Nguyễn Thái Tình - Nguyễn Thị Mai. Ảnh: Công Kiên

Nói rồi, đôi tay loèo khoèo bám vào tường nhà, đôi chân bé tí lần bước xuống bếp tìm mớ thóc đem ra chuồng vãi cho đàn gà.

Lúc này, chị Nguyễn Thị Mai (SN 1987, vợ anh Tình) cũng vừa ra bãi sông lấy rau làm thức ăn cho gà trở về. Không cất được thành lời, mọi biểu đạt cảm xúc của chị đều thông qua ánh mắt và cử chỉ, chừng ấy cũng đủ để hai người thấu hiểu tâm tư và ý nghĩ của nhau.

Và hàng ngày, trong một vài tình huống cậu bé 11 tuổi Nguyễn Thái Tú trở thành “nhịp cầu ngôn ngữ” cho bố mẹ. Cậu bé chính là sự kết trái trong mối tình của cặp vợ chồng khuyết tật, cũng là niềm hy vọng ở tương lai của các bậc sinh thành.

Dù hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng giữa Tình và Mai có nhiều điểm tương đồng, họ đã thiếu may mắn khi số phận không ban cho một cơ thể khỏe mạnh, lành lặn và trí óc bình thường. Nguyễn Thái Tình là con út trong một gia đình có 5 anh, chị em, bố là bộ đội xuất ngũ, từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam và đã qua đời từ 40 năm trước.

bna_3.jpg
Dù tật nguyền nhưng anh Nguyễn Thái Tình vẫn chăm chỉ làm việc. Ảnh: Công Kiên

Một mình mẹ nuôi đàn con thơ, có thể những năm tháng ở chiến trường người bố bị nhiễm chất độc nên các con luôn ốm đau, oặt ẹo. Riêng cậu con út lúc mới sinh chân tay khẳng khiu như cành củi khô, dù nuôi mãi cũng không chịu lớn. Những đứa trẻ cùng trang lứa đã tập đi, tập nói, riêng Tình vẫn nằm gần như bất động, lúc này gia đình mới biết rõ cậu bé bị dị tật bẩm sinh.

Đến nay, người mẹ cũng đã qua đời gần 10 năm, 5 người con cũng chỉ 2 người còn sống là Tình và anh trai đầu, 3 người ở giữa đều đã mất vì bệnh tật. Lúc nhỏ, Tình được mẹ cho đến lớp, hết bậc tiểu học sức khỏe ngày một sút giảm nên phải nghỉ giữa chừng. Hồ sơ khám, chữa bệnh của anh có dòng chữ in đậm: “Dị tật bẩm sinh, mức độ đặc biệt nặng”.

Còn bố mẹ Nguyễn Thị Mai có 2 người con, trước chị là người anh trai khỏe mạnh và lành lặn. Lúc chào đời, gia đình ngỡ chị Mai là đứa trẻ bình thường, bởi thân hình lành lặn, kháu khỉnh và chóng lớn, nghĩa là không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

bna_2.jpg
Anh Nguyễn Thái Tình nuôi gà để có thêm thu nhập. Ảnh: Công Kiên

Thế nhưng, con gái càng lớn, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh nhận thấy khả năng nhận biết xung quanh kém xa các bạn cùng trang lứa. Đặc biệt, những đứa trẻ khác đã nói bi bô nhưng cô bé Mai vẫn không chịu lên tiếng, dù chỉ là lời gọi “Bố ơi! Mẹ ơi!”.

Thương con gái, ông Thanh và vợ đã làm mọi cách, nhưng cuối cùng đành chịu bất lực, vì bác sĩ kết luận Mai bị thiểu năng trí tuệ và câm điếc bẩm sinh. Hồ sơ của chị đang lưu giữ đã kết luận về tình trạng sức khỏe: “Đối tượng người tàn tật không có khả năng lao động”.

