Cuộc phản công của Ukraine buộc phải chuyển sang chế độ phòng thủ

Mỹ Nga 13/10/2023 14:25

(Baonghean.vn) - Giới quan sát nhận định, cuộc phản công của Ukraine đang bị đe dọa do đảng Cộng hòa của Mỹ miễn cưỡng tiếp tục viện trợ. Tuy nhiên, việc trì hoãn gói viện trợ trong vài tuần cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lực lượng của Ukraine, buộc phải chuyển sang chế độ phòng thủ.

Capture.JPG
Huấn luyện binh sĩ Ukraine tại một căn cứ ở Anh. Ảnh: AP

Sự xuất hiện của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO ngày 11/10, tại đó nhà lãnh đạo Ukraine một lần nữa yêu cầu một gói vũ khí khác, nhấn mạnh mối lo ngại của Kiev về sự hỗ trợ ngày càng sụt giảm từ đồng minh, sau khi đảng Cộng hòa phản đối gói viện trợ, và thế giới chuyển sự chú ý sang cuộc chiến ở Israel.

Với kho vũ khí khổng lồ và khả năng công nghiệp quan trọng, Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo Ukraine nhanh chóng có được vũ khí hiện đại, đặc biệt là đạn pháo và khả năng phòng không.

Các nhà phân tích của Financial Times cho biết, ngay cả việc tạm dừng viện trợ cũng có thể tác động tiêu cực đến chiến lược và chiến thuật của Kiev trong vòng vài tuần. Cuối cùng, điều này có thể dẫn đến việc Ukraine giảm bớt áp lực phản công.

Bất chấp thực tế là vào cuối tháng 9, đảng Cộng hòa đã tìm cách chặn một phần viện trợ mới cho Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn hứa sẽ hỗ trợ Kiev, miễn là cần thiết. Với sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, Quốc hội vẫn phê duyệt một gói viện trợ khác cho Ukraine. Nhưng ngay cả việc trì hoãn một vài tuần cũng có thể tác động tiêu cực đến tiến độ phản công, vốn đang trì trệ của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Max Bergmann - Giám đốc chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Trong vài tuần nữa, nếu không có gì thay đổi đáng kể tại Quốc hội, nó sẽ ảnh hưởng đến các quyết định quân sự của Kiev. Và nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch quân sự của họ trong mùa đông và mùa xuân sắp tới".

Tại cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng ở Brussels vào ngày 11/10, Tổng thống Ukraine Zelensky đã cố gắng giải thích rằng, không chỉ số phận của cuộc phản công đang bị đe dọa.

“Phản công chỉ là một hướng, nhưng các bạn cũng cần phải tự bảo vệ mình, vì bên kia có Nga – một đội quân khủng bố đông đảo” – nhà lãnh đạo Ukraine cho hay.

Mick Ryan, cựu Thiếu tướng trong Quân đội Úc, người theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột Ukraine cho biết, do sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung cấp quân sự của Mỹ, Ukraine buộc phải suy nghĩ lại về chiến thuật và chiến lược của mình. Theo ông, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny sẽ chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Mặt khác, các quan chức Nhà Trắng và lãnh đạo Quốc hội đang xem xét việc kết hợp viện trợ cho Israel và Ukraine trong cùng một gói, điều này sẽ cho phép viện trợ thêm cho Kiev. Nhưng điều này sẽ không được đảm bảo. Rủi ro là khi tình trạng bế tắc ở Washington kéo dài, quân đội Ukraine có thể bắt đầu giảm việc sử dụng các hệ thống vũ khí và đạn dược do Mỹ cung cấp, để chuẩn bị cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Dara Massicot, một thành viên cao cấp tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho biết: “Với các công sự khổng lồ, các bãi mìn rộng khắp và việc Nga sử dụng các máy bay không người lái giám sát, sự thành công trong cuộc phản công của Ukraine phụ thuộc chủ yếu vào pháo binh. Chính vì vậy, Ukraine tiêu tốn từ 6 đến 7 nghìn quả đạn pháo mỗi ngày.

Nếu Ukraine xác định rằng họ có thể không nhận được thêm gì nữa, họ sẽ bắt đầu tiết kiệm, khiến cuộc phản công bị đình trệ. Sự chậm trễ trong việc hỗ trợ chỉ vài tuần cũng có thể dẫn đến tổn thất và thất bại”.

Mỹ Nga