Gieo hạnh phúc giữa nghịch cảnh

Đến tuổi thanh niên, Tình theo bạn bè vượt dốc Bậm, xuống thôn Kẻ May chơi rồi gặp Mai. Ban đầu, những người bạn của Tình và bố mẹ của Mai chỉ nghĩ là sự trêu đùa, gán ghép, không ai nghĩ đến chuyện xa xôi. Nhưng rồi, ngày nào Tình cũng xuống, bạn bè bận việc thì anh đến một mình, cho dù đôi chân khẳng khiu phải leo qua dốc Bậm, đi bộ 3-4 cây số trên chặng đường vắng vẻ.

Những đêm trời đổ mưa tầm tã, con suối bên nhà dâng lên cuồn cuộn, đôi chân tật nguyền của Tình vẫn quyết băng qua. Thời gian đầu, Mai thường chạy ra sau vườn trốn mỗi khi có Tình đến nhà chơi và tỏ ra giận dỗi khi có ai đó trêu đùa. Nhưng trước sự “lì lợm” của Tình, Mai không thể trốn mãi, dần dà cũng phải vào tiếp chuyện.

bna_4.jpg
Chị Nguyễn Thị Mai chăm lo cuộc sống gia đình. Ảnh: Công Kiên

Ban đầu nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm, về sau cái nhìn đã có sự âu yếm, và thẹn thùng, e ấp mỗi khi có người trêu đùa. Những hôm vì lý do nào đó Tình không xuống, Mai tỏ ra lo lắng, đứng ngồi không yên, hết đi vào rồi đi ra, ánh mắt hiện rõ sự ngóng trông, chờ đợi.

Trước tình yêu của đôi trẻ, ông Nguyễn Văn Thanh suy nghĩ rất nhiều, mấy đêm liền không chợp mắt. Càng nghĩ, ông càng thương con gái phải gánh chịu bất hạnh, khổ sở, nếu làm vợ một người như Tình chắc chắn sẽ vất vả hơn. Nhưng bố mẹ không thể theo bước con suốt cả đời, sẽ đến lúc ốm đau, già yếu và trở về với tổ tiên. Nghĩ đến đó, ông Thanh không đành lòng ngăn cản chuyện yêu đương của con gái, dù trong lòng còn bao nỗi ngổn ngang.

bna_5.jpg
Niềm hạnh phúc của gia đình anh Nguyễn Thái Tình. Ảnh: Công Kiên

Lễ thành hôn của Nguyễn Thái Tình và Nguyễn Thị Mai được tổ chức vào cuối năm 2011 trong niềm vui của hai bên gia đình, bạn bè và bà con lối xóm. Hôn trường hôm ấy chật ních người, ai cũng chúc phúc và cầu mong cho đôi vợ chồng tật nguyền luôn yên ấm và ngập tràn hạnh phúc.

Năm sau, cậu bé Nguyễn Thái Tú chào đời, được bác sĩ khẳng định hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển bình thường, niềm vui sướng và hạnh phúc như được nhân lên bội phần.

Với vợ chồng anh Tình – chị Mai, hạnh phúc luôn song hành với nỗi vất vả, lo toan, bởi cả hai đều thuộc đối tượng tàn tật nặng, không đủ khả năng lao động, nội ngoại cũng không ai khá giả. Bé Thái Tú ngày một lớn, năm nay đã vào lớp 6, nhu cầu chi tiêu theo đó cũng tăng lên, số tiền trợ cấp của bố mẹ không thể trang trải hết. Vì thế, anh chị phải gắng sức nuôi thêm gà và trồng rau kiếm thêm thu nhập. Người làng thường thấy cảnh chị Mai ra bãi sông cắt rau dại cho gà, còn anh Tình dù tay chân quặt quẹo vẫn chăm chỉ với nương vườn”.

- Chị Trần Thị Lộc – Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Sơn -

Nhìn cảnh 3 thành viên quây quần trong mái ấm gia đình, chúng tôi biết họ đang có cuộc sống hạnh phúc, cho dù bao gian nan, thử thách đang đón chờ. Lúc chia tay, vợ chồng anh Tình muốn chia sẻ điều gì đó nhưng không nói được thành lời…

Công Kiên